Góc nhìn nhà báo

Văn hóa ứng xử là thước đo của sự văn minh

08:24 - Thứ Năm, 26/07/2018 Lượt xem: 11364 In bài viết
ĐBP - Xưa nay, chuyện ứng xử nơi làm việc, công sở vẫn muôn hình muôn vẻ. Mỗi người sống trong môi trường làm việc có những cách thức biểu đạt văn hóa và thái độ sống của mình. Tuy nhiên, dù lựa chọn cách nào để ứng xử, giao tiếp, mỗi người đều cần tuân theo những chuẩn mực nhất định. Ðó là thái độ tôn trọng đồng nghiệp và đối tác khi làm việc.

Trong cơ quan, công sở hiện nay, bên cạnh những người có cách giao tiếp, ứng xử văn minh lịch thiệp, chuyên nghiệp, vẫn tồn tại bộ phận cán bộ, đảng viên chưa coi trọng lời ăn tiếng nói của bản thân, thậm chí một số người còn “phóng khoáng” trong phát ngôn, cung cách ứng xử với đối tác và khi phục vụ nhân dân.

Cách đây không lâu, một đồng nghiệp của chúng tôi đến làm việc tại Sở H.; trước khi đến đã liên hệ qua điện thoại và đặt nội dung làm việc. Ðúng giờ, đúng hẹn, phóng viên đến làm việc. Nhưng điều đáng ngẫm ngợi là cách phát ngôn của đồng chí X., thủ trưởng cơ quan này khi trao đổi công việc không hề hợp tác và thiếu sự tôn trọng đối với người đã đăng ký làm việc rất bài bản trước khi đến. Cầm văn bản trên tay, đồng chí X. sẵng giọng: “Tôi chỉ đọc một lần thôi nhé! Ghi được thì ghi không ghi được thì thôi, không đọc lại đâu!”. Khi phóng viên đặt câu hỏi: “Sở có giải pháp nào trước thực trạng đó?” (thực trạng đang được đề cập khi làm việc). Một lần nữa đồng chí X. lại sẵng giọng: “Không biết thì đừng có hỏi”! Chưa kể đến nội dung làm việc ra sao, chỉ với thái độ, cung cách ứng xử, nhất là lại đối với đồng chí thủ trưởng của một cơ quan “có tâm, có tầm” được cả xã hội coi trọng, đặt nhiều kỳ vọng lại có thể phát ngôn như vậy?

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn “Cán bộ là công bộc của dân”. Với cách cư xử “văn hoá” như vậy thì ngay cả với một cán bộ, người dân bình thường thôi cũng đã là việc đáng buồn, thậm chí chê trách, chứ chưa nói đến một người mà vai trò, trách nhiệm là lãnh đạo. Và điều làm chúng tôi không khỏi băn khoăn, với đối tác mà phong cách, thái độ làm việc đã như vậy, thì thử hỏi với người dân thì thái độ phục vụ nhân dân sẽ ra sao?

Vẫn biết văn hóa ứng xử nơi công sở được xây dựng từ chính nền tảng văn hóa của mỗi cá nhân. Cách thức nói năng, trao đổi tùy thuộc vào tri thức, kinh nghiệm và tính cách của mỗi người. Tuy nhiên, phát ngôn nơi công sở cũng cần phải tuân theo những chuẩn mực và giá trị đạo đức nhất định.

Người xưa có câu “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Ðiều này không có nghĩa là để làm vừa lòng nhau thì phải nịnh bợ, nói sai sự thật, nhưng dẫu sao cũng cần nói để người nghe dễ tiếp thu và cảm nhận được cốt cách, trí tuệ của người đang nói. Nhất là môi trường làm việc ngày một hiện đại và chuyên nghiệp như hiện nay, mỗi cán bộ, đảng viên không chỉ cần thường xuyên nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ mà cần phải không ngừng rèn luyện, tu dưỡng để tự hình thành cho mình những thói quen, cung cách ứng xử văn minh lịch sự, từng bước xây dựng giá trị bản thân ở nơi làm việc. Vì thực tế văn hóa ứng xử chính là thước đo nhân cách của mỗi người.

Ðức Anh
Bình luận
Back To Top