Những nội dung được quan tâm tại Luật Giao thông đường bộ sửa đổi

14:32 - Thứ Ba, 28/08/2018 Lượt xem: 10067 In bài viết

Là một bộ luật quan trọng, có tác động đến tất cả mọi người, mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội, nên việc sửa đổi Luật Giao thông đường bộ được dư luận đặc biệt quan tâm, và thu hút rất nhiều ý kiến đóng góp tại hội thảo lấy ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ GTVT tổ chức ngày 27-8.

7 vấn đề cần sửa đổi

Tại hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI khẳng định, sau 10 năm ban hành Luật Giao thông đường bộ là hành lang pháp lý quan trọng góp phần kéo giảm tai nạn giao thông, cải thiện hạ tầng, nâng cao kiến thức tham gia giao thông của người dân và doanh nghiệp. 

“Số người chết vì tai nạn giao thông của Việt Nam trong thời gian qua có giảm nhưng vẫn ở mức cao so với các nước trên thế giới, xuất phát từ việc thiếu đồng bộ, xuất phát từ thực tiễn của các quy định đường bộ. Luật Giao thông đường bộ 2008 ra đời trong bối cảnh các vụ tai nạn giao thông ở Việt Nam, chính vì thế Luật này được xây dựng theo hướng siết chặt kỷ cương, góp phần chấn chỉnh trật tự giao thông nhưng bóp chặt khả năng sáng tạo và khả năng quản lý. Vì vậy, việc sửa đổi luật trở nên vô cùng cấp thiết”, ông Phòng nói.

 

Luật sẽ bổ sung khung pháp lý đối với các phương tiện mới, phương tiện giao thông thông minh.

Trên thực tế, Luật Giao thông đường bộ là một trong số những bộ luật có nhiều hướng dẫn thi hành nhất Việt Nam, trong nhiều trường hợp Bộ GTVT vẫn phải  ban hành các chính sách thí điểm để có thể đáp ứng được với tình hình thực tiễn trong thời gian qua. 

Bởi vậy, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và sự phát triển của các phần mềm, đặt ra nhu cầu về sửa đổi luật này cần thiết hơn bao giờ hết.

Đại diện VCCI cũng cho biết, việc sửa đổi Luật Giao thông đường bộ sẽ được tập trung vào 7 vấn đề chính. 

Thứ nhất: Sửa đổi, bổ sung các quy định về quy tắc giao thông đường bộ đảm bảo phù hợp với Công ước về Biển báo và Tín hiệu đường bộ, Công ước về Giao thông đường bộ và các quy định chưa phù hợp với thực tế hiện nay.

Thứ hai: Điều chỉnh việc phân loại hệ thống đường bộ, nội dung bảo trì đường bộ, trách nhiệm của các cơ quan trong công tác quản lý, khai thác, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. 

Thứ ba: Bổ sung khung pháp lý đối với các phương tiện mới, phương tiện giao thông thông minh, quản lý chất lượng, khí thải đối với xe môtô. 

Thứ tư: Xem xét việc quy định màu biển số xe để phân biệt xe kinh doanh vận tải và xe không kinh doanh vận tải. 

Thứ năm: Xem xét quy định trách nhiệm đăng ký tài khoản ngân hàng của chủ xe ôtô. 

Thứ sáu: Điều chỉnh hàng giấy phép lái xe phù hợp với Công ước Viên và các vấn đề có liên quan. 

Thứ bảy: Phân loại các loại hình vận tải, trên cơ sở đó điều chỉnh sửa đổi điều kiện kinh doanh vận tải.

Doanh nghiệp kiến nghị gì?

Ông Phan Bá Mạnh, đại diện Công ty Công nghệ Vận tải An Vui - một công ty tham gia giao thông trong lĩnh vực công nghệ thông tin cho rằng, việc xác định mã số định danh cho từng phương tiện vận tải là chủ trương đúng đắn và nên làm, qua đó, cơ quan chức năng sẽ kiểm soát được phương tiện, từ đăng kiểm, lưu thông đến thu phí không dừng. 

Tuy nhiên, vị đại diện này cũng lưu ý việc áp mã số định danh cần có sự thống nhất, triệt để từ đầu, và chỉ là mã số duy nhất, tránh trường hợp một xe có tới mấy mã số định danh. 

“Giống như tài khoản, hay thẻ ngân hàng, hiện nay, nếu mở ví ra, hầu như mọi người ai cũng có vài ba chiếc thẻ với từng mã số khác nhau, thậm chí có người lên đến hàng chục thẻ, rất lãng phí. Bởi vậy, nếu chúng ta không có sự đồng  nhất ngay từ đầu, thì rất dễ xảy ra hiện tượng một chiếc xe, nhưng có tới mấy mã số định danh cùng gắn lên đó”, đại diện Công ty An Vui kiến nghị. 

Góp ý thêm về bổ sung khung pháp lý đối với các phương tiện mới, phương tiện giao thông thông minh, ông Mạnh cho rằng, nó chỉ là hình thức khác đi, chứ về bản chất nội dung không khác so với truyền thống. 

“Xe hợp đồng điện tử không khác gì xe thông thường, chỉ khác hình thức hợp đồng mà thôi. Nếu anh thỏa thuận bằng miệng, thì hóa đơn đó có hình thức thỏa thuận bằng lời nói, còn nếu anh có sẵn giấy bút, ghi ra thì hóa đơn bằng văn bản, cao cấp hơn, anh có máy in in ra thì nó là văn bản in. Nếu anh áp dụng công nghệ để thỏa thuận thì nó sẽ là hóa đơn điện tử.

Bởi vậy, không nên nhầm lẫn xe hợp đồng điện tử thì có quy cách vận hành riêng, hay ưu tiên hơn xe thông thường. Từ góc độ chuyên môn, tôi cho rằng phương tiện điện tử sẽ vận hành minh bạch hơn, tránh thất thu thuế, nó không phải loại phương tiện mới, mà là phương thức giao tiếp mới, cần tiếp thu để có cách quản lý mới”, vị đại diện này cho biết.

Đến từ Công ty Kinh doanh Bến xe Nước Ngầm Hà Nội, ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc bến xe góp ý vào dự thảo xung quanh chủ trương xã hội hóa bến xe. 

Theo ông Lập, Luật cần quy định rõ chủ trương xã hội hóa bến xe là dành cho tất cả mọi đối tượng, hay vẫn còn có “vùng cấm” dành cho bến xe thuộc quản lý nhà nước. 

“Về phía “người trong cuộc”, chúng tôi đề xuất đã xã hội hóa bến xe thì sẽ là chủ trương chung cho tất cả các đối tượng, điều này sẽ tạo sự cạnh tranh bình đẳng, không có vùng ưu tiên nào. Ngoài ra, chúng tôi cũng đề xuất kéo dài thời gian thuê bến lên 50 năm hoặc dài lâu hơn, vì như thế, doanh nghiệp mới dám mạnh tay đầu tư cơ sở hạ tầng, chứ thời gian ngắn, chỉ 10 năm, nay chủ trương chuyển, mai chủ trương đổi, khiến cho doanh nghiệp không dám đầu tư, dẫn đến hạ tầng bến xe vẫn mãi nhếch nhác”, ông Lập đề xuất.

Ngoài ra, hàng loạt vấn đề khác được doanh nghiệp góp ý như việc thu phí trên cao tốc vẫn còn hiện tượng phí chồng phí. Hay việc cắm biển báo hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Đại diện Công ty Honda thì góp ý về các quy định xung quanh các phương tiện xe điện, cũng như các vấn đề khí thải…

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top