Người dân chưa “mặn mà” với xuất khẩu lao động

08:18 - Thứ Tư, 25/07/2018 Lượt xem: 11224 In bài viết
ĐBP - Xuất khẩu lao động từng được xem là giải pháp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo nhanh và bền vững cho người dân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, thực tế tại tỉnh ta ngày càng ít lao động đăng ký xuất cảnh lao động ở nước ngoài.

Năm 2017, toàn tỉnh có 47 lao động xuất cảnh sang làm việc ở nước ngoài (chủ yếu tập trung tại các thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ðài Loan, Lào). 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 21 lao động đã xuất cảnh. Có thể thấy, số lao động đi xuất khẩu ngày càng giảm so với giai đoạn 2011 - 2015. Ðơn cử, năm 2017, số lượng người xuất cảnh lao động ở nước ngoài của toàn tỉnh không bằng lượng người xuất cảnh của huyện Ðiện Biên Ðông giai đoạn 2011 - 2015 (từ 60 - 70 người/năm).

 

Người lao động tìm hiểu thông tin về thị trường lao động Nhật Bản.

Có nhiều nguyên nhân khiến người dân không lựa chọn xuất khẩu lao động là hướng phát triển kinh tế, tăng thu nhập, thoát nghèo như: Chất lượng, năng lực lao động của người dân còn thấp, thiếu các tiêu chuẩn theo yêu cầu của thị trường nước ngoài; xuất phát từ phong tục tập quán, người dân vốn quen với cuộc sống tự do, tâm lý e dè và ngại đi làm xa nhà, xa quê hương hoặc một số địa phương chưa thực sự coi trọng công tác xuất khẩu lao động… Tuy nhiên, nguyên nhân chính, sâu xa của vấn đề này là tính hiệu quả của công tác xuất khẩu lao động chưa cao, chưa đủ thuyết phục để người dân đặt niềm tin.

Thực hiện Quyết định 71/2009/QÐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần xóa đói giảm nghèo nhanh, bền vững giai đoạn 2009 - 2020, thực tế có nhiều hộ khá giả, thoát nghèo nhờ xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, không phải 100% lao động xuất cảnh đều thành công. Có nhiều lao động sau 3 năm đi xuất khẩu lao động về rơi vào cảnh “nợ chồng lên nợ”. Năm 2011, anh Lường Văn Lả và Tòng Văn Hải, cùng trú tại bản Huổi Xa (xã Keo Lôm, huyện Ðiện Biên Ðông) vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách và Xã hội huyện để xuất khẩu lao động sang Ả Rập Xê Út thông qua Công ty Cổ phần xây dựng cung ứng nhân lực Quang Trung do huyện giới thiệu. Sang làm việc được 1 năm, anh Lả và Hải bị trả về nước trước thời hạn. Về nước, 2 lao động này cho biết, ở Việt Nam ký hợp đồng lao động sang Ả Rập Xê Út có thời hạn 3 năm, mức lương 6 triệu đồng/tháng nhưng thực tế lương chỉ được trả 3,5 triệu đồng/tháng. Trước thông tin trên, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ðiện Biên Ðông đã làm việc trực tiếp với Công ty Quang Trung thì phía Công ty trả lời đầy đủ, rõ ràng 2 trường hợp trên do không đáp ứng được yêu cầu công việc nên bị trả về và gửi kèm theo bảng lương trong thời gian làm việc tại Ả Rập Xê Út. Như vậy, sau khi đi xuất khẩu lao động, không những không có tiền trả nợ mà anh Lả và Hải còn bị phía Công ty Quang Trung phạt một khoản tiền vì đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Mặt khác, hiện nay, người lao động trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng tìm cách xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc và Lào để lao động làm thuê. Năm 2017, toàn tỉnh phát hiện 1.737 trường hợp xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Tập trung tại các huyện: Nậm Pồ (1.134 người), Mường Nhé (165 người), Tuần Giáo (142 người), Ðiện Biên Ðông (136 người)… 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh phát hiện có 670 trường hợp xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc và Lào đi làm thuê. Theo một số người lao động đi Trung Quốc về cho biết, công việc chủ yếu là lao động chân tay, có mức lương khá cao so với lao động ở nhà từ 7 - 9 triệu đồng/tháng và có thể đi về thường xuyên. Thay vì chọn hình thức xuất khẩu lao động theo con đường chính ngạch vừa tốn chi phí, hiệu quả kinh tế không cao thì người dân lại lựa chọn hình thức xuất khẩu lao động “chui” qua các đường “tiểu ngạch” không mất kinh phí, lại thoải mái về thời gian.

Tại huyện Nậm Pồ, xuất khẩu lao động cũng là 1 trong những giải pháp xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, huyện Nậm Pồ cũng đặt nhiều chỉ tiêu về xuất khẩu lao động. Bà Bùi Thu Hằng, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Nậm Pồ cho biết: 6 tháng đầu năm, huyện có 7 lao động xuất cảnh sang làm việc nước ngoài, đạt 100% chỉ tiêu UBND huyện đề ra. Hiện nay, người dân huyện Nậm Pồ không còn tha thiết với chính sách xuất khẩu lao động, thay vào đó thời gian nông nhàn họ sang Trung Quốc làm ăn đến mùa làm nương lại quay về. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện có gần 300 lượt người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê. Còn số ít người đăng ký đi xuất khẩu lao động là những lao động thực sự có năng lực, đăng ký thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top