Sáng mãi đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”

14:29 - Thứ Sáu, 27/07/2018 Lượt xem: 9523 In bài viết
Những năm qua, vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7), Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm, thực hiện tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa đối với người có công và gia đình có công với cách mạng. Các chính sách ưu đãi, chăm sóc người có công ngày càng được mở rộng, hoàn thiện, góp phần động viên, khuyến khích người có công vươn lên trong cuộc sống, bồi đắp và thắp sáng truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”.

Trọn nghĩa, vẹn tình

Trong những năm qua, hệ thống chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công từng bước được bổ sung, hoàn thiện; chế độ ưu đãi ngày càng mở rộng, nâng cao, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Nổi bật là chế độ trợ cấp cho người phục vụ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống tại gia đình, cho đối tượng phục vụ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên sống tại gia đình, chế độ thờ cúng liệt sĩ… Trung bình mỗi năm, Nhà nước dành hơn 30.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách ưu đãi người có công; gần 1.000 tỷ đồng tặng quà cho các đối tượng chính sách nhân dịp Tết Nguyên đán, dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7.

 

Chăm sóc người có công tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công Hà Nội.

Bên cạnh đó, có thể thấy công tác chăm sóc người có công còn nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng. Từ năm 2013 đến nay, cả nước vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đạt hơn 5.000 tỷ đồng; tặng hơn 60.000 sổ tiết kiệm “Tình nghĩa” cho người có công có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ hơn 80.000 gia đình có công xây dựng, sửa chữa nhà ở với kinh phí hơn 10.000 tỷ đồng. Nhận được sự quan tâm thường xuyên, toàn diện, được tạo điều kiện thuận lợi để phát triển, đại đa số người có công và gia đình có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân ở nơi cư trú. Nhiều thương binh, bệnh binh, người nhiễm chất độc hóa học đã vượt lên nỗi đau thân thể, bệnh tật, tích cực tham gia vào các hoạt động của đời sống xã hội. Như thương binh ¼ Trần Quang Liệu, tổ dân phố 19, phường Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: “Với những người từng vào sinh ra tử, dù ở hoàn cảnh nào họ cũng muốn đóng góp sức mình bảo vệ, xây dựng đất nước. Cá nhân tôi luôn cố gắng duy trì việc dạy học miễn phí cho trẻ em nghèo”.

Đáng chú ý, trong dịp kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, các bộ, ngành, địa phương tổ chức nhiều hoạt động tưởng nhớ, tri ân. Điển hình là hội nghị biểu dương 355 người có công tiêu biểu, đại diện cho hơn 9 triệu người có công của cả nước, diễn ra vào ngày 19-7 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; chương trình nghệ thuật tái hiện những trang sử hào hùng của dân tộc mang tên “Ký ức thời hoa lửa”, diễn ra ngày 25-7; lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công, khai trương Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ, diễn ra ngày 26-7 tại Hà Nội... Cũng trong dịp này, đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã đi thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ; thăm hỏi, tặng quà một số trung tâm điều dưỡng, nuôi dưỡng người có công, thương binh, bệnh binh, gia đình người có công tiêu biểu. “Những việc làm này thể hiện tình cảm, trách nhiệm, lòng biết ơn sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng”, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung cho hay.

Tiếp tục hoàn thiện chính sách

Ngoài chính sách ưu đãi, việc giải quyết các thủ tục, hồ sơ liên quan đến người có công cũng được triển khai bài bản, quyết liệt. Đến nay, cả nước đã xác nhận các đối tượng người có công cho hơn 9 triệu người, trong đó có 1,2 triệu liệt sĩ, 127.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 800.000 thương binh, bệnh binh... Việc thí điểm giải quyết hồ sơ tồn đọng tại một số tỉnh, thành phố đạt kết quả khả quan. Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, từ năm 2016 đến nay, các cơ quan chức năng đã phối hợp thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét công nhận gần 1.900 liệt sĩ, xác nhận hơn 2.500 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Những hồ sơ không đủ điều kiện đều có sự giải thích rõ ràng, thấu tình, đạt lý.

Kết quả đạt được trong hoạt động chăm sóc người có công rất đáng ghi nhận, song vẫn còn một số vấn đề bất cập cần được tháo gỡ. Chẳng hạn, trong quy định liên quan đến người có công, những người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, người bị bắt tù đày sau ngày 30-4-1975, vợ hoặc chồng liệt sĩ đã lấy chồng hoặc vợ khác… chưa phải là đối tượng hưởng chính sách ưu đãi. Điều kiện để xác nhận thương binh, liệt sĩ có một số điểm “vênh”, khiến cơ quan chức năng gặp khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Về vấn đề này, ông Đào Ngọc Dung cho biết, ngành LĐ-TB&XH tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, địa phương hoàn thiện chính sách ưu đãi người có công, vận dụng giải pháp linh hoạt để giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng.

Điều trăn trở lâu nay là cả nước còn khoảng 300.000 liệt sĩ chưa rõ danh tính, 200.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt cũng sẽ được giải quyết từng bước. Theo Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Lợi, Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ đi vào hoạt động giúp người dân dễ dàng tiếp cận, tra cứu thông tin liên quan. Hiện tại, Cổng thông tin điện tử đã có nguồn dữ liệu tương đối đầy đủ về liệt sĩ.

Những dẫn chứng nêu trên phần nào khẳng định, 71 năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm, chăm sóc người có công bằng tình cảm và trách nhiệm, góp phần làm cho đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” sáng mãi.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top