Phát triển văn hóa đọc ở vùng dân tộc thiểu số

09:06 - Thứ Sáu, 14/09/2018 Lượt xem: 12400 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, cùng với nhiều chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, việc chăm lo đời sống văn hoá tinh thần, nâng cao dân trí cho đồng bào dân tộc thiểu số đã được Ðảng, Nhà nước và các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương rất chú trọng. Từ năm 1991, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định cấp phát miễn phí 5 ấn phẩm báo in cho các địa phương vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Ðến năm 2006, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định 975/QÐ-TTg, với 24 ấn phẩm của 19 cơ quan báo chí được cấp miễn phí; đối tượng hưởng lợi từ chính sách này cũng được mở rộng hơn. Thông qua đó tạo điều kiện cho đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số các vùng khó khăn tiếp cận với sách báo, phát triển văn hóa đọc, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở các khu vực này.

 

Trẻ em dân tộc thiểu số huyện Ðiện Biên Ðông đọc sách ở thư viện di động tại trường học.

Tại tỉnh Ðiện Biên, không thể phủ nhận chính sách trên đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao trình độ, nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số các vùng khó khăn. Thông qua đọc sách báo, nhiều chính sách, pháp luật của Ðảng, Nhà nước, cũng như các mô hình phát triển sản xuất hay đã đến gần hơn với đồng bào, song trên thực tế vẫn còn nhiều hạn chế. Ðể có tầm nhìn và giải pháp chiến lược cho định hướng này, năm 2017 tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Ðề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên. Với mục tiêu hướng đến là từng bước hình thành thói quen, sở thích, kỹ năng đọc nhằm xây dựng và phát triển phong trào đọc trong nhân dân, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên, chú trọng tới người dân vùng nông thôn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn.

Ðể thúc đẩy quá trình đưa sách đến vùng sâu, vùng xa không thể không kể đến vai trò của hệ thống thư viện. Thời gian gần đây, các dịch vụ thư viện đã được đổi mới đa dạng hóa; hệ thống thư viện lưu động tại các địa phương, trường học, khu dân cư, nhất là ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được mở rộng; phát huy hiệu quả phối hợp, liên kết giữa các thư viện với trung tâm văn hóa, thể thao, trung tâm học tập cộng đồng, điểm bưu điện - văn hóa xã... Ðặc biệt, hệ thống thư viện của các cơ sở giáo dục và đào tạo, các phòng đọc, tủ sách cơ sở của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể ở địa phương đã dần đi vào ổn định và phát huy hiệu quả. Ðể có nguồn sách dồi dào, thu hút người dân đến đọc, năm 2018 Thư viện tỉnh đã nhập 4.400 bản sách mới, bổ sung vào hệ thống thư viện lưu động; cấp trên 2.300 thẻ phục vụ bạn đọc; luân chuyển hơn 325.000 lượt sách nhằm đáp ứng nhu cầu đọc ở các địa phương.

Ðặc biệt, tháng 4/2018, sau khi tiếp nhận xe ô tô Thư viện lưu động đa phương tiện do Tập đoàn VinGroup tài trợ, Thư viện tỉnh đã xây dựng và triển khai phục vụ thư viện lưu động tới các điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng trên địa bàn. Với việc trung bình mỗi tháng thư viện lưu động sẽ triển khai phục vụ sách báo và thông tin lưu động tới 1 điểm, đã thu hút hàng nghìn lượt người tới tham gia đọc sách và truy cập thông tin trên internet.

Tuy nhiên, qua ghi nhận, số lượng bạn đọc là đồng bào dân tộc thiểu số, ở các khu vực vùng sâu, vùng xa hiện nay có phần hạn chế. Trong đó, ngoài việc bà con chưa có nhận thức đúng đắn về vai trò của đọc sách, thì còn một nguyên nhân khác đó là sách chưa đáp ứng được nhu cầu. Lượng sách mặc dù đã được bổ sung, song chưa thực sự phù hợp; các kiến thức sản xuất cho bà con còn ít…

Ðề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng được tỉnh xây dựng đã xác định đến năm 2020 phấn đấu 70% học sinh, sinh viên và người học khác tại các cơ sở giáo dục được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại các thư viện công cộng, thư viện của các cơ sở giáo dục, văn hóa, khoa học; 15 - 20% người dân ở khu vực nông thôn, 10 - 15% người dân ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức và các dịch vụ liên quan tại các thư viện công cộng, trung tâm học tập cộng đồng, điểm bưu điện - văn hóa xã tại cơ sở. Tuy nhiên, để những con số này đi vào thực chất, và việc đọc sách mang lại hiệu quả thiết thực, thì các mục tiêu phấn đấu liên quan, như: 100% cơ sở giáo dục ở các bậc, cấp học có thư viện, với vốn tài liệu phù hợp; 90% thư viện công cộng có vốn tài liệu tổng hợp đủ khả năng phục vụ cho mọi đối tượng; 80% thư viện của các viện, trung tâm nghiên cứu khoa học có đủ vốn tài liệu chuyên sâu… cần phải được đặc biệt xem trọng. Ðể làm được điều đó, không chỉ cần sự vào cuộc đồng bộ, mà hơn nữa đó là cái nhìn và hướng đi mang tính đột phá.

Bài, ảnh: Hà Linh
Bình luận
Back To Top