Tiến tới mọi người cao tuổi đều có lương hưu

14:58 - Thứ Sáu, 10/08/2018 Lượt xem: 9292 In bài viết

Do chính sách an sinh xã hội vẫn còn những khoảng trống, tình trạng người lao động rút khỏi hệ thống an sinh xã hội gia tăng trong thời gian gần đây... khiến người cao tuổi mất cơ hội có lương hưu khi tới độ tuổi quy định. 

Vì vậy, trong Nghị quyết số 28/NQ-TƯ của Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, một trong những mục tiêu được tập trung thực hiện là tiến tới mọi người cao tuổi đều có lương hưu hoặc từ ngân sách nhà nước, hoặc từ Quỹ Bảo hiểm xã hội, không có người cao tuổi nào bị bỏ lại phía sau.


Lương bảo hiểm xã hội là chỗ dựa cho người về hưu.

Mất cơ hội có lương hưu vì hưởng bảo hiểm một lần

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tình trạng người lao động làm thủ tục bảo hiểm xã hội (BHXH) hưởng chính sách trợ cấp một lần đang gia tăng. Những năm gần đây, bình quân mỗi năm có khoảng 700.000 người làm thủ tục BHXH hưởng chính sách trợ cấp một lần, đồng nghĩa với việc họ ra khỏi hệ thống BHXH. Số người xin ra khỏi hệ thống an sinh xã hội gần bằng số người mới vào hệ thống BHXH bắt buộc. Theo ông Đỗ Ngọc Thọ, Phó ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam), có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trong đó phải kể đến điều kiện để được hưởng BHXH một lần quá rộng rãi (chỉ cần nghỉ việc một năm không tiếp tục tham gia BHXH). Điều kiện tối thiểu về thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu khá dài (20 năm), làm nản lòng một bộ phận người lao động. Bên cạnh đó, tâm lý “trẻ cậy cha, già cậy con” vẫn còn nặng nề, chưa hình thành văn hóa đóng - hưởng để tự bảo đảm an sinh khi về già. Đời sống người lao động nói chung còn khó khăn, nên nhiều người mong muốn có một khoản chi tiêu trước mắt.

Ngoài ra, nhiều người còn so sánh về lợi ích của việc tham gia BHXH với tham gia bảo hiểm thương mại hay gửi tiết kiệm và đưa ra nhận định, đầu tư để tham gia BHXH là rất thiệt thòi so với hai loại hình trên. Điều này tác động rất lớn đến tâm lý người lao động. BHXH Việt Nam đã đưa ra các phản biện để so sánh, giúp người lao động nhận thấy quyền lợi khi tham gia BHXH để hưởng lương hưu là vượt trội, thể hiện đúng bản chất nhân văn của chính sách. Đặc biệt, khi so sánh giữa nhận BHXH một lần với tích lũy để hưởng lương hưu, thì tổng quyền lợi khi nhận lương hưu cao gấp nhiều lần so với quyền lợi khi nhận BHXH một lần, kể cả trong trường hợp số tiền BHXH một lần được đầu tư gửi tiết kiệm.

Ông Đỗ Ngọc Thọ khuyến cáo người lao động cần ý thức rằng, thời gian đóng BHXH chính là thành quả của quá trình lao động, là một khoản tích lũy của bản thân để dành khi về già. Lúc trẻ, người lao động còn khả năng lao động để tạo thu nhập mà sử dụng đến khoản tích lũy này, khi về già không còn khả năng tạo thu nhập thì sẽ trắng tay, trở thành gánh nặng không chỉ cho gia đình, mà còn cho cả xã hội. Điều này làm ảnh hưởng đến mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội bền vững của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, những người đang có ý định nhận BHXH một lần cần cân nhắc kỹ để hướng đến tương lai, lương hưu (bao gồm cả bảo hiểm y tế) mới là chỗ dựa thiết thực cho cuộc sống của người cao tuổi, dù mức lương có thể còn khiêm tốn.

Giảm điều kiện hưởng lương hưu

Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh, Nghị quyết số 28/NQ-TƯ của Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH đã nêu rõ 11 cải cách lớn để phục vụ an sinh cho người lao động tốt hơn, đặc biệt đối với người lựa chọn ở lại hệ thống, còn chính sách sẽ sửa đổi với một số đối tượng ngắn hạn, quyền lợi sẽ hạn chế hơn.

Việt Nam hiện có hơn 5 triệu người ở độ tuổi trên 60 và dưới 80 tuổi không thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp hằng tháng từ hỗ trợ của Nhà nước, nên còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Chính vì vậy, trong lần cải cách chính sách BHXH này, hệ thống BHXH đa tầng đã được Đảng, Nhà nước xác định cụ thể, tầng thứ nhất là trợ cấp hưu trí xã hội: Ngân sách nhà nước cung cấp một khoản trợ cấp cho người cao tuổi không có lương hưu, hoặc BHXH hằng tháng. Theo đó, sẽ có chính sách huy động các nguồn lực xã hội đóng thêm để các đối tượng này có mức hưởng cao hơn; điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách. Đây là chính sách hướng tới những người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên.

Luật BHXH đang quy định người lao động có thời gian đóng BHXH 20 năm sẽ được hưởng lương hưu. Tuy nhiên trên thực tế, có những người đã tham gia 10 hoặc 15 năm, nhưng không có khả năng tiếp tục tham gia đóng BHXH và sẽ không được hưởng chế độ lương hưu. Do đó, trong cải cách chính sách BHXH lần này, thời gian đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu được tính toán giảm từ 20 năm xuống 15 năm. Sau khi quy định này được áp dụng, phương án tiếp theo có thể giảm xuống mốc 10 năm đóng BHXH. Với hình thức bảo hiểm hưu trí bổ sung, Nhà nước khuyến khích chế độ hưu trí tự nguyện theo nguyên tắc thị trường, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và người lao động có thêm sự lựa chọn tham gia đóng góp để được hưởng mức lương hưu cao hơn.

Hệ thống đa tầng này được kỳ vọng giúp người dân tiếp cận chính sách BHXH một cách toàn diện, đầy đủ các chế độ và tiến tới mọi người cao tuổi đều có lương hưu hoặc từ ngân sách nhà nước, hoặc từ Quỹ BHXH để bảo đảm không có người cao tuổi nào bị bỏ lại phía sau.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top