Quản lý chất lượng thức ăn đường phố

Khó không có nghĩa là không làm được

09:07 - Thứ Năm, 09/08/2018 Lượt xem: 11119 In bài viết
ĐBP - Ngày nay, khi đời sống xã hội càng phát triển, nhu cầu về dịch vụ ăn uống nhanh, tiện lợi càng trở nên gần gũi với mỗi người. Qua các năm, nhiều nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống mọc lên, nhưng nhiều hơn cả vẫn là các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Do đó, việc quản lý chất lượng các cơ sở này khiến cho các cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, khó không có nghĩa là không làm được; với chức năng, nhiệm vụ được giao, ngành Y tế tỉnh đang cùng với các đơn vị liên quan làm tốt công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).

 

Cơ quan chức năng thực hiện test nhanh VSATTP tại một cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ.

Gần 2 năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh không xảy ra trường hợp ngộ độc thực phẩm nào do thức ăn đường phố. Ðó là kết quả đáng mừng của cả người kinh doanh cũng như công tác quản lý của cơ quan chức năng. Bởi ngược lại 2 năm trước (thời điểm năm 2016), toàn tỉnh xảy ra 5 vụ ngộ độc thực phẩm với 34 ca mắc. Nguyên nhân ngộ độc được xác định do ăn phải thực phẩm biến chất, cá suối nhiễm hóa chất... Trong số những vụ ngộ độc trên, vụ ngộ độc bún tại cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố Hải Long (phường Noong Bua, TP. Ðiện Biên Phủ) với 5 ca mắc là điển hình; rất may không có trường hợp tử vong. Ðến cuối năm 2017, số vụ ngộ độc trong toàn tỉnh đã giảm, chỉ xảy ra 1 vụ với 3 ca mắc (trong đó không có cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố). Và đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn chưa ghi nhận thêm vụ ngộ độc nào liên quan đến thức ăn đường phố. Kết quả đó cho thấy, nhận thức của người tiêu dùng và người sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm, nhất là thức ăn đường phố đã được cải thiện đáng kể.

Theo phân cấp quản lý, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có quy mô kinh doanh dưới 50 suất ăn/lần phục vụ; kinh doanh thức ăn đường phố sẽ do xã, phường quản lý. Như vậy, so với các huyện, thị thì TP. Ðiện Biên Phủ là nơi tập trung đông dân cư; nhiều dịch vụ ăn uống, cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Với nhiệm vụ được giao, các xã, phường trên địa bàn đã làm tốt công tác quản lý đối với các cơ sở này. Bà Lò Thị Thương, Trạm phó Trạm Y tế Phường Nam Thanh - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo kiểm tra, giám sát VSATTP phường, cho biết: Hiện phường quản lý 39 cơ sở, trong đó 14 cơ sở dịch vụ ăn uống và 25 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Ðể đảm bảo VSATTP cho người tiêu dùng, ban chỉ đạo phường thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát đối với những đơn vị này. Ðồng thời, tổ chức tập huấn kiến thức về VSATTP cho các cơ sở kinh doanh; tổ chức cho các hộ kinh doanh dịch vụ thức ăn đường phố ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm… Từ đầu năm đến nay, qua kiểm tra, giám sát, chưa phát hiện vi phạm trong lĩnh vực ATTP đối với các hộ nêu trên.

Là chủ một quán bún phở tại phường Nam Thanh, chị Nguyễn Thị Loan, chia sẻ: Ðịnh kỳ hàng năm, các cơ quan chức năng đều nhắc nhở, tuyên truyền, hướng dẫn về việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP); các quy tắc, quy chuẩn về kinh doanh luôn được chúng tôi thực hiện đúng. Hơn nữa, khi kinh doanh, chúng tôi luôn đặt lợi ích và sức khỏe người tiêu dùng lên hàng đầu. Do đó, tại đây chưa xảy ra tình trạng mất ATVSTP và ngộ độc thực phẩm.

Theo đánh giá của Chi cục ATVSTP tỉnh, từ đầu năm đến nay, việc tuân thủ các quy định về VSATTP tại các cơ sở dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố cơ bản được các hộ kinh doanh thực hiện nghiêm. Ðể phục vụ cho công tác thanh, kiểm tra, giám sát ATTP tại các tuyến (trong đó có cơ sở dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố), các cơ quan chức năng đã lấy trên 17.000 mẫu thử test nhanh, trong đó 96% test đạt yêu cầu. Một phần nhỏ số test không đạt yêu cầu, nguyên nhân là tồn dư dầu mỡ, tinh bột trên dụng cụ thiết bị và ôi khét dầu mỡ. Ðối với công tác xét nghiệm test nhanh giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm, trong tổng số 1.462 mẫu thì 100% đều đạt.

Có được những kết quả khả quan trên, vài năm trở lại đây, các cơ quan chức năng đã tổ chức hàng nghìn buổi tuyên truyền về VSATTP cho hàng chục nghìn lượt người nghe, mở các lớp tập huấn từ tỉnh đến các huyện, xã, phường, thị trấn; thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra, nhắc nhở đơn vị kinh doanh, cơ sở sản xuất… Mới đây nhất, UBND tỉnh cũng ban hành Kế hoạch 48/KH-UBND, ngày 8/1/2018 về đảm bảo ATVSTP trên địa bàn tỉnh. Theo đó, mục tiêu chính là tăng cường sự lãnh đạo và vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền đối với công tác VSATTP, phấn đấu sớm đạt mục tiêu “Tất cả thực phẩm được sản xuất, kinh doanh, lưu thông và tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đều là thực phẩm an toàn”, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, bảo vệ sức khỏe nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận
Back To Top