Sớm di dời những hộ dân khu vực nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở Hua Thanh

08:34 - Thứ Năm, 30/08/2018 Lượt xem: 11356 In bài viết
ĐBP - Gần 1 tuần sau trận mưa lớn kéo dài làm nhiều nhà dân bị đất đá sạt lở, anh Quàng Văn Thiêm, ở bản Na Hý, xã Hua Thanh (huyện Ðiện Biên) vẫn chưa hết bàng hoàng. Anh Thiêm nhớ lại: Khoảng 4 giờ sáng ngày 16/8, các thành viên trong gia đình đang ngủ thì vách đồi phía sau nhà bỗng đổ ụp xuống ầm ầm. Mọi người hoảng hốt muốn mở cửa chạy ra khỏi nhà nhưng không được vì cửa đã bị kẹt nên phải phá vách nhà mới có thể thoát ra ngoài. Ðến bây giờ tôi và gia đình mới ổn định tinh thần được phần nào. Tuy tính mạng con người an toàn nhưng giờ gia đình tôi không thể dựng lại nhà được vì không có tiền. Hiện nay gia đình sống trong lán tạm được bà con dân bản giúp dựng lại, nếu tiếp tục có mưa lớn thì chưa biết chiếc lán có trụ được không.

 

Dù biết nằm trong vùng có nguy cơ lũ quét nhưng gia đình ông Quàng Văn Lang, bản Co Pục vẫn dựng nhà mới.

Hộ anh Thiêm là 1 trong 4 hộ dân xã Hua Thanh bị sạt lở bởi mưa lớn. Trong đó có 3 hộ ở bản Tâu. Sau khi sự cố xảy ra, chính quyền địa phương đã đến kiểm tra, hỗ trợ. Vị trí 3 hộ dân nằm gần đường quốc lộ, các ngôi nhà đều được xây trên sườn đồi, điều đáng nói là khi san ủi làm nền nhà, taluy dương không đảm bảo độ nghiêng và cắt tầng giảm tải. Do đó khi mưa lớn kéo dài, taluy dương bị sạt lở vào nhà dân. Tại bản Na Hý, ngoài hộ anh Quàng Văn Thiêm, còn 4 hộ bị đất sạt vào lấp nửa gầm sàn. Quan sát vị trí các hộ xây dựng nhà thì hầu hết đều ở sườn đồi, cao, dốc và ta luy dương không cắt tầng. Ông Vì Văn Tân, Trưởng bản Na Hý cho biết: Tình trạng sạt lở đất năm nào cũng xảy ra nhưng năm nay nghiêm trọng nhất. Những năm trước, khi bị sạt lở đất, các hộ dân chỉ hót gạt phần đất bị sạt vào nhà mà không gia cố lại taluy dương nên theo thời gian phần ta luy dương tiếp tục cao và sâu hơn vào sườn đồi dẫn đến tình trạng sạt lở vừa qua. Bên cạnh đó, mỗi lần mưa lớn đất đá từ trên đồi theo suối Búng Mạ ứ đọng lại, dân bản tận dụng bồi đắp để mở rộng diện tích ruộng. Từ đó làm cho dòng suối ngày càng thu hẹp nên trận mưa lớn kéo dài đêm 15, rạng sáng ngày 16/8 làm nước dâng cao, tràn vào bản, một số hộ ở vị trí thấp nước ngập sâu gần 1m, đường nội bản cũng bị ngập sâu. Nước lũ còn làm ngập ruộng, vỡ bờ ao. Sau khi nước rút, qua kiểm tra, ngoài hộ anh Lò Văn Thiêm phải di dời, hộ gia đình anh Lò Văn Binh cũng phải di dời khẩn cấp trên taluy dương xuất hiện vết nứt và phía trước sân ta luy âm đã bị sạt lở.

Trận mưa lớn vừa qua, trên địa bàn xã Hua Thanh ngoài 4 nhà dân bị sạt lở đất nghiêm trọng; hơn 6ha lúa bị xói lở, cuốn trôi; nhiều diện tích ao cá bị bùn đất vùi lấp, hàng trăm con gia cầm bị lũ cuốn trôi; mưa lũ còn cuốn trôi 7 phai tạm trên các kênh mương nội đồng. Ước tính thiệt hại ban đầu khoảng 100 triệu đồng. Vấn đề chính quyền xã Hua Thanh lo lắng hiện nay là ngoài 4 hộ trên, còn 10 hộ dân ở bản Co Pục nằm trong vùng có nguy cơ lũ quét cần di dời, nhưng xã chưa bố trí được quỹ đất và kinh phí thực hiện di chuyển. Bởi vậy, mỗi khi mùa mưa đến người dân luôn phải sống trong sự thấp thỏm vì nỗi lo lũ quét, sạt lở đất, đá.

Trước đây bản Co Pục có 21 hộ nằm trong vùng nguy cơ lũ quét, song 1 hộ chuyển đến địa phương khác, 6 hộ được chính quyền địa phương vận động đã di chuyển đến nơi an toàn, 4 hộ đăng ký chắc chắn sẽ di chuyển trong thời gian  tới. Riêng 10 hộ kiên quyết bám trụ lại. Thậm chí, biết là không an toàn những vẫn có hộ làm nhà kiên cố ở khu vực này. Lý do người dân đưa ra là việc di chuyển không chỉ liên quan đến nơi ở, mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới sinh hoạt, sản xuất của gia đình. Bà Quàng Thị Lún, thành viên của 1 trong 10 hộ không di dời, cho biết: Chúng tôi không chuyển đi được vì không có đất ở, gia đình tôi quá nghèo không có tiền chuyển nhà và dựng nhà mới. Chính quyền quan tâm hỗ trợ 20 triệu đồng, nhưng với số tiền đó cũng không đủ để di chuyển, dựng lại nhà mới và nếu đi thì cũng không có đất sản xuất. Biết là nguy hiểm nhưng cứ phải ở lại.

Ðể đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân, chính quyền xã Hua Thanh, các cơ quan chức năng huyện Ðiện Biên cần khẩn trương kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt để cảnh báo người dân chủ động phòng tránh và kiên quyết di chuyển dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Trước mắt, xã Hua Thanh huy động lực lượng xung kích, dân quân tự vệ sẵn sàng các phương án ứng phó, đảm bảo an toàn về người và tài sản khi có tình huống xấu xảy ra.

Lan Phương
Bình luận
Back To Top