Cùng suy ngẫm

Chuyện tiếp khách...

08:56 - Thứ Sáu, 31/08/2018 Lượt xem: 10439 In bài viết
ĐBP - “Khách đến nhà, không gà thì vịt” là câu nói ăn sâu vào tiềm thức mỗi người dân Việt Nam. Thế nhưng, nếu cái món “gà, vịt” ấy bị các cơ quan, đơn vị, địa phương lạm dụng quá đà trong việc tiếp đón các đoàn khách rất dễ gây lãng phí, nhất là vào thời điểm ngân sách Nhà nước eo hẹp như hiện nay.

Nhớ lại câu chuyện khi chúng tôi đến thăm đơn vị X., công việc chính nhanh chóng được tiến hành êm xuôi đâu vào đó. Hết giờ làm cũng như chiều tàn, đơn vị X. có nhã ý mời đoàn ở lại dùng bữa cơm “rau dưa” thân mật cho thêm phần tình cảm. Thế nhưng, vào mâm cơm đoàn mới bất ngờ bởi “rau dưa” chẳng thấy đâu mà đa phần lại là thịt, cá… đĩa nhỏ, đĩa to bày kín một mâm. Mâm cao cỗ đầy là vậy, nhưng chỉ sau vài lần “nâng lên, đặt xuống”, người ngồi trong mâm tản mát mỗi người một ngả. Người thì mải miết đi chúc tụng mâm khác, người thì sợ văn hóa rượu miền Tây Bắc, ăn vội bát cơm rồi lặng lẽ… “chuồn”. Vậy nên những món ngon thịt, cá… cao ngất cứ thế bỏ không cho nguội lạnh mà chẳng ai đoái hoài.

Mang câu chuyện này trao đổi với các bác “tay dao, tay thớt” chúng tôi đều nhận được câu trả lời gần như đồng nhất: Khách đến đón tiếp không đàng hoàng, chu đáo sợ bị chê cười. Hơn nữa, chẳng may mang tiếng là… bủn xỉn thì lần sau khó gặp mặt nhau lắm! Nghe lời giải thích, chúng tôi cũng có đôi phần thông cảm với những người đã từng phải đóng vai “chủ nhà” trong những cuộc như thế. Vì đôi khi chính bản thân họ cũng chẳng hề muốn bày vẽ xa hoa nhưng cũng đành bất lực, không thể làm khác. Bởi chuyện tiếp khách dường như đã trở thành một cái lệ, ăn sâu bám rễ vào tiềm thức của mỗi người. Và ai cũng biết đó là một cái lệ chưa tốt nhưng ít người dám mạnh dạn thay đổi. Quả thực, chuyện tiếp khách đang là vấn đề khiến chúng ta phải ngẫm ngợi, khi mà đơn vị “chủ nhà” cố gắng thể hiện lòng hiếu khách bằng “mâm cao cỗ đầy” thì nhiều đoàn khách lại ái ngại bởi sự nồng hậu ấy.

Như trên đã đề cập, tỉnh ta còn nghèo, nhân dân cũng rất nghèo. Trong khi các bữa cơm khách mâm cao cỗ đầy thừa bừa phứa thì nhiều gia đình hộ nghèo đang lo từng bữa. Hiện đã bước vào năm học mới, nhiều lắm học sinh ở bán trú bữa cơm chủ yếu quả trứng và miếng đậu. Với khoản tiền chi lãng phí trong các bữa tiếp khách đó nếu cắt giảm tặng cho các cháu học sinh, hộ nghèo thì tốt biết mấy, ý nghĩa biết mấy. Ðất nước hội nhập, văn hóa cũng cần hội nhập và thay đổi cho phù hợp. Văn hóa phương tây, kinh tế giàu mạnh như các nước phương tây nhưng khi ăn uống, tiếp khách họ cũng rất tiết kiệm. Khách đến nhà không tiếc gà vịt tiếp đón, nhưng cũng phải tính toán, cân đối hợp lý. Còn tiếp đón linh đình, mâm cao cỗ đầy trong khi chỉ ăn hết một phần nhỏ, có những món ăn không đụng đến thì quả rất lãng phí, khách thấy áy náy mà chủ nhà lại rất tốn kém.

Tiếu Sinh
Bình luận
Back To Top