Xoa dịu nỗi đau da cam

14:02 - Thứ Sáu, 10/08/2018 Lượt xem: 10928 In bài viết
ĐBP - Trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam, đế quốc Mỹ đã sử dụng hàng trăm triệu lít chất độc hóa học màu da cam dioxin, hậu quả để lại rất nặng nề cho người dân. Giờ đây, khi chiến tranh đã lùi xa, nhưng di chứng từ chất độc da cam đang khiến nhiều người, nhiều thế hệ phải gồng mình chịu đựng. Song với sự quan tâm của các cấp, ngành bằng nhiều hoạt động thiết thực thời gian qua, đã và đang dần xoa dịu những đau thương, mất mát đó.

 

Cán bộ Hội Nạn nhân Chất độc da cam/Dioxin tỉnh động viên gia đình có người nhiễm chất độc da cam trên địa bàn huyện Ðiện Biên.

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nạn nhân Chất độc da cam/Dioxin tỉnh, cho biết: Hàng năm, các cấp, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội, các nhà hảo tâm đã có nhiều phong trào thiết thực ủng hộ, giúp đỡ về vật chất, tinh thần cho nạn nhân và gia đình nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc hóa học thông qua các hoạt động, như: Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin; hành động vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin; chương trình chung tay xoa dịu nỗi đau da cam; kỷ niệm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7); tết cổ truyền… 4 năm qua, có hàng chục tổ chức tập thể, cá nhân ủng hộ bằng tiền mặt cho Hội với số tiền hơn 300 triệu đồng. Từ số tiền này, Hội cùng với chính quyền cơ sở xây dựng nhiều nhà tình nghĩa, hỗ trợ sửa chữa nhà dột nát cho hội viên nghèo; đưa hội viên đi khám, chữa bệnh, điều dưỡng, xông hơi giải độc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Trung ương Hội… Ngoài ra, Trung ương Hội Nạn nhân Chất độc da cam/Dioxin Việt Nam còn cấp ứng cho Hội tỉnh hàng trăm triệu đồng không lãi cho hội viên nghèo vay phát triển sản xuất ổn định cuộc sống.

Theo sự chỉ dẫn của cán bộ Hội Nạn nhân Chất độc da cam/Dioxin tỉnh, chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Ðức Ban, đội 15, xã Thanh Xương (huyện Ðiện Biên) - một trong số người được hỗ trợ làm nhà năm 2017. Qua lời kể của ông Ban, được biết: Năm 1960 ông nhập ngũ. Từ năm 1965 - 1973 trực tiếp chiến đấu tại Quân khu IV và chiến trường miền Nam. Ðến tháng 7/1986 thì xuất ngũ. Tuy nhiên, sau khi trở lại cuộc sống đời thường, do bị phơi nhiễm chất độc hóa học nên sức khỏe ông Ban giảm sút nhanh và đau ốm quanh năm, thường xuyên phải đi viện chữa bệnh. Ốm đau, bệnh tật khiến gia đình ông gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Gia đình ông ở trong căn nhà 3 gian vách đất lụp xụp. Với sự sẻ chia của các cấp, ngành, đặc biệt là hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp, giờ đây gia đình ông Ban đã có căn nhà mới để ở. Thể hiện rõ niềm vui, ông Ban cảm ơn Ðảng, Nhà nước, các cấp, ngành có nhiều chính sách hỗ trợ, giúp đỡ và sẻ chia khó khăn với những hoàn cảnh như ông.

Bà Nguyễn Thị Thoa, đội 19, xã Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên) cũng là một trong những người bị ảnh hưởng nặng nề bởi chất độc hóa học sau khi đi bộ đội. Nỗi đau này chưa dừng lại ở bà mà còn di truyền cho người con trai. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, thêm vào đó là chồng bị bệnh tim; 3/4 thành viên gia đình thường xuyên đi điều trị bệnh khiến bà Thoa chưa bao giờ “dễ thở”. Hiện gia đình bà vẫn ở trong ngôi nhà vách đất. Nhận thấy khó khăn của gia đình bà, vừa qua Hội Nạn nhân Chất độc da cam/Dioxin tỉnh đã kêu gọi các cấp chung tay ủng hộ gia đình bà Thoa làm lại nhà. Sắp tới, gia đình bà Thoa sẽ được ở trong ngôi nhà mới mà bấy lâu cả gia đình mong ước.

Ðáp lại sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước và toàn xã hội nhiều năm qua, các nạn nhân của nỗi đau “da cam” đã vượt lên số phận, hăng hái tham gia công tác xã hội, phát triển kinh tế gia đình, trở thành tấm gương điển hình ở khu dân cư. Ông Phạm Quang Tuyến, xã Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên) là trường hợp tiêu biểu. Nhìn bề ngoài, chắc chẳng mấy ai nghĩ ông bị nhiễm chất độc hóa học và mất đi 71% sức khỏe. Sau khi xuất ngũ, ông gặp không ít khó khăn về kinh tế. Dù nhiễm chất độc hóa học, nhưng với ý chí của người lính, ông động viên vợ con quyết tâm phát triển kinh tế từ chăn nuôi, trồng trọt… Sau nhiều năm cần cù, chịu khó, gia đình ông không chỉ thoát nghèo mà còn trở thành hộ khá giả của xã.

“Trong số gần 200 đối tượng là nạn nhân trực tiếp của chất độc da cam/dioxin đang sinh sống trên địa bàn tỉnh, nhiều người đã vượt qua nỗi đau, khó khăn về thể chất, bằng ý chí, nghị lực, họ đang từng ngày vươn lên. Và dù tuổi cao sức yếu nhưng với phẩm chất cao đẹp của người lính Cụ Hồ, họ đã và đang nỗ lực vượt khó vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp. Mong rằng, chúng tôi sẽ nhận được nhiều hơn những quan tâm, sẻ chia của các cấp, các ngành trong thời gian tới để tiếp tục giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ sau” - ông Nguyễn Mạnh Tuấn nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận
Back To Top