Khó tuyển sinh học nghề ở Mường Lay

09:00 - Thứ Hai, 13/08/2018 Lượt xem: 10608 In bài viết
ĐBP - Thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn TX. Mường Lay đã được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện, song vẫn còn không ít khó khăn trong quá trình triển khai, đặc biệt là trong công tác tuyển sinh, mở lớp cho người dân trên địa bàn.

Một ngày đầu tháng 8, chúng tôi đến Trung tâm Dạy nghề TX. Mường Lay. Dù đã được đầu tư cơ sở vật chất khá đầy đủ, khuôn viên rộng rãi nhưng hiện nay Trung tâm đang rơi vào cảnh “đìu hiu” do ít học viên đăng ký học. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ðình Ðức, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề TX. Mường Lay, cho biết: Ðào tạo nghề có vai trò quan trọng trong công tác xóa đói, giảm nghèo của địa phương nên thời gian qua, Thường trực Thị ủy, HÐND, UBND thị xã rất quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động dạy và học nghề của đơn vị. Cùng với đó là sự phối hợp chặt chẽ của các xã, phường trên địa bàn trong việc khảo sát nhu cầu học nghề của người dân; tuy nhiên, số lượng học viên vẫn rất ít. Hàng năm, Trung tâm đều triển khai điều tra khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động trên địa bàn; đồng thời, tích cực tuyên truyền đến nhân dân về chủ trương, chính sách trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên tình hình vẫn chưa có sự thay đổi.

 

Giáo viên Trung tâm Dạy nghề TX. Mường Lay hướng dẫn học viên kỹ thuật chăm sóc dê.

Nguyên nhân chủ yếu do địa bàn TX. Mường Lay nhỏ, người dân trong độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ thấp và hầu hết đã được đào tạo nghề theo Ðề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Theo thống kê, giai đoạn 2014 - 2018, thị xã có 1.392 lao động nông thôn được học nghề; trong đó có 1.210 lao động được hỗ trợ học nghề theo Ðề án 1956. Trong khi, một bộ phận không nhỏ người dân đăng ký học nghề để nhận hỗ trợ nên sau khi được hỗ trợ đào tạo nghề theo Ðề án 1956 thì sẽ không còn được hỗ trợ nữa khiến bà con không mặn mà đăng ký học thêm nghề khác.

Bên cạnh đó, theo báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TX. Mường Lay, toàn thị xã có 7.180 người trong độ tuổi lao động; trong đó có 7.123 người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động; còn số người có việc làm hiện nay là 6.072 người. Vì những nguyên nhân đó khiến số lượng người đăng ký học nghề tại Trung tâm cũng ít hơn.

Ngoài ra, lâu nay đa số thanh, thiếu niên có quan điểm học nghề là sự lựa chọn cuối cùng; tâm lý ưa chuộng bằng cấp, coi trọng bằng đại học hơn là học nghề, chưa nhận thức đúng vị trí, hiệu quả của việc học nghề để dễ dàng tìm kiếm việc làm đảm bảo thu nhập; các trường đại học tuyển sinh ồ ạt, có trường chỉ xét học bạ khiến việc tuyển sinh của các trường, trung tâm dạy nghề đã khó lại càng khó hơn. Chính vì thế, hiện nay đối tượng đăng ký học nghề trên địa bàn chủ yếu là người trung niên, có độ tuổi từ 40 - 50 tuổi và đăng ký học các lớp về trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình, ít người đăng ký học các ngành, nghề phi nông nghiệp.

Thực hiện nhiệm vụ năm 2018, UBND TX. Mường Lay giao cho Trung tâm Dạy nghề thị xã đào tạo nghề cho 200 lao động nông thôn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, đơn vị mới mở được 2 lớp, với sự tham gia của 66 học viên học kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh cho lợn. Ðể hoàn thành kế hoạch, thời gian tới, Trung tâm sẽ tăng cường cán bộ, giáo viên xuống cơ sở để tuyên truyền, tuyển sinh. Tiếp tục phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các xã, phường tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người dân trên địa bàn; xây dựng kế hoạch đào tạo, tuyển sinh cụ thể; đồng thời chuẩn bị đầy đủ tài liệu, giáo trình, giáo án phục vụ tốt nhất cho công tác giảng dạy. 

Dự kiến, từ nay đến cuối năm, Trung tâm Dạy nghề TX. Mường Lay sẽ mở thêm 1 lớp về kỹ thuật chăn nuôi và phòng bệnh cho trâu, bò; 2 lớp về kỹ thuật chăn nuôi gà và 1 lớp kỹ thuật trồng nấm; giúp người dân nắm được khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, chăm sóc các loại cây trồng, vật nuôi nâng cao thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương. 

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận
Back To Top