Nhiều giải pháp công nghệ giảm nhẹ thiên tai

14:56 - Thứ Tư, 12/09/2018 Lượt xem: 9427 In bài viết
Biến đổi khí hậu khiến thiên tai ngày càng cực đoan, dị thường gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Để giảm nhẹ thiệt hại, việc chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai bằng khoa học công nghệ được coi là giải pháp quan trọng và đang được các cấp, ngành triển khai tích cực.

Từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn toàn quốc đã xuất hiện 14 loại hình thiên tai, lấy đi sinh mạng của hơn 90 người và hơn 20 người mất tích, tổng thiệt hại về vật chất ước tính khoảng 5.000 tỷ đồng. Để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn nghiên cứu các giải pháp khoa học công nghệ để chủ động phòng ngừa, ứng phó… Tại Hà Nội, thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chủ động ứng dụng các giải pháp thi công, vật liệu mới trong xử lý sự cố đê điều, công trình thủy lợi, như: Khoan phụt vữa bê tông gia cố thân đê; gia cố mái đê bằng ô ngăn hình mạng Neoweb cho đê tả Đuống, đoạn thuộc địa bàn huyện Gia Lâm; lắp đặt hệ thống camera giám sát vị trí đê điều trọng điểm, xung yếu; sử dụng tổ hợp phương pháp địa vật lý để phát hiện ẩn họa trong thân đê… 

 

Kè đê tả Bùi, đoạn qua huyện Chương Mỹ bằng khung bê tông cốt thép chèn đá.

TP Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ NN&PTNT nghiên cứu giải pháp bảo đảm an toàn hệ thống đê chống lũ trên các tuyến sông; xây dựng mô hình nhà ở, cơ sở hạ tầng thích ứng, bảo đảm sinh kế cho nhân dân vùng thường xuyên bị ngập úng do ảnh hưởng của lũ rừng ngang từ tỉnh Hòa Bình dồn về…

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Trường Sơn cho biết: Thời gian qua, Tổng cục đã nghiên cứu và đưa nhiều loại vật liệu, công nghệ mới vào thi công các công trình phòng, chống lũ; trong đó, nổi bật là sử dụng rộng rãi các sản phẩm vải địa kỹ thuật dưới dạng tầng lọc hoặc thảm túi bê tông, thảm túi cát, các loại kè mỏ hàn có kết cấu hoàn lưu đảo chiều, cọc ống bê tông cốt thép, kè chữ G ngắt quãng... Bên cạnh đó, Tổng cục Phòng, chống thiên tai phối hợp với cơ quan Hợp tác phát triển Đức (GIZ) áp dụng thành công giải pháp bảo vệ và phục hồi rừng ngập mặn tại tỉnh Sóc Trăng; phối hợp với các đối tác của Nhật Bản triển khai thí điểm công nghệ đập ngăn bùn đá tại một số tỉnh miền núi phía Bắc... 

Tổng cục Phòng, chống thiên tai cũng phối hợp với các doanh nghiệp khoa học trong nước xây dựng mô hình nhà ở bằng bê tông lắp ráp có khả năng tăng tính chịu gió, chống tốc mái do dông lốc; nâng cao độ đê bao, bờ bao chống ngập lụt tạm thời bằng công nghệ đê mềm; nghiên cứu và ứng dụng thành công công nghệ đổ bê tông dưới nước, cải tiến kết cấu và biện pháp thi công khối đá đổ hộ chân đê…

Thời gian tới, Tổng cục Phòng, chống thiên tai tiếp tục nghiên cứu, áp dụng các giải pháp công trình và phi công trình trong cảnh báo giảm nhẹ thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi; nghiên cứu xây dựng các phương án ứng phó khẩn cấp với tình huống lũ lớn và sự cố vỡ đập trên các lưu vực sông Bắc Bộ và Trung Bộ; nghiên cứu các giải pháp công nghệ hỗ trợ chuyển đổi sinh kế để chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; ứng dụng công nghệ thực tế ảo trong xây dựng các bộ công cụ hỗ trợ điều hành ứng phó khẩn cấp với thiên tai...

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trường Sơn, nguồn kinh phí đầu tư cho công tác phòng ngừa và hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai còn rất thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu của các địa phương. Kinh phí từ ngân sách nhà nước mới dừng ở mức xử lý tình huống, chưa căn cơ lâu dài. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường nguồn đầu tư và dự phòng ngân sách, huy động sự tham gia của doanh nghiệp khoa học công nghệ và cộng đồng, đẩy mạnh công tác xã hội hóa để tăng nguồn lực đầu tư, có cơ chế bảo đảm nguồn kinh phí duy tu bảo dưỡng thường xuyên các công trình phòng, chống thiên tai và bảo đảm tái thiết tốt hơn sau thiên tai...

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top