Ðể quy chế dân chủ ở cơ sở được phát huy

10:19 - Thứ Sáu, 31/08/2018 Lượt xem: 10963 In bài viết
ĐBP - Việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở thời gian qua đã phát huy được vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của người dân, động viên các tầng lớp nhân dân trong toàn tỉnh tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng trong sạch, vững mạnh.

 

Bà Giàng Thị Chống, người uy tín bản Lùng Thàng 2 (xã Huổi Mí, huyện Mường Chà) gặp gỡ người dân trong bản tuyên truyền, vận động việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Cấp ủy các cấp trong tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về xây dựng và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã gắn với việc quán triệt, triển khai thực hiện chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Ðảng, chính sách pháp luật Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; các chỉ thị, nghị quyết về công tác dân vận, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước... Từ đó nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức và nhân dân trong việc triển khai thực hiện. Coi đây là yếu tố quan trọng góp phần củng cố đoàn kết nội bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Ðảng, vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương. Tăng cường chỉ đạo việc bổ sung, sửa đổi các nội quy, quy chế ở các loại hình cơ sở; sửa đổi bổ sung các quy ước, hương ước ở thôn, bản, tổ dân phố cho phù hợp với tình hình ở cơ sở; đặc biệt ở những nơi đã và đang triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo”, các chương trình, dự án xây dựng nông thôn mới, để mỗi người dân đều thấy rõ trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong việc tham gia thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

Chính quyền các cấp cũng chú trọng chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở, quan tâm thực hành dân chủ, gắn với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng nếp sống văn minh đô thị; gắn thực hiện quy chế dân chủ với phát triển kinh tế - xã hội, cải cách hành chính, nhất là việc thực hiện cơ chế “Một cửa”, “Một cửa liên thông” tại các cơ quan, đơn vị; chú trọng đổi mới tác phong, lề lối làm việc, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức đối với người dân, doanh nghiệp.

Việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn được triển khai thực hiện với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, từng bước tổ chức để nhân dân họp bàn, thống nhất, quyết định về chủ trương và mức đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng trong phạm vi cấp xã, tổ dân phố, bản do nhân dân đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí và các công tác khác trong cộng đồng dân cư phù hợp với quy định của pháp luật. Việc xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước thôn, bản, tổ dân phố ngày càng phát huy hiệu quả trong xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư. Công tác cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “Một cửa” được các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt. Các thủ tục hành chính, các khoản phí, lệ phí được công khai ngay tại bộ phận “Một cửa” và bố trí ở nơi người dân dễ quan sát; các thủ tục hành chính được giải quyết kịp thời. Ðến nay, 130/130 xã, phường, thị trấn đã triển khai cơ chế “Một cửa”; 129/130 xã, phường, thị trấn tổ chức Hội nghị trao đổi, đối thoại giữa UBND cấp xã với người dân.

Việc tổ chức đối thoại trực tiếp của chính quyền với nhân dân thông qua hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng; hoạt động giám sát của đại biểu HÐND, qua tiếp xúc cử tri; giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân đã tập trung giải quyết, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là những vấn đề bức xúc trong nhân dân. Qua đó mối quan hệ giữa chính quyền với nhân dân chặt chẽ hơn, công tác quản lý nhà nước đi vào nền nếp, đúng pháp luật. Ðến nay 130/130 xã, phường, thị trấn có ban thanh tra nhân dân với 1.288 thành viên, trong đó 61 ban thanh tra nhân dân có đủ điều kiện đảm bảo được nhiệm vụ của ban giám sát đầu tư cộng đồng; thành lập 117 ban giám sát đầu tư của cộng đồng với 1.070 ủy viên. Trong 6 tháng đầu năm 2018, các ban thanh tra nhân dân đã tổ chức 49 cuộc giám sát, kiến nghị xử lý 25 vụ việc; ban giám sát đầu tư cộng đồng thực hiện 67 cuộc giám sát, kiến nghị xử lý 25 vụ việc... Quyền làm chủ của nhân dân trong tham gia xây dựng Ðảng, chính quyền; tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh được phát huy, qua đó đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng tham gia, nhằm nâng cao đời sống, vật chất và tinh thần cho nhân dân với phương châm “dân hiểu, dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ”. Nhờ đó đến nay đã có 5/116 xã trong toàn tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới; 7/14 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 16/116 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới từ 15 - 19 tiêu chí… đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao.

Bài, ảnh: Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top