Công trình xây dựng vi phạm chất lượng

08:37 - Thứ Hai, 23/07/2018 Lượt xem: 10422 In bài viết
ĐBP - Những năm qua, việc đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng nhanh về số lượng lẫn quy mô, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn không ít công trình, dự án chưa đảm bảo chất lượng trong quá trình đầu tư. Mà biểu hiện thường thấy là hạn chế từ chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, nhà thầu xây lắp dẫn đến công trình, dự án chất lượng thấp, gây lãng phí, thất thoát vốn đầu tư…

 

Công trình Chi cục Thi hành án dân sự TP. Ðiện Biên Phủ có nhiều sai phạm trong quá trình thực hiện dự án.

Ðiển hình là Dự án Xây dựng trụ sở Bảo hiểm Xã hội huyện Tuần Giáo. Dự án có tổng mức đầu tư gần 20,5 tỷ đồng; thời gian thực hiện từ năm 2015 - 2017. Ðơn vị chủ đầu tư là Bảo hiểm Xã hội tỉnh. Công trình đã hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng từ tháng 3/2017. Qua thanh tra, lực lượng chức năng đã phát hiện 15 sai phạm liên quan đến quá trình thực hiện Dự án. Cụ thể, Dự án được phê duyệt trước khi Sở Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở; công tác thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công - dự toán trình tự thực hiện chưa đảm bảo yêu cầu; người được giao tổ chức thực hiện Dự án (Bảo hiểm Xã hội tỉnh làm chủ đầu tư) không có trình độ chuyên môn phù hợp cũng như không có chứng nhận qua các lớp đào tạo nghiệp vụ. Các gói thầu xây lắp được thực hiện theo hình thức hợp đồng trọn gói, tuy nhiên trước khi phát hành hồ sơ mời thầu, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn thiết kế chưa rà soát lại định mức dẫn đến việc phê duyệt giá gói thầu và hợp đồng không đúng với thực tế. Công tác lựa chọn nhà thầu thi công xây lắp; quản lý chất lượng công trình, nghiệm thu thanh toán tồn tại nhiều hạn chế, như khối lượng thi công thực tế phần ốp gạch tường nhà vệ sinh không đúng với bản vẽ thiết kế; không có quyết định phê duyệt đề cương thí nghiệm nén tĩnh cọc của chủ đầu tư. Thanh tra thực tế cho thấy, tại vị trí góc tường hạng mục nhà để xe ô tô có hiện tượng ngấm giữa phần kết cấu tiếp giáp mái tôn và tường; nền nhà để xe đạp, xe máy bị phồng rộp; gạch ốp lát chưa đảm bảo kích thước theo thiết kế. Trước những vi phạm trên, lực lượng chức năng đã kiến nghị và yêu cầu chủ đầu tư giảm trừ khi tiến hành thanh, quyết toán hơn 109 triệu đồng; trong đó gồm giảm trừ chi phí xây lắp, tư vấn khảo sát địa hình, địa chất; thu hồi, bồi hoàn đối với số tiền sai lệch do công tác thẩm định, phê duyệt giá gói thầu xây lắp là 90,5 triệu đồng.

Hay công trình san nền, giao thông, thoát nước điểm dân cư Khe Chít, Khu Tái định cư Noong Bua, phường Noong Bua (TP. Ðiện Biên Phủ) (bổ sung hạng mục điểm tái định cư) vào dự án thành phần cũng tồn tại nhiều hạn chế. Dự án được phê duyệt năm 2010 và điều chỉnh bổ sung năm 2015 với tổng mức đầu tư hơn 117 tỷ đồng. UBND TP. Ðiện Biên Phủ là đơn vị chủ đầu tư và Ban Quản lý Dự án TP. Ðiện Biên Phủ là đại diện chủ đầu tư. Qua thanh tra, phát hiện nhiều vi phạm trong việc triển khai thực hiện Dự án. Cụ thể, khối lượng phát rừng, đơn giá nhân công, chi phí cho công tác định vị cắm cọc giải phóng mặt bằng không đúng (ví dụ, nhân công thiết kế lập 220.000 đồng/công, tuy nhiên thanh tra xác định lại còn 196.154 đồng/công); công tác lập, thẩm định, phê duyệt, nghiệm thu chi phí lập dự án đầu tư nội suy tỷ lệ phần trăm chưa đúng quy định (thiết kế nội suy tỷ lệ phần trăm theo giá trị bổ sung, trong khi thanh tra tính lại theo tỷ lệ phần trăm nội suy theo tổng mức đầu tư). Một số khối lượng công việc dự toán thiết kế lập chưa đúng với hồ sơ bản vẽ, như: Bê tông đúc sẵn tấm đan, mái hắt, lanh tô; cốt thép bậc lên xuống hố ga. Ðối với công tác quản lý điều hành, mặc dù dự án chưa hoàn thành, nghiệm thu, quyết toán nhưng đã thanh toán hết chi phí tư vấn quản lý dự án... Ðể xảy ra những tồn tại, hạn chế trên, trách nhiệm trước hết thuộc về chủ đầu tư và đại diện chủ đầu tư, các tổ chức cá nhân tham gia thực hiện dự án trong từng lĩnh vực cụ thể.

Trên đây chỉ là 2 trong số các công trình, dự án xây dựng trên địa bàn tỉnh xảy ra sai phạm trong quá trình thực hiện. Ông Nguyễn Trung Kiên, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng, cho biết: Tính từ năm 2017 đến nay, Thanh tra Sở Xây dựng đã tiến hành 8 cuộc thanh tra. Trong đó, năm 2017 thực hiện 6 cuộc tại 6 công trình và phát hiện sai phạm kinh tế hơn 1 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2018 thanh tra 2 đợt với 2 công trình, dự án, phát hiện sai phạm kinh tế gần 1,9 tỷ đồng, ban hành 4 quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Trong số 8 công trình, dự án được thanh tra thì cả 8 công trình đều có vi phạm về hoạt động xây dựng (tỷ lệ 100%). Các lỗi vi phạm chủ yếu như: Thẩm định, sai thiết kế, giá trị nghiệm thu thanh toán chi phí khảo sát địa chất chưa đúng thực tế; không thực hiện công tác khảo sát địa hình dẫn đến việc thiết kế, tính toán khối lượng san mặt bằng thiếu cơ sở pháp lý, tính chính xác không cao; phê duyệt thiết kế trái quy định; lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực... Nguyên nhân dẫn đến vi phạm, bên cạnh trách nhiệm của đơn vị chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư, cũng như các đơn vị liên quan chưa cao thì việc các dự án triển khai thực hiện trong giai đoạn chuyển tiếp giữa Luật Xây dựng năm 2003 và Luật Xây dựng mới năm 2014 cũng là một trở ngại. Việc hiểu và vận dụng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng còn chưa đầy đủ; nhiều đơn vị chủ đầu tư thiếu năng lực chuyên môn; đặc biệt là ở một số cơ quan đơn vị không thuộc lĩnh vực, ngành nghề xây dựng, vì vậy trình độ chuyên môn về xây dựng yếu, thậm chí không có. Trong khi chủ đầu tư thiếu năng lực thì đơn vị tư vấn chuyên môn cũng không khá hơn. Nhiều đơn vị tư vấn khi trình hồ sơ khảo sát thiết kế lên cơ quan thẩm định chưa bám sát đề cương, yêu cầu nhiệm vụ thiết kế do chủ đầu tư giao.

Thiết nghĩ, để nâng cao chất lượng các công trình xây dựng, cùng với nỗ lực của chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế… cần có sự tham gia của nhân dân, đặc biệt là việc phát huy cơ chế giám sát cộng đồng trong quá trình quản lý chất lượng công trình xây dựng, góp phần chống lãng phí, thất thoát và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Quốc Huy
Bình luận
Back To Top