Tăng trưởng xanh để phát triển bền vững

09:03 - Thứ Năm, 13/09/2018 Lượt xem: 10993 In bài viết

ĐBP - Chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng của tỉnh trong việc thực hiện Nghị quyết số 24 - NQ/TW, ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XI về chủ trương ứng phó với biến đổi khí hậu (BÐKH), tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; chủ động ứng phó với BÐKH. Với nhiều giải pháp thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều mô hình đem lại hiệu quả, từng bước khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên.

 

Thanh niên Ðoàn Dân chính Ðảng tỉnh phối hợp với đơn vị chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật trồng ngô trên đất dốc cho thanh niên nông thôn xã Quài Nưa (huyện Tuần Giáo).

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, các cấp, ngành, địa phương đã chủ động tuyên truyền sâu rộng, kịp thời các chủ trương, chính sách, thông tin về môi trường và BÐKH đến cán bộ, đảng viên và người dân. Với đặc thù của tỉnh, Ðiện Biên đã và đang triển khai thực hiện một số nội dung về tăng trưởng gắn với cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững bằng những chương trình, hành động cụ thể, thiết thực. Rà soát công tác quy hoạch phát triển gắn quan điểm tăng trưởng xanh; rà soát quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, đặc biệt những ngành có tác động nhiều tới tài nguyên, môi trường, có hiệu quả sử dụng vốn và tài nguyên không cao để xác định yêu cầu xanh hóa sản xuất, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, kiểm soát ô nhiễm và quản lý chất thải có hiệu quả vào các quy hoạch hiện có và quy hoạch mới. Ðẩy nhanh tiến độ các dự án trồng rừng, tái trồng rừng, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào trồng rừng kinh tế để nâng tỷ lệ che phủ rừng, nâng cao chất lượng rừng, tăng khả năng hấp thụ khí CO2 của rừng, tăng sinh khối để tăng tích trữ các bon và đảm bảo cung cấp gỗ cho sản xuất và tiêu dùng; phát triển rừng trên đất trống đồi núi trọc. Nghiên cứu xây dựng, thực hiện các chương trình về giảm phát thải khí nhà kính thông qua những nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng; quản lý rừng bền vững, kết hợp với duy trì và đa dạng hóa sinh kế dân cư các vùng, địa phương, hỗ trợ thích ứng với BÐKH nhằm bảo tồn, phát triển bền vững rừng và các hệ sinh thái tự nhiên. Từ năm 2017 đến nay, các địa phương trong toàn tỉnh đã trồng mới hơn 2.073ha rừng (trong đó, gần 98ha rừng phòng hộ; hơn 25ha trồng rừng thay thế; trên 1.950ha rừng sản xuất); trồng 498.260 cây phân tán; bảo vệ hơn 372.177,7ha rừng hiện có; khoán khoanh nuôi tái sinh tự nhiên 7.688ha… Cơ bản hoàn thành dự án rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ðây là cơ sở để tổ chức quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng, đất rừng, phát triển rừng bền vững, thích ứng với BÐKH và làm cơ sở để quy hoạch phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, tạo điều kiện cho người dân ổn định đầu tư phát triển sản xuất, góp phần nâng cao đời sống người dân, giảm áp lực vào rừng.

Việc sử dụng đất tiết kiệm, hợp lý có hiệu quả kết hợp bảo vệ diện tích, độ phì nhiêu của đất canh tác nông nghiệp đã từng bước khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ trong sử dụng đất trên địa bàn thời gian qua. Phát huy được nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, đảm bảo Nhà nước quản lý và sử dụng đất tiết kiệm, khai thác hợp lý, có hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên đất đai, bảo vệ môi trường. Qua đó phát triển thế mạnh riêng cho từng vùng sản xuất, như trồng cây cao su ở các huyện: Ðiện Biên, Mường Chà, Tuần Giáo, Mường Nhé; cây cà phê ở Mường Ảng; nhân rộng cây mắc ca trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ, Tuần Giáo, Mường Chà, Nậm Pồ, Mường Ảng, Ðiện Biên và Ðiện Biên Ðông…

Ông Hà Văn Quân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Nhiều giải pháp bảo vệ, phòng chống sa mạc hóa, thoái hóa đất canh tác nông nghiệp, đảm bảo diện tích đất cho phát triển rừng đã được thực hiện. Trong đó, ngành chú trọng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, chủ yếu là những diện tích không chủ động nước, diện tích bị ảnh hưởng bởi thiên tai mưa lũ không thể gieo cấy lại phải chuyển đổi hoặc trên diện tích bãi tưới công trình thủy lợi bị ảnh hưởng không đảm bảo được nước tưới. Từ năm 2015 đến nay, các địa phương trong toàn tỉnh đã chuyển đổi hơn 422ha sang trồng ngô, màu, cây ăn quả và các loại cây có giá trị khác. Cùng với đó, nhiều giải pháp kịp thời nhằm ứng phó với BÐKH trên cả hai phương diện giảm nhẹ và thích ứng BÐKH được ngành chủ động thực hiện. Chú trọng tuyên truyền, đào tạo nâng cao nhận thức cho người dân trong sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp, năng suất cao; sử dụng tài nguyên rừng, nước, đất tiết kiệm, hiệu quả. Các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa được chú trọng thực hiện thông qua việc thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Trên cánh đồng Mường Thanh cùng với việc hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thâm canh tăng năng suất, sản lượng lương thực trên đơn vị sản xuất; việc đẩy mạnh các mô hình nông dân liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã (Công ty TNHH Giống Nông nghiệp Trường Hương - Ðiện Biên; Hợp tác xã Công nghệ cao bản Mé, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh Yên) để thực hiện mô hình cánh đồng lớn. Từ đó đẩy mạnh liên kết trong quá trình sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm mở hướng phát triển bền vững, tăng thu nhập cho nông dân và bảo vệ môi trường sinh thái thông qua việc giảm các chi phí “đầu vào” (sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón…).
Minh Thùy
Bình luận
Back To Top