Chất lượng nước bể bơi có sạch?

09:13 - Thứ Năm, 09/08/2018 Lượt xem: 9901 In bài viết
ĐBP - Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), hiện nay trên địa bàn tỉnh có 14 bể bơi lớn và hàng chục bể bơi thông minh đang hoạt động. Vào mùa hè, hầu hết các cơ sở này đều quá tải. Thế nhưng, chất lượng nước tại các bể bơi này đang là vấn đề cần quan tâm bởi công tác quản lý vướng không ít khó khăn…

 

Người dân bơi lội tại bể bơi Khách sạn Mường Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ).

Nhiều nguy cơ tiềm ẩn…

Vào mùa hè, nhiều gia đình lựa chọn các bể bơi như một biện pháp hữu hiệu để xua đi cái nóng. Ghi nhận tại một số bể bơi lớn trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ, huyện Ðiện Biên, vào dịp cao điểm nắng nóng, hầu hết các bể bơi đều đông nghịt từ người lớn đến trẻ nhỏ. Nhiều bể bơi có thể coi là quá tải khi vào giờ cao điểm chỉ 1m2 mặt nước có đến vài người cùng ngụp lặn. Gần đây, một số đơn vị, cá nhân đầu tư bể bơi thông minh, mở các lớp dạy bơi cũng thu hút đông trẻ em tham gia. Lượng người đi bơi đông, tập trung vào thời điểm nhất định trong ngày nên không ai dám chắc nước bể bơi có đảm bảo vệ sinh hay không? Chị Trịnh Thị Hiên, tổ dân phố 16, phường Him Lam (TP. Ðiện Biên Phủ), cho biết: Khi cho con đi bơi tại một số nơi, tôi thấy nước trong, xanh nhưng lúc xuống bể lại ngửi thấy mùi hóa chất khá nồng; nước cũng không được sạch như nhìn từ bên ngoài vào. Ðiều đó khiến tôi đặt câu hỏi liệu chủ hồ bơi có thay nước thường xuyên không hay chỉ sử dụng các loại hóa chất để làm trong nước? Các hóa chất sử dụng nhiều có gây hại gì cho cơ thể con người không? Hơn nữa, bể bơi công cộng là nơi tập trung đông người do đó, sẽ dễ mắc các bệnh dễ lây nhiễm…

Mang những thắc mắc này tìm đến cơ quan chuyên môn, chúng tôi được bà Dương Thị Quỳnh Châu, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, giải đáp: Bể bơi công cộng là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát tán các bệnh truyền nhiễm gây hại về sức khỏe như: các bệnh da liễu, bệnh về mắt, tai - mũi - họng, bệnh về đường hô hấp. Ngoài ra, cũng có trường hợp gây ra các bệnh về đường tiêu hóa, bệnh lây qua đường sinh dục… Hiện nay, để làm trong nước, đa phần chủ các hồ bơi thường sử dụng hóa chất để xử lý nguồn nước trong bể. Tuy nhiên nếu các loại hóa chất này bị lạm dụng, sử dụng không đúng cách, quá liều lượng có thể gây hại cho sức khỏe và làn da con người. Nếu sử dụng chất Clo để khử khuẩn quá nhiều có thể gây nhờn trên da phải rửa kỹ bằng nước sạch mới hết, nặng hơn là dị ứng, mẩn ngứa, đỏ rát; đồng sulfat khi nuốt vào cơ thể gây các bệnh về tiêu hóa, ảnh hưởng tới gan, hô hấp… Cũng theo bà Châu, toàn bộ bể bơi là do ngành VH,TT&DL quản lý, Trung tâm chỉ thực hiện việc xét nghiệm mẫu nước khi các cơ sở này yêu cầu. Ngoài ra, các cơ sở có thể mang mẫu nước của mình đến bất kỳ cơ sở y tế nào được cấp phép để xét nghiệm. Tuy nhiên, nhiều tháng gần đây, không có bất kỳ cơ sở bơi lội nào trên địa bàn đến Trung tâm đề nghị xét nghiệm mẫu nước.

... khó quản lý

Trước đây, các quy định trong Thông tư số 02/2011 và Thông tư 14/2014 của Bộ VH,TT&DL về điều kiện hoạt động bơi, lặn; để kinh doanh hoạt động bơi lặn phải được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động theo thủ tục quy định tại Ðiều 55 của Luật Thể dục, thể thao do UBND tỉnh cấp. Ðể được cấp giấy chứng nhận các cơ sở này ngoài đảm bảo các quy định về diện tích, hạng mục trong khuôn viên bể bơi như: mái che, phòng thay đồ, bể tắm tráng, phao cứu sinh… còn phải đảm bảo chất lượng nước bể bơi. Theo đó, nước bể bơi phải đáp ứng được mức giới hạn các chỉ tiêu chất lượng nước sinh hoạt áp dụng đối với các hình thức khai thác nước của cá nhân, hộ gia đình theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt (QCVN 02:2009/BYT). Ðồng thời, đảm bảo thay nước, cọ rửa bể và khử trùng nước theo quy định ít nhất 1 lần/tuần nếu bể bơi dùng nước giếng khoan, không có hệ thống lọc tuần hoàn và xử lý bằng hóa chất; đối với các bể bơi có hệ thống lọc tuần hoàn thì tối thiểu 1 lần/ngày phải làm vệ sinh thành bể và hút cặn, bơm bù đủ nước. Ðối với chỉ tiêu mức độ A, nước phải được xét nghiệm ít nhất 1 lần/tháng do cơ sở thể thao thực hiện; kiểm tra, giám sát, xét nghiệm ít nhất 3 tháng một lần do các cơ quan có thẩm quyền thực hiện. Thế nhưng, ông Hoàng Minh Phương, Chánh thanh tra Sở VH,TT&DL cho biết: Ðến thời điểm các thông tư này hết hiệu lực vào tháng 3/2018, trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 1 doanh nghiệp duy nhất hoàn thiện giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động bơi, lặn. Công tác kiểm tra các cơ sở còn lại cũng gặp không ít khó khăn do đơn vị chỉ kiểm tra được các điều kiện, như: Kích thước bể, độ sâu, biển báo, thiết bị cứu hộ… còn mẫu nước thì chưa đủ điều kiện để tiến hành xét nghiệm. “Mới đây, Bộ VH,TT&DL ban hành Thông tư số 03/2018 thay thế cho Thông tư 02/2011 và Thông tư 14/2014 với nhiều quy định được nới lỏng hơn cho các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh hoạt động bơi, lặn. Theo đó, Thông tư mới này không còn yêu cầu các cơ sở phải được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động; đồng thời, cũng bỏ quy định về tiêu chuẩn nước bể bơi nên đơn vị cũng khó có thể tiến hành kiểm tra mẫu nước tại các cơ sở bơi, lặn trên địa bàn” - ông Phương cho biết thêm.

Từ thực tế có thể thấy, chất lượng nước tại các bể bơi công cộng tiềm ẩn không ít nguy cơ tới sức khỏe con người nhưng lại đang… thả nổi, khó có thể quản lý. Trước đây, chất lượng nước được quy định đầy đủ, rõ ràng mà các cơ sở kinh doanh vẫn… ngó lơ không chịu thực hiện. Liệu rằng, khi các quy định kia bị dỡ bỏ, nước tại các hồ bơi công cộng sẽ còn được vệ sinh? Có thể trong thời gian tới, người dân phải chấp nhận một thực tế rằng, nước hồ bơi có sạch hay không phụ thuộc hoàn toàn vào… lương tâm của chủ các cơ sở kinh doanh.

Bài, ảnh: Tiếu Sinh
Bình luận
Back To Top