“Một miếng khi đói…”

09:28 - Thứ Năm, 19/07/2018 Lượt xem: 12683 In bài viết
ĐBP - Quan tâm, chăm lo giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, gặp điều rủi ro trong cuộc sống vốn là truyền thống lâu đời của dân tộc ta, thể hiện qua câu tục ngữ quen thuộc “Lá lành đùm lá rách”. Thế nhưng, điều quan trọng là làm thế nào để sự đùm bọc, tình cảm tốt đẹp đó đến đúng địa chỉ, đúng đối tượng, thời điểm và tạo hiệu ứng tích cực, lâu dài.

 

Lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ tỉnh trao quà cho học sinh nghèo xã Chiềng Sơ, huyện Ðiện Biên Ðông.

Ông Lò Văn Ðức, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết: Ðiện Biên là tỉnh vùng cao, biên giới, điều kiện kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng, dân trí… còn nhiều hạn chế, khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo cũng thuộc diện cao nhất cả nước. Vì vậy, xét theo quan điểm chung của công tác chữ thập đỏ là “chăm lo người có hoàn cảnh khó khăn, dễ bị tổn thương” thì ở tỉnh ta còn rất nhiều trường hợp cần sự quan tâm, giúp đỡ trong đời sống, sinh kế. Và để các phong trào của Hội ngày càng lớn mạnh, có sức lan tỏa, mang lại hiệu quả tích cực, công tác tổ chức và phát triển hội viên, tình nguyện viên trên địa bàn tỉnh được quan tâm đồng bộ. Hiện nay 10/10 huyện, thị, thành phố; 130/130 xã, phường, thị trấn của tỉnh đã có tổ chức Hội; cán bộ chuyên trách ở 2 cấp tỉnh và huyện gồm 31 đồng chí. Tổng số hội viên toàn tỉnh hiện nay là 60.844; trong đó có 48.104 thanh thiếu niên và 13.297 tình nguyện viên chữ thập đỏ là nòng cốt, thường xuyên tham gia các hoạt động ở cơ sở, trường học và các cơ quan, đơn vị.

Trong công tác cứu trợ xã hội, từ đầu năm đến nay, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã triển khai thực hiện phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” nhân dịp Xuân Mậu Tuất 2018. Trong đó vận động và trao tặng 8.679 suất quà cho các hộ nghèo, gia đình nạn nhân chất độc da cam với tổng giá trị gần 3,6 tỷ đồng; hỗ trợ sửa chữa nhà ở, tặng chăn, màn, quần áo, bò sinh sản… trị giá trên 2,3 tỷ đồng. Cùng với đó, cuộc vận động “mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, các cấp Hội đã phối hợp, vận động hỗ trợ bền vững cho 125 địa chỉ nhân đạo với số tiền từ 200.000 - 1 triệu đồng/tháng; hỗ trợ đột xuất cho 7.547 lượt các gia đình, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tổng giá trị đạt trên 800 triệu đồng; hỗ trợ cho 128 gia đình bị thiệt hại về người, tài sản do mưa lũ, hỏa hoạn trị giá 153,5 triệu đồng. Công tác phòng ngừa, ứng phó thảm họa được tuyên truyền qua các kênh báo chí, loa đài, tờ rơi và trong các hoạt động của hệ thống Hội và nhân dân tại cộng đồng; Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã vận động đóng góp Quỹ Phòng, chống thiên tai năm 2018 với số tiền trên 4,4 triệu đồng. Ngoài ra, Dự án “Ngân hàng bò” từ đầu năm đến nay đã sinh sản mới được 21 con; số bò luân chuyển là 20 con; công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được quan tâm với trên 5.900 lượt người nghèo, hoàn cảnh khó khăn được thăm khám, tư vấn sức khỏe miễn phí; gần 5.300 suất quà là thuốc, vật tư y tế được trao. Tính đến hết tháng 6/2018, trong công tác vận động nguồn lực, số quỹ của các cấp Hội toàn tỉnh là trên 1,95 tỷ đồng; tổng giá trị các hoạt động của Hội trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt trên 11 tỷ đồng với trên 27.300 người có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp. Nhiều mô hình hoạt động mới, cách làm hay được phát huy như phong trào phát cơm, sữa miễn phí cho các bệnh nhân nghèo vào thứ 7, chủ nhật của Hội Chữ thập đỏ huyện Nậm Pồ.

Vai trò của tổ chức Chữ thập đỏ là hoạt động nhân đạo, giúp người gặp hoạn nạn vượt qua khó khăn ban đầu, tạo động lực gây dựng cuộc sống… Và những khi thiên tai, nhân tai xảy ra là lúc vai trò của Hội được phát huy cao nhất. Tuy nhiên, trong thời gian qua, công tác cứu trợ, từ thiện trên địa bàn còn thiếu thống nhất, còn có sự chồng chéo giữa các ban, ngành, đoàn thể. Một số hoạt động nhân đạo của các tập thể, cá nhân đến từ trong và ngoài tỉnh còn mang tính tự phát, tổ chức không thông qua hệ thống chính quyền, vào địa bàn còn mang mục đích khác… ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, ý nghĩa cao cả của hoạt động nhân đạo cũng như an ninh cơ sở, nhất là tại địa bàn vùng sâu, vùng xa. Ðây là những hạn chế trong công tác Chữ thập đỏ trên địa bàn tỉnh ta nói riêng, cả nước chung.

Người Việt Nam có câu “Một miếng khi đói, bằng một gói khi no”. Vẫn biết “một miếng khi đói” hay những phần san sẻ nhỏ của cộng đồng đối với người gặp hoạn nạn, khó khăn có giá trị lớn lao trong cuộc sống. Nhưng chúng ta cũng cần biết “ăn lúc đói, gói lúc no” nhằm phòng ngừa khi khó khăn. Ðối với Ðiện Biên - địa bàn vẫn còn trên 40% hộ dân thuộc diện nghèo, ngoài công tác kêu gọi, vận động hỗ trợ thì việc triển khai, phát huy hiệu quả các chính sách an sinh xã hội là giải pháp mang tính lâu dài.

Bài, ảnh: Phạm Dương
Bình luận
Back To Top