Cuộc sống mới dưới chân núi Pú Ðồn

10:03 - Thứ Sáu, 31/08/2018 Lượt xem: 10650 In bài viết
ĐBP - Nằm dưới chân núi Pú Ðồn cao 1.500m, xã Mường Phăng (huyện Ðiện Biên) được nhiều người biết đến bởi là nơi đặt Sở Chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ và gắn liền với tên tuổi Ðại tướng Võ Nguyên Giáp. Con đường từ quốc lộ 279 đến trung tâm xã xưa kia quanh co, gấp khúc, đầy bụi bặm và từng là nỗi ám ảnh của nhiều du khách miền xuôi khi muốn ghé thăm di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Vẫn con đường ấy, nay đã trở nên thơ mộng hơn khi đươc rải nhựa phẳng phiu, những khúc cua mở rộng ôm trọn lòng hồ Pá Khoang; thấp thoáng ven đường là những ngôi nhà sàn mái đỏ của đồng bào dân tộc Thái nằm vững chãi.

 

Bà con các dân tộc Mường Phăng vui chơi.

Trung tâm xã Mường Phăng hiện lên mang dáng dấp của một khu đô thị nhỏ miền núi, với nhà cửa, các công trình công cộng, hạ tầng giao thông, điện lưới, trường học, trạm y tế... đều được xây dựng kiên cố, khang trang, sạch đẹp. Tự hào chia sẻ với chúng tôi về những đổi thay của Mường Phăng, ông Mùa A Kềnh, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Cuộc sống bà con ở đây trước kia khổ lắm, nhắc đến thuật ngữ “làm kinh tế” ai cũng lạ lẫm nên khó khăn vô cùng. Mới chỉ vài năm trước thôi, hơn 1.000 hộ dân với gần 5.000 nhân khẩu còn phải lo ăn từng bữa, nhiều gia đình phải trộn cơm với ngô, sắn. Thế nhưng giờ thì không còn cảnh đứt bữa nữa rồi, bức tranh kinh tế ở Mường Phăng cũng đang dần sáng hơn”.

Cũng theo chia sẻ của ông Kềnh, kể từ ngày Mường Phăng được đưa vào khai thác du lịch lịch sử, cuộc sống của đồng bào nơi đây dần khởi sắc. Thống kê từ cơ quan quản lý, trung bình mỗi ngày Mường Phăng đón trên, dưới 100 khách tới tham quan, đặc biệt là vào mùa du lịch có ngày tiếp đón hàng nghìn lượt khách. Nắm bắt cơ hội này, người dân cũng đầu tư mở rộng kinh doanh các dịch vụ ăn uống, hàng lưu niệm... Dọc tuyến đường từ trung tâm xã vào khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ có tới vài chục hàng quán mọc lên phục vụ nhu cầu du khách. Nhờ vậy, những hộ dân này đã có thêm khoản thu nhập ổn định ngoài sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, bước chuyển mình rõ nét nhất mà ông Mùa A Kềnh nhận định là từ khi bắt tay vào triển khai xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống nhân dân được đầu tư đồng bộ hơn; các tuyến đường đấu nối về bản được bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con trong việc đi lại, giao thương. Ðến nay, xã Mường Phăng đã đạt 16/19 tiêu chí nông thôn mới; các tiêu chí còn lại (thu nhập người dân, tỷ lệ hộ nghèo, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật) đang được cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương nỗ lực hoàn thành. Mức sống người dân đã được cải thiện và đảm bảo hơn, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã hiện chỉ còn 17,87%; 91,32% lao động có việc làm thường xuyên, với mức thu nhập ổn định. Trên địa bàn mô hình kinh tế quy mô, với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Che Căn là bản văn hóa truyền thống của xã Mường Phăng. Ðây là nơi đang bảo tồn nhiều giá trị văn hóa của người Thái, như: Kiến trúc nhà sàn truyền thống, trang phục, tín ngưỡng, lễ hội, các nghề truyền thống (dệt thổ cẩm, đan lát...). Với những tiềm năng sẵn có này, trong định hướng phát triển kinh tế, bản Che Căn được chính quyền xã lựa chọn, nhân rộng để xây dựng thành bản du lịch cộng đồng, thu hút khách du lịch đến trải nghiệm và tham quan khi đến với Mường Phăng. Nhắc đến việc đưa trải nghiệm văn hóa vào phát triển du lịch, để thấy rằng, song song với phát triển kinh tế - xã hội, Mường Phăng vẫn luôn ý thức gìn giữ, và khuyến khích phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Có lẽ, ngoài những người dân bản địa, đang sống, chứng kiến và dựng xây mảnh đất này, thì cảm nhận rõ nét nhất sự đổi thay chính là những cựu chiến binh từng có mặt tại căn cứ địa Mường Phăng năm nào. “Những năm tháng lịch sử tôi vinh dự vì được có mặt tại đây. Từ ngày giải phóng, may mắn được 2 lần quay lại thì cả 2 lần tôi đều thấy bất ngờ. Nhìn bản làng khang trang hơn, đường đi lối lại rộng mở, thuận tiện hơn, tôi mừng lắm! Có lẽ, là vùng đất lịch sử nên Mường Phăng được đầu tư nhiều; và ngược lại, mảnh đất này cũng đang giúp người dân nơi đây thay đổi cuộc sống từ du lịch” - Cựu chiến binh Nguyễn Thế Vinh (Hà Nội) chia sẻ trong lần thứ 2 về thăm lại căn cứ Mường Phăng, mà theo ông sẽ là lần cuối vì sức khỏe đã yếu đi nhiều.

Với mục tiêu hỗ trợ phát triển du lịch khai thác thế mạnh đặc thù của khu di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, năm 2017, UBND tỉnh đã phê duyệt đầu tư gần 170 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp tuyến đường thứ 2 từ trung tâm TP. Ðiện Biên Phủ vào khu di tích Mường Phăng, với tổng chiều dài gần 18km. Theo dự án thì dọc tuyến đường này sẽ xây dựng 2 điểm dừng chân để du khách có thể nghỉ ngơi, ngắm cảnh. Còn nữa, theo định hướng thì cuối năm 2018 này, Mường Phăng sẽ cán đích nông thôn mới. Chúng tôi tin, với những nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, sự đồng lòng của nhân dân các dân tộc trong xã, khi giao thông được mở rộng thì sẽ là cầu nối thúc đẩy Mường Phăng đạt được những dự định trong tương lai không xa. Và những ngày tháng 8 lịch sử này, khi cả nước đang rộn rã các hoạt động kỷ niệm, thì mảnh đất Mường Phăng cũng bừng sáng lên dưới chân núi Pú Ðồn.

Bài, ảnh: Hà Linh
Bình luận
Back To Top