Giúp người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng

08:43 - Thứ Tư, 29/08/2018 Lượt xem: 11402 In bài viết
ĐBP - Tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng là một việc làm ý nghĩa sâu sắc; đồng thời góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Xác định rõ tầm quan trọng đó, những năm qua các cấp, ngành đã triển khai nhiều giải pháp và vận động người dân tích cực tham gia giúp đỡ người lầm lỡ tự tin hòa nhập cộng đồng khi trở về địa phương.

 

Những người lầm lỡ tại trại giam Nà Tấu nhận quyết định tha tù trước thời hạn để trở về địa phương tái hoà nhập cộng đồng.

Thượng tá Nguyễn Trọng Thưởng, Trưởng phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Công an tỉnh), cho biết: Ðến nay toàn tỉnh có 1.806 người đã chấp hành xong án phạt tù (gồm cả người đã được xóa án tích và chưa xóa án tích) đang cư trú trên 10 huyện, thị xã, thành phố. Thực hiện Nghị định số 80/2011/NÐ-CP, ngày 16/9/2011 của Chính phủ về quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, Công an tỉnh đã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, chỉ đạo Công an các huyện, thị xã, thành phố về công tác tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ những người lầm lỡ chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống. Ngoài giúp đỡ họ lấy lại thăng bằng trong cuộc sống và định hướng phát triển kinh tế gia đình, sống có mục tiêu, có lý tưởng, lực lượng chức năng tạo điều kiện để những người chấp hành xong án phạt tù được đăng ký thường trú, tạm trú và cấp giấy chứng minh nhân dân, tạo cơ hội để họ thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân theo quy định pháp luật; đồng thời, phối hợp với các cấp ủy Ðảng, chính quyền địa phương tổ chức dạy nghề, hướng nghiệp, giới thiệu và giải quyết việc làm để họ tự tin sống bằng chính sức lao động của mình.

Song song với đó, để đảm bảo an ninh trật tự tại mỗi địa phương, Công an tỉnh trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, thống nhất và yêu cầu những người chấp hành xong án phạt tù ký cam kết không tái phạm tội, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, nội quy, quy định của địa phương; thường xuyên rà soát, cập nhật thông tin, số liệu về người chấp hành xong án phạt tù đang cư trú trên địa bàn để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và động viên kịp thời. UBND các xã, phường, thị trấn phân công người theo dõi, giúp đỡ đối với từng cá nhân chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, định kỳ 6 tháng, 1 năm đánh giá, nhận xét tình hình chấp hành pháp luật, khả năng hòa nhập cộng đồng dân cư và nhận xét, đánh giá thái độ của người dân tại địa bàn đối với họ. Qua đó, phân loại, như: Người có ý thức chấp hành pháp luật, đã ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng; người còn gặp khó khăn khi tái hòa nhập cộng đồng, thiếu vốn để sản xuất; người không có việc làm, sống tạm bợ, tư tưởng còn tự ti, mặc cảm; người sống ở môi trường phức tạp về an ninh, trật tự, dễ bị lôi kéo vi phạm pháp luật; người không chịu sự quản lý giáo dục của chính quyền, đoàn thể ở địa phương, sống buông thả, lười lao động…, để có giải pháp, định hướng đối với từng cá nhân.

Cũng theo thượng tá Nguyễn Trọng Thưởng, các huyện: Tủa Chùa, Ðiện Biên và Mường Ảng là những địa phương được đánh giá thực hiện khá tốt công tác giúp đỡ, bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù tại địa phương. Nếu như huyện Tủa Chùa xuất hiện nhiều mô hình, dòng họ điển hình trong công tác đảm bảo an ninh trật tự; giúp đỡ người lầm lỡ trở về bản, làng để cùng phát triển kinh tế, dòng tộc, thì huyện Ðiện Biên tỷ lệ người người chấp hành xong án phạt tù tái phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn luôn ở mức dưới 2%. Từ sự giúp đỡ của các cấp ủy, chính quyền địa phương đã có nhiều người chấp hành xong án phạt tù tu chí làm ăn, tăng gia lao động sản xuất, thoát khỏi đói nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, như anh Phạm Văn Lộc, đội 18, xã Thanh Xương; anh Trần Minh Diệm, đội 19, xã Thanh Hưng; Lò Văn Cường, xã Núa Ngam (huyện Ðiện Biên); hay mô hình vườn, ao, chuồng đem lại thu nhập ổn định như các anh: Ðỗ Quang Sự, Ðỗ Trọng Dự, Quàng Văn Phúc (xã Búng Lao, huyện Mường Ảng).

Giúp đỡ người lầm lỡ chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng là việc làm mang ý nghĩa nhân văn. Thông qua đó, không những xóa bỏ sự kỳ thị, định kiến, phân biệt đối xử hoặc xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người chấp hành xong án phạt tù mà còn tạo điều kiện để họ có cơ hội làm lại cuộc đời, tăng gia lao động sản xuất, góp phần tích cực trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bài, ảnh: Tú Anh
Bình luận
Back To Top