Cuộc gặp gỡ xúc động

09:18 - Thứ Năm, 02/08/2018 Lượt xem: 10954 In bài viết
ĐBP - “Khi rời khỏi sân bay Ðiện Biên Phủ, tôi đã hiểu về sự thất bại... với một góc nhìn 360 độ. Ðây là một chuyến đi đầy cảm xúc và mang theo những nỗi buồn, nhưng tôi đã làm điều đó vì bố tôi. Mong ông ấy yên nghỉ mãi mãi trong hòa bình…”. Ðó là những dòng chữ đầy cảm xúc, Monsieur Daigné Hervé (quốc tịch Pháp) đã viết trên mạng xã hội và gây được sự chú ý của giới cựu chiến binh Ðông Dương, thậm chí là thu hút đông đảo giới trẻ Pháp và các quốc gia sử dụng tiếng Pháp.

Daigné Hervé là ai mà một dòng trạng thái nhỏ lại có sức ảnh hưởng lớn đến vậy? Ðó là một câu chuyện đầy ắp sự xúc động mà tôi từng chứng kiến tại đây - nơi quân đội nhân dân Việt Nam đã tạo nên một sự rung chấn toàn cầu.

 

Ông Daigné Hervé và cựu chiến binh Nguyễn Ðức Nhuận tại Sở Chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ.

Vào một ngày giữa tháng 3/2018, người đàn ông Pháp đã thực hiện sứ mệnh thiêng liêng của một gia đình công chức Pháp đã suốt 64 năm chưa thực hiện được, đó là vượt gần 10.000km đường chim bay để đến Chiến trường Ðiện Biên Phủ với hy vọng tìm được chút manh mối về người cha đã hy sinh trong cuộc chiến tại Ðiện Biên Phủ. Theo những thông tin ít ỏi từ quân đội Pháp, bố Daigné Hervé đã chết vào ngày 4/5/1954 ở trong một khu rừng gần sân bay Ðiện Biên...

Ngay khi bước chân xuống Ðiện Biên Phủ, Daigné Hervé và vợ lặng người trước khung cảnh thanh bình của một vùng núi rừng trù phú không giống như tưởng tượng... Cảm xúc đan xen, nghẹn ngào đến với đôi vợ chồng người Pháp, khi họ gặp một cô gái Việt duyên dáng, tháo vát sẽ là người đồng hành suốt chuyến thăm Ðiện Biên của ông bà - đó là hướng dẫn viên tiếng Pháp Vũ Thanh (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ðiện Biên). Chưa hết bất ngờ về một vùng đất và con người nơi xứ lạ, Daigné Hervé đã không thể kìm nén nổi cảm xúc khi đến Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ - nơi lưu giữ khá nhiều hiện vật chiến tranh và tái hiện sinh động những khoảnh khắc của cuộc chiến khốc liệt nhìn từ 2 phía.

Daigné Hervé chăm chú đọc những dòng chữ bằng tiếng Pháp trên các hiện vật. Ông chợt khựng lại và bật khóc khi nhìn thấy những bộ quân phục của lính Pháp... Ông cũng dừng lại rất lâu trước hình ảnh những người lính Việt Nam nằm điều trị trong hang đá. Daigné Hervé rời Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ trong im lặng và những giọt nước mắt lăn trên 2 khóe mắt…

Nhưng có lẽ, thời khắc quyết định của chuyến đi chính là lúc ông được Vũ Thanh đưa đi tham quan Sở Chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Chứng kiến căn cứ của quân đội Việt Nam với những chiếc lán tre lợp cỏ khiến Daigné Hervé vô cùng kinh ngạc. Ông càng kinh ngạc hơn khi tham quan nơi ở và làm việc của vị Ðại tướng - người đứng đầu Quân đội Việt Nam Võ Nguyên Giáp. Nó khác biệt hoàn toàn với những căn cứ quân sự được trang bị tối tân và điều kiện sinh hoạt vương giả của các vị tướng trong quân đội Pháp.

Với cảm xúc rưng rưng, Daigné Hervé quay trở ra sau khi đã dành trọn vẹn cảm xúc, góc nhìn và nhận định khách quan về “lực lượng đối phương” của bố mình. Trong ánh nắng chan hòa của vùng đất lạ, mắt ông bất ngờ hướng vào một đoàn khách Việt Nam đang dừng chân dưới gốc một cây ban cổ thụ. Trong đoàn khách đó, có một người trạc tuổi Daigné Hervé, vận quân phục xanh lá cây, trên ngực đeo Huy hiệu Cựu Chiến binh Việt Nam. Như có gì đó níu hút, Daigné Hervé đề nghị cô hướng dẫn viên Vũ Thanh giúp ông làm quen. Một mẩu đối thoại chóng vánh bằng 2 ngôn ngữ Việt - Pháp diễn ra ngày một đứt quãng. Daigné Hervé được biết, người đàn ông Việt Nam ấy tên là Nguyễn Ðức Nhuận, là bộ đội chống Mỹ, có bố tham gia chiến đấu tại chiến trường Ðiện Biên Phủ và cũng hy sinh chưa tìm được mộ.

Thời gian của hai người đều có hạn, cho dù trong lòng, họ chỉ muốn ở bên nhau thật lâu, thật dài để giãi bày đủ nỗi lòng. Họ chụp chung với nhau một tấm ảnh rồi chia tay trong sự nuối tiếc và lưu luyến rưng rưng…

Trên hành trình trở về nước Pháp, Daigné Hervé đã viết trên mạng xã hội trong nhóm những người bạn có người thân tham gia chiến tranh Ðông Dương rằng: “Tôi đã trở về từ Ðiện Biên Phủ, nơi cha tôi chết. Thi thể của ông vẫn đang ở một nơi nào đó trong rừng... Trong chuyến đi này, tôi đã gặp một người lính Việt Nam đã từng chiến đấu với quân đội Mỹ. Cũng như tôi, cha của ông ấy đã hy sinh vào năm 1953 khi tham gia Chiến tranh chống Pháp. Cuộc gặp gỡ rất xúc động đối với chúng tôi, hai chúng tôi đã khóc, một cái ôm dài và một cái bắt tay rất dài trước hàng chục người Việt Nam cũng có mặt ở đó. Khi rời khỏi sân bay Ðiện Biên Phủ tôi đã hiểu về sự thất bại... với một góc nhìn 360 độ. Ðây là một chuyến đi đầy cảm xúc và mang theo những nỗi buồn, nhưng tôi đã làm điều đó vì bố tôi. Mong ông ấy yên nghỉ mãi mãi trong hòa bình”. Daigné Hervé cũng không quên chia sẻ những cảm xúc và gửi lời cảm ơn đến người hướng dẫn viên đã giúp ông tạo nên một cuộc gặp kỳ thú trong chuyến đi: “Tôi đánh giá cao khâu tổ chức trong chuyến đi này, hướng dẫn viên của chúng tôi, Thanh, rất có năng lực, duyên dáng và tốt bụng. Ðối với tôi, chuyến đi tại Ðiện Biên lần này rất khó khăn về mặt tinh thần bởi vì đây là nơi bố tôi đã hy sinh. Thi thể ông ấy còn ở đâu đó trong rừng. Khi tôi được đến thăm Khu tưởng niệm binh lính Pháp đã hy sinh tại chiến trường Ðiện Biên Phủ tôi đã cảm thấy được an ủi và thanh thản... Hơn nữa, chuyến đi này đã cho tôi có một cuộc gặp đầy cảm động ở Sở Chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ với người lính Việt ...”

Về phía cựu chiến binh Nguyễn Ðức Nhuận, sau khi trở về Nam Ðịnh, ông vẫn còn mang theo rất nhiều cảm xúc. Ông đã chia sẻ câu chuyện gặp được con của một người lính Pháp đến Ðiện Biên Phủ tìm hài cốt của bố với gia đình, anh em, bạn bè, đặc biệt là những người bạn trong Hội Cựu chiến binh. Tuy nhiên, cũng có nhiều người đã hoài nghi vì thực tế khó có trường hợp xảy ra như câu chuyện ông Nhuận kể. Chỉ đến khi ông nhận được bức ảnh chụp chung với Daigné Hervé do cô hướng dẫn viên gửi thì ông mới thực sự được hưởng niềm vui trọn vẹn.

Sau đó, ông Nhuận đã viết thư gửi cho Daigné Hervé, trong thư có đoạn: “…Thật không ngờ 2 đứa con của 2 người lính Việt - Pháp lại gặp nhau trong hoàn cảnh này. Nếu có điều kiện, mời ông sang thăm Việt Nam lần nữa và đến Nam Ðịnh quê tôi, cách Thủ đô Hà Nội 100km. Nhà tôi tuy nghèo nhưng rất giàu lòng mến khách. Về phần tôi, hàng năm nếu có điều kiện sẽ trở lại Ðiện Biên để thắp hương (theo phong tục Việt Nam) cho những người đã hy sinh, trong đó có bố tôi và bố ông”…

Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top