Nhân Ngày toàn dân phòng chống mua bán người (30/7)

Nổi trôi những phận người

08:27 - Thứ Năm, 26/07/2018 Lượt xem: 10095 In bài viết
ĐBP - Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh ta, tình hình tội phạm mua bán người nói chung và mua bán phụ nữ nói riêng ngày càng gia tăng với nhiều vụ án phức tạp. Nếu như vào những thập niên cuối của thế kỷ trước, địa bàn nổi cộm là các huyện biên giới (Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà, Ðiện Biên), thì nay, ngay tại các huyện nội địa (Ðiện Biên Ðông, Mường Ảng, Tuần Giáo, Tủa Chùa và thị xã Mường Lay) cũng là nơi mà bọn ma cô thò bàn tay tội ác tới để “mang đi” những phận người bạc phước...

Hẳn là vì thế mà mới đây, ngày 12/6/2018, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1525/KH-UBND, triển khai việc thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7” năm 2018. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”; lồng ghép có hiệu quả nội dung chương trình phòng, chống tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh, mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm nói chung, tội phạm mua bán người nói riêng; tổ chức công tác tuyên truyền, giáo dục; điều tra bắt giữ và xử lý nghiêm minh tội phạm mua bán người; tiếp nhận, tái hòa nhập cộng đồng cho các nạn nhân tự trốn thoát hoặc được giải cứu từ các vụ mua bán người.

 

Công an tuyên truyền pháp luật cho nhân dân xã Na Tông, huyện Ðiện Biên.

Thượng tá Dương Quốc Hoàn - Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Ðiện Biên - cho biết: Tính từ tháng 1/2017 đến nay (6/2018), toàn tỉnh có trên 1.700 trường hợp xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc và Lào (tăng gần 430 trường hợp so với năm 2016). Phần lớn trong số đó là sang Trung Quốc, qua các con đường tiểu ngạch hoang vu. Và cũng từ đầu năm 2017 đến nay, lực lượng Công an tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức điều tra, phát hiện, bắt giữ 19 vụ, 43 đối tượng phạm tội mua bán phụ nữ và trẻ em, giải cứu được 22 nạn nhân đưa trở về đoàn tụ với gia đình (tăng 1 vụ, 4 đối tượng và 9 nạn nhân so với cùng kỳ năm 2016). Ghi nhận qua các vụ án, cho thấy phương thức, thủ đoạn của đối tượng dù tinh vi, xảo quyệt thì cũng chỉ là những chiêu trò xưa cũ, thông qua các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo...) để làm quen rồi tiến đến rủ rê, gạ gẫm nạn nhân dưới chiêu bài giúp họ tìm việc làm vừa nhàn nhã lại có thu nhập cao, rủ đi du lịch và không ít vụ chúng giả vờ yêu đương rồi nói dối là đưa về ra mắt bố mẹ, nhưng sau đó “dông” một mạch lên các tỉnh biên giới Việt - Trung (Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Lạng Sơn...), đến lúc các nạn nhân nhận thức được tai họa đời mình, thì mọi chuyện đã quá muộn... Vẫn theo ý kiến của Thượng tá Dương Quốc Hoàn, hầu hết chị em bị lừa bán là những người dễ tin, học vấn thấp, ít va chạm xã hội, hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, không có việc làm ổn định. Thêm vào đó, tại nhiều địa bàn vùng cao, biên giới, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn còn tình trạng bạo hành, phân biệt đối xử với phụ nữ, khiến không ít chị em thất vọng bỏ nhà ra đi mà chẳng biết đi đâu... Trong lúc hoang mang, buồn chán, chị em rất dễ sa vào tay các “tú ông, tú bà” với những lời hứa như vẽ ra một tương lai “cơm ngon, áo đẹp” trên đất nước người nơi xa cảnh, lạ nhà...

Tại Công an huyện Nậm Pồ, chúng tôi may mắn được Ðại úy Hờ A Só - Phó đội trưởng đội Trinh sát - kể cho nghe một chuyên án về vụ mua bán phụ nữ xảy ra chưa lâu. Số là Hờ A Ly (sinh năm 1993) và Giàng Thị A. (cùng trú tại bản Huổi Po, xã Nà Khoa, huyện Nậm Pồ) yêu nhau. Thỉnh thoảng Ly đưa điện thoại cho A. xem những khuôn hình hắn quay về cuộc sống khá giả của vợ chồng người em bên Trung Quốc. Choáng ngợp trước những gì được “người yêu” cung cấp, một ngày nọ A. bỏ nhà bỏ bản trốn theo gã trai lơ lòng dạ hiểm sâu. Tại cơ quan Công an Nậm Pồ, Giàng Thị A. khai cuối năm 2016, Hờ A Ly đưa Giàng Thị A. lên cửa khẩu Lào Cai, sang bên kia biên giới gặp một người đàn ông. Tại đây, trước mặt A., Hờ A Ly thản nhiên nhận 10.000 nhân dân tệ sau khi bán A. như bán một đồ vật cho người đàn ông xa lạ hơn A. gần 30 tuổi. Tháng ngày làm vợ không chính thức của người đàn ông đã bỏ tiền mua mình, cũng là những tháng ngày cô nuốt nước mắt vào trong. Một ngày nọ, nhân hôm “người chồng” không hôn thú đi ăn cưới ở huyện bên, Giàng Thị A. quyết định bỏ trốn và mang theo “cái mầm sống” 2 quốc tịch trong bụng. Về nước được mấy tháng thì Giàng Thị A. sinh con rồi nuôi con một mình, không nhà cửa, không việc làm, tương lai nào biết ra sao...

Qua công tác nắm tình hình và điều tra các vụ án mua bán người xảy ra trên địa bàn, các cơ quan chức năng phát hiện phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội của các đối tượng là thường tìm đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, sau đó đưa nạn nhân qua biên giới bán cho các đối tượng bên Trung Quốc lấy làm vợ hoặc ép làm gái mại dâm. Ða số chị em có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, trắc trở trong tình yêu hoặc hôn nhân, song cũng không ít phụ nữ là gái mại dâm hư hỏng, đua đòi ăn chơi, một số người do làm ăn thua lỗ, nợ nần nhiều, muốn kiếm việc làm có thu nhập cao để thay đổi cuộc sống và thế là “tặc lưỡi, đưa chân” thử xem số phận có mỉm cười với mình không(?)... Cá biệt, một số đối tượng đã từng là nạn nhân bị bán sang Trung Quốc làm gái mại dâm hoặc lấy chồng bất hợp pháp, khi quay trở về dưới danh nghĩa thăm thân đã câu kết với đối tượng trên địa bàn để lừa gạt và đưa các nạn nhân bán sang Trung Quốc. Ðặc biệt trong thời gian gần đây, một số đối tượng ở địa bàn Lào Cai đến móc nối với đối tượng trên địa bàn tỉnh tìm cách tạo mối quan hệ thân thiện, giả vờ yêu đương, sau một thời gian quan hệ, hứa hẹn làm tin rồi lừa nạn nhân đi du lịch, hoặc lợi dụng phong tục của người dân tộc, nhất là dân tộc Mông (tục bắt vợ, tức đưa cô gái về nhà ra mắt gia đình, nếu gia đình đồng ý thì 3 ngày sau mới quay lại gia đình nhà gái để xin cưới) để lừa nạn nhân cùng về ra mắt bố mẹ rồi lừa bán sang Trung Quốc. Một số đối tượng lợi dụng tâm lý của một số chị em lười lao động nhưng đua đòi, muốn lấy chồng giàu sang để lừa gạt, hứa hẹn. Sau khi được sự đồng ý của nạn nhân, chúng đưa nạn nhân lên biên giới Việt Nam - Trung Quốc và bán cho những tên cò mồi, sau đó các đối tượng này đưa nạn nhân vào sâu trong nội địa Trung Quốc, để nạn nhân không thể tìm đường trốn trở lại Việt Nam.

Thành ngữ Việt Nam có câu “phận gái mười hai bến nước”, công bằng mà nói lấy chồng Trung Quốc cũng có những cô kiếm được người đàng hoàng, con nhà tử tế và khi ấy bản thân các cô sung sướng đã đành mà gia đình bên ngoại cũng được cậy nhờ; chí ít thì cũng yên tâm, tin tưởng ở nơi mà con em mình trao thân gửi phận. Tuy nhiên, số chị em may mắn này chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, không đáng kể gì so với số cô gặp phải những hoàn cảnh đau lòng “đi thì mắc núi, trở lại vướng sông”. Thống kê cho thấy hầu hết các xã biên giới của ta có hiện tượng phụ nữ đi khỏi địa bàn và chủ yếu là sang Trung Quốc lấy chồng hoặc làm thuê; trong đó, đông nhất là ở các huyện: Mường Chà, Nậm Pồ và Mường Nhé. Chị em bị đưa về những vùng xa xôi, hiểm trở chả khác gì bên mình. Trình độ nhận thức hạn chế, ngôn ngữ bất đồng, phong tục tập quán khác biệt và nhất là bị đối xử như một “món đồ” được mua về bằng tiền, nên nhiều cô đã mạo hiểm bỏ trốn. Tuy nhiên, khi mà tiếng tăm không biết, đường đi lối lại không thuộc, tiền nong không có, các cô nhanh chóng bị bắt lại và sau đó bị trừng phạt một cách dã man...

Song Sơn
Bình luận
Back To Top