Thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên

15:07 - Thứ Ba, 21/08/2018 Lượt xem: 11894 In bài viết
Hiện nay, học sinh, sinh viên (HS, SV) chiếm gần 25% số dân cả nước, việc đẩy nhanh tỷ lệ đối tượng này tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) có ý nghĩa quan trọng đối với việc hoàn thành mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân.

Thời gian qua, tỷ lệ HS, SV tham gia BHYT có những bước phát triển ấn tượng, khi năm học 2006 - 2007 mới có 45% số HS, SV tham gia, nhưng đến năm học 2017 - 2018 đã có 93,5% số HS, SV tham gia BHYT. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu 100% HS, SV có thẻ BHYT trong năm học 2018 - 2019 đòi hỏi sự gắn kết chặt chẽ của các ngành giáo dục, y tế và bảo hiểm xã hội (BHXH).

 

Giờ tập thể dục của học sinh Trường THCS Mai Dịch, quận Cầu Giấy (Hà Nội).

Hướng tới mục tiêu tất cả HS, SV tham gia BHYT

Trong những năm qua, ngành BHXH đã tích cực phối hợp các bộ, ngành liên quan, nhất là Bộ Giáo dục và Ðào tạo trong việc triển khai BHYT HS, SV. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, số lượng HS, SV tham gia BHYT đã tăng nhanh theo từng năm. Năm học 2013 - 2014, số HS, SV tham gia đạt khoảng 85%, đến năm học 2017 - 2018 đã đạt khoảng 93,5% tương đương 16,5 triệu em, trong đó 12,3 triệu em tham gia tại trường và 4,2 triệu em tham gia theo các nhóm đối tượng khác.

Nhiều địa phương trở thành “điểm sáng”, nhiều năm có tỷ lệ HS, SV tham gia BHYT cao hơn 90%. Trong đó, một số tỉnh như Hải Dương nhiều năm đã đạt 100% HS, SV tham gia BHYT; Thái Bình đạt xấp xỉ 100% hay các TP: Hải Phòng, Ðà Nẵng tỷ lệ này luôn đạt cao hơn 95%; hai thành phố lớn tập trung HS, SV đông như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng đã đạt khoảng 90%... Với việc mở rộng đối tượng tham gia, hằng năm đã có hàng triệu lượt HS, SV được quỹ BHYT chi trả các chi phí khám, chữa bệnh (KCB) tại các cơ sở y tế trong cả nước. Với nguồn kinh phí quỹ BHYT trích lại 7% dành cho hoạt động y tế trường học, đã trở thành nguồn tài chính quan trọng để ngành Giáo dục củng cố, phát triển hệ thống y tế trường học, triển khai các nội dung chăm sóc sức khỏe… phục vụ hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HS, SV.

Mặc dù nhóm HS, SV đã được quy định là nhóm bắt buộc tham gia BHYT từ ngày 1-1-2010 (theo quy định tại Luật BHYT 2008), nhưng thực tế đến nay vẫn chưa đạt được tỷ lệ 100% HS, SV tham gia. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Ðình Liệu cho rằng, mặc dù chủ trương phát triển BHYT HS, SV là nhất quán và đang có nhiều thuận lợi để đạt mục tiêu 100%, tuy nhiên, ngay trong các quy định, văn bản hướng dẫn thực hiện pháp luật về BHYT HS, SV vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ.

Thực tế, mặc dù đã có quy định “bắt buộc” tham gia BHYT, nhưng các cơ sở giáo dục vẫn chưa có biện pháp ràng buộc HS, SV tham gia BHYT, dẫn đến tỷ lệ tham gia BHYT còn chưa đồng đều tại một số địa phương. Với đối tượng sinh viên, nhất là sinh viên năm thứ hai trở đi tỷ lệ tham gia BHYT chưa cao, chỉ đạt khoảng từ 70 đến 80%. Ngoài ra, theo quy định đối tượng học sinh cuối cấp có thời hạn sử dụng thẻ BHYT đến hết tháng sáu của năm học đó; do đó dẫn đến tình trạng hằng năm có khoảng 900 nghìn học sinh lớp 12 bị gián đoạn thời gian tham gia BHYT từ tháng bảy đến khi nhập học tại các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng.

Năm học 2018 - 2019, mức phí BHYT của nhóm HS, SV tiếp tục có sự điều chỉnh do mức lương cơ sở tăng thêm từ 40.950 đồng/tháng lên 43.785 đồng/tháng. Mức tăng tuy không nhiều, nhưng cũng làm tăng thêm khó khăn cho công tác này. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHYT HS, SV ở một số nhà trường còn hạn chế, chưa được quan tâm đúng mức, một bộ phận HS, SV chưa hiểu rõ trách nhiệm, quyền lợi và ý nghĩa của việc tham gia BHYT; một số cơ sở giáo dục chỉ liệt kê số tiền đóng BHYT vào các khoản thu đầu năm học mà thiếu đi công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật BHYT cho HS, SV...

Tăng cường giải pháp phát triển đối tượng

Ðể thực hiện mục tiêu toàn bộ HS, SV tham gia BHYT trong năm 2018 và duy trì tỷ lệ bền vững, Phó Tổng Giám đốc Trần Ðình Liệu cho biết, BHXH Việt Nam đã đề ra nhiều giải pháp yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố chủ động thực hiện, đồng thời cũng đề nghị sự vào cuộc mạnh mẽ và trách nhiệm hơn nữa của các cơ quan liên quan.

Theo đó, BHXH các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Ðào tạo thực hiện một số nội dung, như: Giao chỉ tiêu tỷ lệ tham gia BHYT của học sinh đối với từng cơ sở giáo dục; giáo dục đại học, cao đẳng và trung cấp trên địa bàn cần đẩy mạnh việc thực hiện BHYT cho sinh viên, nhất là sinh viên từ năm thứ hai trở đi; đưa tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và chấp hành pháp luật của HS, SV bảo đảm năm 2018 đạt 100% tham gia BHYT.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHYT đến HS, SV, các bậc phụ huynh để vận động HS, SV tham gia BHYT; thực hiện rà soát, phân loại danh sách HS, SV chưa tham gia BHYT và sắp hết hạn trong cơ sở dữ liệu hộ gia đình để phối hợp với các trường học vận động HS, SV tham gia BHYT đầy đủ. Trong đó khẳng định, việc tham gia BHYT không chỉ là quyền lợi và trách nhiệm công dân của mỗi HS, SV mà còn thể hiện ý thức chấp hành pháp luật của những chủ nhân tương lai của đất nước; khẳng định vai trò của BHYT trong bối cảnh viện phí điều chỉnh theo hướng tính đúng, tính đủ.

Với trách nhiệm của mình, ngành BHXH tiếp tục thực hiện cải cách hành chính theo hướng đơn giản, thuận tiện cho HS, SV tham gia BHYT. Ðối với HS, SV đã có mã số BHXH, khi tham gia BHYT sẽ không phải lập tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT, mà chỉ cần nộp tiền theo quy định; cơ quan BHXH thực hiện việc ghi giá trị sử dụng thẻ BHXH tương ứng với số tiền đóng vào cơ sở dữ liệu và không thực hiện cấp lại thẻ BHYT. Với HS, SV chưa có mã số BHXH, cơ quan BHXH sẽ cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu và cấp thẻ BHXH theo quy định.

Quyền lợi của HS, SV khi tham gia BHYT: Ðược chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường từ nguồn kinh phí của BHYT; Ðăng ký KCB ban đầu tại các bệnh viện quận, huyện và tương đương; được thanh toán toàn bộ chi phí KCB nếu tổng chi phí KCB một lần thấp hơn 15% mức lương cơ sở; thanh toán 80% chi phí KCB đúng tuyến, KCB sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn (nhưng không quá 40 tháng lương cơ sở cho một lần sử dụng dịch vụ); nếu cấp cứu sẽ được khám, điều trị ở bất kỳ cơ sở KCB nào và được hưởng quyền lợi theo quy định.

Năm 2017 và nửa đầu năm 2018, cả nước có 237 trường hợp HS, SV khám, chữa bệnh BHYT được Quỹ BHYT thanh toán từ 200 triệu đồng trở lên. Trong đó, có những trường hợp như Lương Huy H. (mã thẻ: HS43133120379649, ở quận Lê Chân, TP Hải Phòng) điều trị năm đợt tại Viện Huyết học truyền máu Trung ương được BHYT thanh toán 1,6 tỷ đồng.
P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top