Chuyên nghiệp hóa công tác phòng, chống thiên tai

10:50 - Thứ Tư, 08/08/2018 Lượt xem: 9867 In bài viết
Từ việc ứng phó, khắc phục hậu quả, giảm thiệt hại do thiên tai vừa qua cho thấy, vai trò của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn là rất quan trọng trong tổng hợp, đánh giá diễn biến, mức độ thiệt hại do thiên tai gây ra. Để nâng cao chất lượng tham mưu, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành hiệu quả, thời gian tới, các cấp, ngành cần hoàn thiện về bộ máy và trang thiết bị hỗ trợ làm việc cho cơ quan này theo hướng chuyên nghiệp hóa.

Thực hiện Luật Phòng, chống thiên tai, đến nay các cấp, ngành đã thành lập cơ quan phòng, chống thiên tai. Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là cơ quan tham mưu, đề xuất UBND các cấp và các bộ, ngành triển khai nhiệm vụ phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra. Sau hơn 4 năm thực hiện mô hình này, công tác phòng, chống thiên tai đã có chuyển biến tích cực như kịp thời tham mưu, triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng chống thiên tai; giảm thiệt hại về người và tài sản so với mức độ nguy hiểm của thiên tai…

 

Hà Nội đã tích cực xây dựng phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018.

Tuy nhiên, mặc dù UBND các cấp đã thành lập ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn nhưng thành viên của cơ quan này đều kiêm nhiệm. Để nâng cao hiệu quả công tác tham mưu cho UBND các cấp, các ban chỉ huy đều thành lập văn phòng thường trực. Tuy nhiên, lực lượng làm việc tại cơ quan này cũng đều là cán bộ kiêm nhiệm. Do vậy, nhiều cán bộ làm việc trong cơ quan này chưa dành thời gian thỏa đáng để trang bị kiến thức, tham mưu cho UBND các cấp xây dựng phương án, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai sát diễn biến của các loại hình thiên tai xảy ra trên địa bàn…

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường, nguyên nhân dẫn đến những hạn chế nêu trên là do Luật Phòng, chống thiên tai còn thiếu quy định cụ thể về tổ chức, lực lượng, chế độ chính sách dành cho cơ quan tham mưu, những người làm công tác phòng, chống thiên tai. Để khắc phục, Bộ NN&PTNT đã hoàn thành dự thảo, tham mưu Chính phủ, trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai.

Trước mắt, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố rà soát, bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác phòng, chống thiên tai các cấp, đặc biệt là cấp huyện, xã; lập kế hoạch đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tại văn phòng thường trực các cấp. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư các phương tiện, thiết bị tại văn phòng ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, xây dựng phòng họp trực tuyến phục vụ công tác chỉ đạo…

Thực hiện nhiệm vụ thành phố giao, Sở NN&PTNT Hà Nội đã trình UBND thành phố ban hành Kế hoạch tăng cường công tác tham mưu, điều hành phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018. Theo đó, Sở NN&PTNT Hà Nội đề xuất UBND thành phố trong năm 2018 sẽ tổ chức 31 lớp tập huấn kiến thức phòng, chống thiên tai cho đội ngũ cán bộ văn phòng thường trực các cấp; đầu tư cơ sở hạ tầng cho văn phòng ban chỉ huy các cấp phục vụ giao ban và họp trực tuyến chỉ đạo công tác ứng phó thiên tai… Đồng thời tiếp tục bố trí kinh phí tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai; chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “4 tại chỗ”…

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top