Bước tiến trên lĩnh vực văn hóa - xã hội

09:24 - Thứ Sáu, 31/08/2018 Lượt xem: 10768 In bài viết
ĐBP - Trước khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Ðiện Biên gặp rất nhiều khó khăn, nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp độc canh, tự cấp, tự túc nên trong một thời gian dài, đói nghèo bủa vây cuộc sống của đồng bào các dân tộc. Cùng với đó, phần lớn nhân dân các dân tộc Ðiện Biên mù chữ, nhiều hủ tục, mê tín dị đoan còn tồn tại khiến cho đời sống càng thêm cơ cực. Từ ngày có ánh sáng soi đường của Ðảng, tiến hành cuộc cách mạng thần kỳ lập nên nước Việt Nam độc lập, cuộc sống người dân mảnh đất nơi cực Tây Bắc của Tổ quốc đã và đang thay da đổi thịt từng ngày. Không chỉ có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội của tỉnh cũng đang đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận.

 

Người dân xem và cổ vũ môn đi cà kheo dịp Lễ hội Hoa ban năm 2018.

Ðiều dễ dàng nhận thấy nhất là lĩnh vực giáo dục và đào tạo, mạng lưới trường, lớp tiếp tục được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động ổn định. Hệ thống cơ sở vật chất từng bước được hoàn thiện, giáo dục vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn được ưu tiên đầu tư phát triển. Tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đến trường tiếp tục tăng đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch giao. Kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tiếp tục duy trì vững chắc và từng bước nâng cao các chỉ số, tiêu chí đạt chuẩn theo quy định; chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên. Chỉ tính riêng trong năm học 2017 - 2018, tỷ lệ học sinh lên lớp cấp tiểu học đạt 99,8%, cấp THCS đạt 99,6%, cấp THPT đạt 98,5%; tỷ lệ hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99%; tỷ lệ được công nhận tốt nghiệp THCS đạt 99,6%; dự ước tốt nghiệp THPT đạt trên 97%. Bên cạnh đó, các hoạt động y tế, chương trình mục tiêu y tế - dân số được duy trì. Công tác chuẩn bị ứng phó với các tình huống khẩn cấp luôn được đảm bảo và sẵn sàng, chất lượng công tác khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế từng bước được nâng lên. Chính sách ưu việt trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đã giúp cho người nghèo, người dân tộc thiểu số ở các vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh từng bước tiếp cận với nền y học hiện đại. Trong 6 tháng đầu năm, tổng số lượt khám bệnh tại các cơ sở y tế trong toàn tỉnh ước đạt 497.600 lượt người; tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi ước tính còn 34,9%o (giảm 12,2%o so với cùng kỳ năm trước)… Những tín hiệu đó cho thấy, người dân đã được chăm sóc sức khỏe tốt hơn so với nhiều năm trước đây.

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức phong phú đa dạng, đáp ứng yêu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Các đơn vị trong ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập trung tổ chức các hoạt động quan trọng, điểm nhấn như: chào đón năm mới, kỷ niệm Ngày thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam, Lễ hội Hoa ban, Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Chiến thắng Ðiện Biên Phủ… Cùng với đó là việc duy trì hoạt động biểu diễn nghệ thuật phục vụ khách du lịch và nhân dân các dân tộc được tổ chức định kỳ vào tối thứ 7 hàng tuần tại sân hành lễ Tượng đài Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ; hoạt động giao lưu các câu lạc bộ bảo tồn văn hóa, văn nghệ dân tộc Thái… đã thu hút được đông đảo người dân tham gia và hưởng ứng, tạo không khí vui tươi, phấn khởi về sự đổi thay của quê hương, đất nước. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở cơ sở được tổ chức rộng khắp với nhiều hình thức phong phú đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần cho người dân. Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch trên địa bàn các huyện được quan tâm tổ chức đã tạo sân chơi cho nhân dân, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc. Không chỉ vậy, nhờ sự quan tâm đầu tư của các cấp, ngành, đến nay 100% gia đình trên toàn tỉnh xem được Ðài Truyền hình Việt Nam; 100% số hộ xem được đài truyền hình địa phương. Toàn tỉnh có 46/130 xã, phường, thị trấn có đài truyền thanh, giúp 100% gia đình nghe được Ðài Tiếng nói Việt Nam, 89% số hộ nghe được Ðài Phát thanh - Truyền hình của tỉnh. Truyền hình trả tiền trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển, nội dung chương trình phong phú với trên 200 kênh truyền hình tiêu chuẩn SD và HD.

Nếu như trước đây người dân còn chìm trong những hủ tục, mê tín thì nay đại bộ phận người dân lại là những thành viên tích cực trong việc hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Toàn tỉnh hiện có 83.347/121.935 hộ tự nguyện đăng ký xây dựng danh hiệu Gia đình văn hóa; 1.396/1.813 thôn, bản, tổ dân phố đăng ký đạt chuẩn văn hóa; 1.291/1.345 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đăng ký đạt chuẩn văn hóa”… Có thể thấy rằng, phong trào đã có được những tác động mạnh mẽ đến các lĩnh vực của đời sống xã hội: Chính trị ổn định, kinh tế phát triển, an ninh - quốc phòng được giữ vững.

Nhìn lại 73 năm dưới ngọn cờ cách mạng, với sự chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, mảnh đất Ðiện Biên đã có nhiều bước tiến vượt bậc về văn hóa - xã hội, góp phần không nhỏ vào những thành tựu chung trong công cuộc xây dựng quê hương thời kỳ đổi mới. Những thành tựu đó sẽ là tiền đề để Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục phấn đấu đưa Ðiện Biên ngày càng phát triển, sớm vươn lên sánh vai cùng các địa phương khác trong khu vực và trong cả nước.

Bài, ảnh: Hải Phong
Bình luận
Back To Top