Người lao động phải nghiêm túc lựa chọn

08:35 - Thứ Năm, 06/09/2018 Lượt xem: 12655 In bài viết

ĐBP - Thực tế hiện nay, việc lựa chọn ngành, nghề, trường của học sinh, định hướng của phụ huynh học sinh còn thiếu thực tế; dẫn đến tình trạng mất thời gian, tiền của để có được tấm bằng mà không xin được việc, hoặc phải làm những công việc không đúng chuyên môn được đào tạo...

Trong những chuyến công tác về các huyện chúng tôi gặp khá nhiều thanh niên bỏ ra 4 năm miệt mài đèn sách với biết bao dự định, hoài bão ấp ủ để có tấm bằng đại học trong tay. Nhưng tốt nghiệp đại học rồi lại phải chạy đôn chạy đáo, thậm chí chấp nhận xa gia đình, xa quê hương đến vùng xa xôi, biên giới làm bất cứ việc gì miễn tự nuôi được bản thân, lo cho gia đình và trả nợ vay ăn học suốt mấy năm.

 

Tiết học thực hành của học viên Trường Cao đẳng Nghề Ðiện Biên.

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Ðiện Biên, chuyên ngành sư phạm Ngữ văn với tấm bằng loại khá, bạn Nguyễn Thị Ngọc, xã Thanh Xương (huyện Ðiện Biên) chia sẻ: Tốt nghiệp năm 2014, em mang hồ sơ đi xin việc khắp nơi suốt 2 năm, thậm chí nộp hồ sơ vào những huyện xa xôi, khó khăn nhất như Mường Nhé, Nậm Pồ nhưng cũng không xin được việc. Chán cảnh “ăn không ngồi rồi”, em xin vào làm nhân viên bán hàng tại Siêu thị Hoa Ba được hơn 1 năm thì nghỉ hẳn vì sinh em bé không thể đi bán hàng thường xuyên được. Hiện nay, để đảm bảo cuộc sống gia đình, em bán hàng online các mặt hàng từ mỹ phẩm đến nông sản, trừ chi phí thu nhập cũng được từ 3,5 - 4 triệu đồng/tháng. Nghĩ mà tiếc công đèn sách bao nhiêu năm, em không bao giờ nghĩ mình đi học rồi làm nghề này để sống.

Cùng chung cảnh ngộ với bạn Nguyễn Thị Ngọc là Giàng A Sở, xã Nà Bủng (huyện Nậm Pồ) tốt nghiệp Khoa Giáo dục chính trị Trường Ðại học Tây Bắc năm 2016, nhưng hiện nay vẫn chưa xin được việc; để có tiền lo cho bản thân và phụ giúp cha mẹ nuôi các em ăn học ,Sở phải xuống Hà Nội làm công nhân bốc vác cho xưởng sản xuất giấy với thu nhập 5 triệu đồng/tháng.

Ðây chỉ là 2 trong số hàng nghìn sinh viên trên địa bàn tỉnh ra trường chưa xin được việc, phải làm trái nghề đào tạo. Kinh tế khó khăn, nhiều gia đình có con đi học phải thắt lưng buộc bụng, vay mượn cho con ăn học; nhưng nỗi thất vọng lại nhân đôi khi con ra trường không tìm được việc làm hoặc làm việc khác với ngành đã học.

Không phải cứ học đại học và học những trường danh tiếng là có tương lai tốt, có việc làm, lương cao, thành đạt. Như trường hợp của em Tòng Văn Ngọc, xã Thanh Xương (huyện Ðiện Biên) dù chỉ học nghề nhưng trong thời gian ngắn nhưng Ngọc đã có thu nhập tương đối ổn định, có thể tự nuôi bản thân. Ngọc chia sẻ: Năm 2014 em tốt nghiệp cấp 3 với học lực khá nhưng e không đăng ký thi đại học bởi em nghĩ, với học lực của mình thi vào các trường như: công an, quân đội, bác sĩ… thì sẽ khó đỗ vì điểm rất cao; còn thi vào các trường tốp trung bình thì cơ hội đỗ cao nhưng ra trường rất khó xin việc; vì thế em quyết định nộp hồ sơ vào Trường Cao đẳng Nghề Ðiện Biên. Năm 2017, em tốt nghiệp khoa Công nghệ ô tô và xin vào làm ở Ga ra ô tô Bình An (TP. Ðiện Biên Phủ). Mới đi làm tay nghề chưa vững nên em được 4,5 triệu đồng/tháng; còn những người làm lâu năm, tay nghề vững lương lên tới 20 triệu đồng/tháng.

Nguyên nhân tình trạng thiếu việc làm theo đánh giá của cơ quan chức năng có nhiều. Song trong đó tâm lý muốn học đại học, muốn làm “thầy”, muốn có công việc nhẹ nhàng là một trong những nguyên nhân còn khá phổ biến ở cả học sinh, phụ huynh. Ðây là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, gây lãng phí nguồn lao động đã qua đào tạo như hiện nay. Trong khi đó, đất nước ta đang trong thời kỳ công nghiệp hóa, có nhu cầu lớn về lao động đã qua đào tạo tay nghề cao, chuyên môn giỏi, thuộc các lĩnh vực: Kỹ thuật điện, điện tử, điện gia dụng, cơ khí, công nghệ ô tô, xây dựng dân dụng và công nghiệp… Ở những lĩnh vực này, cơ hội có việc làm, thu nhập ổn định cao hơn nhiều. Ðể tránh tình trạng tốn công, tốn của học rồi lại phải giấu bằng đại học để xin làm công nhân... vấn đề giáo dục hướng nghiệp cần phải được thực hiện tốt hơn. Song, quan trọng nhất là mỗi học sinh, người lao động cần phải tự trang bị cho mình kiến thức, nghiêm túc tìm hiểu, lựa chọn ngành nghề sao cho phù hợp với năng lực bản thân, điều kiện kinh tế gia đình, nhu cầu lao động xã hội để có một tương lai tốt đẹp, ổn định hơn.
Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top