Ðổi thay Ðiện Biên

09:26 - Thứ Sáu, 17/08/2018 Lượt xem: 9367 In bài viết
ĐBP - Cách mạng Tháng Tám thành công đánh dấu mốc son mới trong lịch sử dân tộc, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. 73 năm trôi qua, với sự quyết liệt, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo của Ðảng bộ, chính quyền, sự đoàn kết đồng lòng của nhân dân các dân tộc, Ðiện Biên đang vươn lên mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, đời sống của người dân ngày càng được quan tâm, cải thiện. Trong không khí cả nước hân hoan kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám, Báo Ðiện Biên Phủ ghi lại một số ý kiến ghi nhận những đổi thay trên vùng đất Ðiện Biên.

Ông Pờ Dần Xinh, Bí thư Chi bộ bản Tả Kố Khừ, xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé)

Cuộc sống đổi thay nhờ có Ðảng

 
Hiện là Bí thư Chi bộ bản Tả Kố Khừ (xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé), là người con của quê hương Sín Thầu được sinh ra và lớn lên sau cách mạng, tôi đã được chứng kiến những sự đổi thay kỳ diệu của cả dân tộc nói chung và vùng cao biên giới nói riêng.

Sau Cách mạng Tháng Tám, đất nước ta đứng trước vô vàn khó khăn. Tuy vậy, khi đất nước được độc lập, dân tộc được tự do, mọi người dân đều hừng hực khí thế tham gia lao động sản xuất và xây dựng quê hương, đất nước. Khi còn nhỏ, chúng tôi phải đi bộ cả tuần lễ mới đến được trường học ở thị xã Lai Châu (cũ). Khi lớn lên, tham gia công tác tại địa phương, mỗi lần đi họp ngoài tỉnh chúng tôi cũng phải đi bộ 3 - 4 ngày cùng với cơm đùm, gạo nắm. Ðời sống của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn; vừa phải diệt giặc đói, vừa phải diệt giặc dốt, ngoài ra còn phải chiến đấu với nạn phỉ, rồi tệ nạn thuốc phiện.

Ðược sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước, cùng với sự nỗ lực tăng gia, lao động sản xuất của nhân nhân các dân tộc địa phương, đến nay đời sống của nhân dân đã được nâng cao về mọi mặt. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm nhiều, đường ô tô đến từng thôn, bản, người dân đều được chăm sóc sức khỏe, y tế.

Ðể có được sự đổi thay kỳ diệu như ngày hôm nay là nhờ có sự lãnh đạo sáng suốt của Ðảng và Nhà nước. Nhiều chương trình, dự án đã được triển khai có hiệu quả tại các địa phương, chính sách đối với đồng bào dân tộc, đối với người dân khu vực biên giới cũng được áp dụng linh hoạt, tạo đà cho sự phát triển của địa phương.

Văn Thành Chương (ghi)

Ông Phạm Hữu Huyến, Bí thư Chi bộ tổ dân phố 8, phường Thanh Trường (TP. Ðiện Biên Phủ)

Nhu cầu của dân là được quan tâm

 
Lên Ðiện Biên từ năm 1978, tôi thấy cuộc sống của người dân nơi đây thời điểm đó còn rất nhiều khó khăn như: Dân cư thưa thớt, đường sá đi lại khó khăn.Ðể đi từ Thái Bình lên Ðiện Biên phải mất 4 - 5 ngày. Các ngành nghề công nghiệp, dịch vụ chưa phát triển, người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước và trồng ngô, đỗ, lạc… Năm 1985 vẫn còn thực hiện theo chế độ tem phiếu, mỗi gia đình có một tem phiếu phân theo loại (A, B, C), muốn mua gạo, thịt, các nhu yếu phẩm dùng trong gia đình đều phải xếp hàng chờ, có khi phải xếp hàng từ 3 giờ sáng mới mua được 15 cân gạo... Ðến năm 1990, không phải người dân muốn mua gì cũng có, nhất là các mặt hàng cao cấp như: Ðiện tử, xe máy... phải xuống tận Hà Nội hoặc đặt hàng khá lâu mới có.

Từ khi chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cùng với sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, hệ thống điện, đường, trường trạm đã được đầu tư xây mới; nhiều công trình, nhà máy, được xây dựng, tạo việc làm cho người dân, giúp họ có cuộc sống ổn định và ngày một khá giả. Hiện nay, hầu như mọi dịch vụ đều có mặt tại Ðiện Biên để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Hình thức mua sắm cũng hoàn toàn đổi mới, có người giao hàng tận nhà... Những đổi thay tiến bộ, hiện đại mà chúng ta đang có là thành quả của sự nỗ lực, tin tưởng của toàn dân với Ðảng...

Anh Nguyễn (ghi)

Ông Ðỗ Văn Phúc, tổ dân phố 8, thị trấn Mường Ảng (huyện Mường Ảng)

Ðảm bảo việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân

 
Ngày nay, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội; chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng lên về mọi mặt; đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ sức khỏe.

Nếu như những năm 2000 trở về trước, mạng lưới y tế tuyến xã, huyện chưa phát triển, đa phần người dân đều phải lên bệnh viện tỉnh khám, mặc dù chỉ là những bệnh thông thường; đi lại xa xôi vất vả và tốn kém... Hiện nay, hệ thống trạm y tế các xã đều phát triển, 10/10 xã, thị trấn đều có trạm y tế, đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân; công tác tiêm chủng được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Nhất là từ khi khánh thành và đưa vào sử dụng Bệnh viện Ða khoa huyện Mường Ảng (năm 2016), dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người dân được nâng lên một bậc; người dân được tiếp cận với các dụng cụ máy móc hiện đại trong điều trị bệnh. Bên cạnh đó, việc tiếp đón và hướng dẫn, cung cấp thông tin cho người bệnh về quy trình khám, chữa bệnh, cũng như các thủ tục hành chính, chế độ chính sách về khám, chữa bệnh đã được bệnh viện thực hiện tận tình, chu đáo. Quy trình, thủ tục hành chính giảm, thời gian chờ đợi của bệnh nhân cũng giảm, người dân khá hài lòng, nhất là với khám bệnh bảo hiểm y tế tại bệnh viện. Phong cách thái độ phục vụ của cán bộ, y, bác sĩ ân cần, gần gũi với nhân dân. Ðiều kiện cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường tại khu vực khám bệnh cũng như tại phòng bệnh ngày càng được cải thiện…

Tuấn Anh (ghi)

Ông Thào A Sở, xã Sín Chải (huyện Tủa Chùa)

“Sín Chải sẽ tiếp tục thay da đổi thịt...”

 
Nguyên là Bí thư Ðảng ủy xã Sín Chải (huyện Tủa Chùa), tôi rất vui trước sự đổi thay của quê hương Sín Chải nói riêng và huyện Tủa Chùa nói chung. Trước đây, khi đất nước còn nghèo, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn, chế độ chính sách đối với cán bộ cũng rất hạn chế. Trình độ của cán bộ ngày ấy cũng không đồng đều, nhiều người đi làm cán bộ sau đó mới đi học chữ; do vậy đòi hỏi phải thật tâm huyết, tinh thần giác ngộ cách mạng và trách nhiệm rất cao thì mới làm được. Ngày nay, đội ngũ cán bộ đã được đào tạo cơ bản, trình độ ngày càng được nâng cao. Việc lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất thuận lợi và hiệu quả hơn; sức lao động của người dân được giải phóng. Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn do điều kiện tự nhiên không thuận lợi (chủ yếu là núi đá), nước sản xuất khan hiếm, song người dân vẫn luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Ðảng, chính sách của Nhà nước. Nhiều chương trình, dự án xóa đói, giảm nghèo và các chính sách hỗ trợ người dân đã được triển khai giúp cho nhiều hộ thoát nghèo và không còn hộ đói. Người dân đã có điện thắp sáng và phục vụ sản xuất, sinh hoạt; hầu như gia đình nào cũng có xe máy, đường ô tô đến tận trung tâm xã và một số bản nên việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa thuận tiện hơn. Trẻ em được đến trường tỷ lệ ngày càng cao, nhiều người đã học hành, đỗ đạt và làm cán bộ ở huyện, ở tỉnh. Với sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước, sự lãnh đạo sâu sát của các cấp chính quyền, tôi hy vọng trong thời gian tới xã Sín Chải sẽ tiếp tục thay da đổi thịt, phát triển hơn nữa.

Ðức Thành (ghi)

Bà Lù Thị Mai, bản Na Luồn, xã Ẳng Nưa (huyện Mường Ảng)

Người dân được hưởng lợi từ chương trình xây dựng nông thôn mới

 
Xã Ẳng Nưa hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2016. Từ khi đạt chuẩn về xây dựng nông thôn mới đến nay, xã có những thay đổi tích cực. Chuyển biến rõ nét nhất là, hệ thống đường giao thông nội bản, giao thông nội đồng được hoàn thiện; đường liên huyện được rải nhựa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và sản suất nông nghiệp. Hệ thống trường học, trạm y tế được nâng cấp và từng bước đồng bộ đảm bảo các yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị và cán bộ. Về sản xuất nông nghiệp, hình thành theo hướng hàng hóa; đặc biệt lĩnh vực chăn nuôi được đẩy mạnh và phát triển theo hướng trang trại, gia trại tập trung quy mô vừa và nhỏ, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Bộ mặt nông thôn được đổi thay rõ rệt, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước, tạo niềm tin vững chắc trong nhân dân. Song song với việc phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, thì đời sống văn hóa tinh thần được đẩy mạnh. Các hoạt động phong trào phát triển, như: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới”, xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Bản làng văn hóa” được nhân dân tích cực hưởng ứng; mỗi bản có một đội văn nghệ và đội thể thao (bóng chuyền, bóng đá…) được duy trì và hoạt động hiệu quả. Việc cưới, hỏi từng bước được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ, tiết kiệm; việc tang được tổ chức văn minh, tiến bộ, một số hủ tục đã dần được loại bỏ...

Nguyễn Tuấn (ghi)

Bình luận
Back To Top