Nặm Lịch từng bước chuyển mình

09:33 - Thứ Sáu, 31/08/2018 Lượt xem: 10750 In bài viết
ĐBP - Ông Vương Ðình Hoàng, Chủ tịch UBND xã Nặm Lịch (huyện Mường Ảng), cho biết: Nặm Lịch từng là xã khó khăn nhất huyện. Trước đây người dân chỉ biết trồng ngô, lúa nương theo phương thức canh tác thủ công truyền thống, và mùa vụ phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện tự nhiên, thì nay đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, giảm ngày công lao động, tăng năng suất và thu nhập gấp nhiều lần so với trước đây. Ngoài trồng các cây truyền thống, như: ngô, sắn, lúa nương, người dân xã Nặm Lịch đã chuyển sang canh tác những cây đem lại hiệu quả kinh tế cao, như: cà phê, lạc, đậu tương. Hiện, trên địa bàn xã trồng 54,8ha cà phê, trong đó 35,5ha đã cho thu hoạch, ước đạt sản lượng 106,5 tấn; diện tích trồng đậu tương 35ha và lạc là 8ha. Bên cạnh đó, người dân Nặm Lịch đã coi việc trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng như một giải pháp tối ưu trong công tác phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ðịa bàn xã không có việc người dân khai thác gỗ trái phép hoặc phá rừng làm nương.

 

Một góc bản Lịch Cang, xã Nặm Lịch.

Cũng theo ông Vương Ðình Hoàng, hiện xã đang quản lý gần 700ha rừng tự nhiên; 5,7ha rừng trồng; đặc biệt, Nặm Lịch là một trong những địa bàn thực hiện tốt công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Hiện tại, xã cơ bản trồng xong diện tích rừng đăng ký. Những năm qua, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo như: Chương trình 134, 135, 167... đã tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, góp phần cùng chính quyền địa phương củng cố hệ thống chính trị từ xã đến thôn, bản. Từ nguồn vốn Ngân hàng Thế giới (WB), xã đã đầu tư làm đường từ bản Lịch Cang vào bản Ten Muôn (dài 200m) và đường từ bản Huổi Lương về trung tâm xã (1km). Cùng với đó, tuyến đường từ trung tâm huyện vào xã Nặm Lịch được nâng cấp, rải nhựa, đã tạo điều kiện cho bà con đi lại, giao thương buôn bán nông sản, tiện lợi. Chất lượng cuộc sống người dân ngày càng được cải thiện.

Gia đình ông Cà Văn Diên, bản Lịch Cang là một trong những hộ tiên phong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ông Diên tâm sự: “Trước đây ngoài cấy gần 5.000m2 lúa nước, gia đình tôi còn trồng thêm ngô, sắn, nhưng cũng không đủ ăn. Nhận thấy trồng cà phê có giá trị kinh tế cao nên gia đình đã đầu tư mở rộng diện tích trên 2ha ca phê, kết hợp chăn nuôi trâu, bò sinh sản và hơn 300 con gà đồi; đồng thời chuyển đổi một phần diện tích cấy lúa sang trồng lạc, đậu tương, tạo nguồn thu nhập ổn định 100 triệu đồng/năm.

Còn ông Quàng Văn Tại, Trưởng bản Ít Nọi, xã Nặm Lịch thì cho biết: Người dân bản Ít Nọi ngoài trồng lúa nước để đảm bảo lương thực, hầu như gia đình nào cũng trồng cà phê, mía và các loại hoa màu để tăng thu nhập, sửa sang nhà cửa; chỗ nào đất xấu khó cải tạo thì trồng cỏ làm thức ăn cho cá và gia súc. Nhờ chịu khó tăng gia lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nên nhiều hộ đã có cuộc sống khá giả.

Nếu như trước đây 90% hộ dân trên địa bàn xã Nặm Lịch thuộc diện nghèo, thì nay con số này đã giảm xuống còn 54% (theo chuẩn nghèo đa chiều). Dù đang từng bước chuyển mình và đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng Nặm Lịch vẫn còn đó những khó khăn và thách thức. Hiện nay, với sự quyết tâm giảm nghèo bằng nội lực của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã, tin rằng trong thời gian không xa, Nặm Lịch sẽ đạt được nhiều hơn nữa những thành tựu về kinh tế, văn hóa - xã hội; chất lượng cuộc sống người dân tiếp tục được nâng lên, ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Bài, ảnh: Tú Anh
Bình luận
Back To Top