Khó khăn trong xuất khẩu lao động ở Nậm Pồ

08:18 - Thứ Sáu, 24/08/2018 Lượt xem: 12610 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, huyện Nậm Pồ luôn xác định xuất khẩu lao động mang lại nguồn thu nhập cao cho người tham gia lao động tại các thị trường việc làm ở nước ngoài, xóa đói nghèo cho gia đình và góp phần giảm áp lực việc làm, đóng góp vào sự phát triển và ổn định kinh tế - xã hội địa phương. Không những vậy xuất khẩu lao động còn là giải pháp tiếp cận công nghệ tiên tiến từ nước ngoài, giúp đào tạo đội ngũ lao động có chất lượng, nâng cao tay nghề và rèn luyện tác phong công nghiệp cho người lao động, nhất là người dân tộc thiểu số trên địa bàn. Tuy nhiên, thực tế triển khai công tác xuất khẩu lao động thì huyện còn gặp không ít khó khăn.

 

Cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an xã Nà Hỳ tuyên truyền với người có uy tín tại cơ sở về công tác lao động, phòng chống xuất cảnh trái phép.

Ông Lò Văn Thân, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Nậm Pồ cho biết: Hiện nay, huyện có 12 lao động đang làm việc tại nước ngoài theo chương trình xuất khẩu lao động của Chính phủ. Ðây là con số rất nhỏ so với tổng số 26.890 người trong độ tuổi lao động của huyện. Nguyên nhân chủ yếu do địa phương thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao và phong tục, tập quán của người dân trên địa bàn. Trong số 12 lao động xuất khẩu, có 5 lao động được đáo hạn hợp đồng; 1 lao động chất lượng cao, trúng tuyển xuất khẩu lao động sang Nhật Bản làm việc, đó là Chảo Nẻ Phin, ở bản Huổi Sâu, xã Pa Tần được hỗ trợ theo Quyết định 71/2009/QÐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần xóa đói giảm nghèo nhanh, bền vững giai đoạn 2009 - 2020, được Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho vay 100 triệu đồng kinh phí đào tạo, làm thủ tục xuất cảnh, chi phí sinh hoạt ban đầu... Tuy nhiên, nhìn nhận một cách tổng quan, công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn còn nhiều thách thức, chất lượng nguồn lao động cũng như thu nhập của người lao động còn thấp, chủ yếu lao động xuất khẩu đang làm việc tại thị trường Lào (11/12 người). Nguyên nhân của thực trạng này vẫn do trình độ, nhận thức của lao động trên địa bàn còn thấp, ngoại ngữ kém, thiếu kỷ luật, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường việc làm chất lượng cao như: Hàn Quốc, Nhật Bản hoặc các nước khu vực Trung Ðông (qua khảo sát, đánh giá của các thị trường việc làm nước ngoài, lao động người Việt Nam bị đánh giá là có kỷ luật làm việc và sinh hoạt thua xa các nước trong khu vực). Với đặc thù cuộc sống ở vùng cao, miền núi nên quan niệm gia đình, tập quán còn nặng nề, do đó một người dân tộc thiểu số rời gia đình, bản làng đi làm việc trong môi trường công nghiệp tại các tỉnh trong nước đã khó chứ chưa nói ra nước ngoài.

Một bất cập hiện nay là: số lượng lao động xuất khẩu chính ngạch đạt thấp nhưng huyện Nậm Pồ lại có số người xuất cảnh trái phép, đi lao động tự do thuộc diện cao nhất tỉnh. Thượng tá Trần Ích Chính, Phó trưởng Công an huyện Nậm Pồ cho biết: Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong những năm gần đây, số người xuất cảnh trái phép sang làm thuê tại Trung Quốc có chiều hướng tăng cao. Cụ thể, năm 2015 huyện có 769 lượt người vắng mặt khỏi địa bàn và được xác minh đã xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc; năm 2016 có 667 lượt người; năm 2017 là 1.012 lượt người; chỉ 6 tháng đầu năm, số người xuất cảnh trái phép là 563 lượt người.

Vấn đề đặt ra là tại sao khi tuyển dụng một cách chính thức thì rất khó khăn nhưng người dân lại dễ dàng chấp nhận rủi ro, ra nước ngoài lao động chui? Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, người dân trên địa bàn huyện Nậm Pồ vốn có mối quan hệ thân tộc với nhân dân khu vực biên giới giáp với Trung Quốc tại các tỉnh Lào Cai, Lai Châu. Việc qua lại biên giới của người dân ở các địa phương này trước đây không quá khó khăn, nên việc rủ nhau xuất cảnh trái phép qua biên giới làm thuê những lúc nông nhàn được bà con coi là bình thường. Trong khi đó, người sử dụng lao động bên nước bạn cũng khá “dễ tính”, công việc chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp vốn đã quen với bà con, yêu cầu chỉ cần sức khỏe tốt để lao động chân tay là đủ. Tuy nhiên, phải khẳng định những hoạt động này là trái pháp luật, tiềm ẩn nhiều hệ lụy, nguy cơ mất an ninh trật tự... Song, để giải quyết hiệu quả, nếu chỉ riêng huyện Nậm Pồ sẽ không thể hoàn thành mà cần sự vào cuộc, phối hợp của các ngành chức năng.

Bài, ảnh: Phạm Dương
Bình luận
Back To Top