Lãng phí các công trình nước sinh hoạt ở huyện Mường Ảng

09:26 - Thứ Năm, 16/08/2018 Lượt xem: 9582 In bài viết

Kỳ 2: Ðể người dân được hưởng lợi

ĐBP - Như đã thông tin ở bài trước, huyện Mường Ảng hiện có 13 công trình nước sinh hoạt (NSH) hoạt động kém hiệu quả, 13 công trình không hoạt động. Vậy đâu là nguyên nhân của thực tế này. Làm gì để người dân Mường Ảng thực sự được hưởng lợi từ những công trình NSH là vấn đề cần được quan tâm, giải quyết...

Người dân bản Lao (xã Xuân Lao) - nơi có công trình NSH đang phải “đắp chiếu” khi được hỏi: Công trình có được xây dựng đúng thiết kế không?... thì nhiều người dân chia sẻ rất vô tư rằng: “Học chữ ít nên chẳng biết về thiết kế, kỹ thuật thi công gì đâu; chỉ biết công trình có nước hay không thôi. Như công trình NSH trung tâm xã Xuân Lao thì từ khi đưa vào sử dụng hầu như chưa phát huy hiệu quả vì nhà có nước, nhà không; nhà nhiều cũng chỉ được khoảng 20 ngày là hết..”.

Ông Lường Văn Khứ, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Xuân Lao, cho biết: Công trình NSH trung tâm xã Xuân Lao là một trong những công trình có quy mô lớn của xã; tuy nhiên sau khi bàn giao đưa vào sử dụng không được bao lâu thì mất nước. Mặc dù, trong những đợt tiếp xúc cử tri và họp HÐND xã trước kia tôi đã có ý kiến nhiều lần về vấn đề này; lần gần đây nhất là trong kỳ họp thứ 8, HÐND xã, khóa III, nhiệm kỳ 2016 - 2021, nhưng hiện nay, công trình vẫn “đắp chiếu”, trong khi người dân đang thiếu NSH...

Thực tế, hầu hết các công trình NSH ở Mường Ảng được đầu tư xây dựng không chỉ nhằm cung cấp nước cho dân ở thời điểm hiện tại, mà còn dự tính cho khả năng phục vụ trong tương lai. Song đáng tiếc là, số người dân đang được cấp thực tế còn ít hơn nhiều so với thiết kế phục vụ hiện tại; thậm chí nhiều công trình chỉ sử dụng được vài tháng hoặc 1 - 2 năm là mất nước, rồi bỏ hoang. Vậy khâu khảo sát thiết kế liệu đã hiệu quả chưa; người dân có được tham gia vào việc lựa chọn nguồn nước không? Chất lượng xây dựng thế nào; đơn vị, cá nhân nào sẽ chịu trách nhiệm?

Ông Kiều Xuân Hoàng, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mường Ảng, cho biết: Tất cả các công trình cấp NSH trên địa bàn sau khi đưa vào sử dụng đều đã chỉ đạo các xã thành lập tổ quản lý, vận hành. Theo rà soát hiện có 41 công trình hoạt động bền vững và 14 công trình hoạt động bình thường, về cơ bản các công trình này mới được đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa; việc hoạt động của các tổ quản lý, vận hành bảo vệ công trình có phần hiệu quả hơn, ít chịu ảnh hưởng của thiên tai. Do đó, khả năng cấp nước của các công trình hiệu quả hơn các công trình còn lại.

Hiện Mường Ảng còn 13 công trình hoạt động kém hiệu quả, 13 công trình không hoạt động. Do hoạt động kém hiệu quả nên công suất cấp nước đạt khoảng 1.717/9.000 người theo thiết kế; tỷ lệ cấp nước của công trình kém hiệu quả chỉ đạt 19%. Nguyên nhân chủ yếu do một số công trình đã được xây dựng từ lâu (trên 10 năm) nên đã xuống cấp. 100% các công trình sau khi đầu tư đã bàn giao cho bản, xã để tổ chức quản lý, vận hành, điều tiết nước và ban hành quy chế hoạt động; giao cho bản tự thu tiền sử dụng nước để quản lý cũng như sửa chữa nhỏ. Tuy nhiên, việc này gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tổ quản lý vận hành không có kinh phí để hoạt động, khắc phục sự cố kịp thời, nên ngày càng hư hỏng nghiêm trọng. Một số công trình do nguồn nước tại đầu mối bị suy giảm; địa hình phức tạp, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, nên công trình dễ xuống cấp, hư hỏng.

Chủ trương đầu tư công trình NSH cho người dân của Nhà nước là hoàn toàn đúng đắn; thực tế nhiều công trình đã mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, giúp họ yên tâm lao động sản xuất. Cụ thể như: Công trình NSH bản Thái (xã Mường Ðăng); NSH trung tâm xã Nặm Lịch; NSH trung tâm xã Búng Lao; NSH bản Huổi Lỵ (xã Mường Lạn); NSH bản Co Có (xã Ẳng Tở)... Tuy nhiên, bên cạnh những công trình hiệu quả thì câu chuyện NSH ở Mường Ảng vẫn còn nhiều vấn đề cần phải quan tâm giải quyết. Chúng tôi - những người đã “mục sở thị” nhiều công trình NSH tại Mường Ảng đồng quan điểm với ông Kiều Xuân Hoàng khi nhận định về ý thức của người dân trong việc quản lý, bảo vệ công trình phục vụ cho chính mình còn yếu kém. Thực tế ở Công trình NSH trung tâm xã Xuân Lao là một ví dụ. Sau khi tiếp nhận công trình, Ban quản lý, điều tiết nước cấp xã hoạt động không hiệu quả. Cộng thêm tình trạng tranh chấp đất đai giữa người dân bản Hua Chăn, xã Chiềng Ðông (huyện Tuần Giáo), với người dân bản Phiêng Lao, xã Xuân Lao; kết quả là phần ống nước đi qua bản Hua Chăn bị kẻ xấu chém đứt 4 - 5 điểm...

Tuy nhiên, bên cạnh các nguyên nhân khách quan, nguyên nhân từ ý thức người dân, từ ban quản lý công trình... cơ quan chức năng huyện Mường Ảng cần thẳng thắn xem xét, đánh giá về trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan trong khảo sát, thiết kế, thi công các công trình đã thực sự đảm bảo? Từ đó có giải pháp hữu hiệu khắc phục tình trạng: công trình NSH thì nhiều mà nước thì ít; tiền đầu tư cao song giá trị sử dụng thì thấp; khi công trình không phát huy hiệu quả thì chẳng biết lỗi cụ thể do ai...

Ðể người dân được hưởng lợi từ các công trình NSH một cách bền vững, trước tiên cần lắng nghe ý kiến người dân từ khâu khảo sát, thăm dò nguồn nước. Công trình NSH phải có chủ thực sự để quản lý, vận hành chuyên nghiệp hơn (quản lý, vận hành, điều tiết nước, thu tiền sử dụng nước, sửa chữa những hư hỏng đảm bảo kịp thời) và hợp tác xã, tổ hợp tác hoặc doanh nghiệp có năng lực cũng là phương án có thể xem xét. Việc đầu tư xây mới, sửa chữa, nâng cấp các công trình NSH nên cấp bằng trụ vòi, có đồng hồ đo mức sử dụng để có cơ sở thu tiền. Và một vấn đề quan trọng không kém đó là lắng nghe ý kiến; nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương (xã, bản), các tổ chức đoàn thể trong tham mưu, giám sát, quản lý, bảo vệ công trình, tránh tình trạng “cha chung không ai khóc” gây lãng phí tiền của, ngân sách Nhà nước; mất niềm tin của nhân dân...

Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top