Tạo cơ hội cho người hoàn lương

09:42 - Thứ Hai, 17/09/2018 Lượt xem: 11447 In bài viết

ĐBP - Người mới được tha tù với hai bàn tay trắng luôn có tâm lý mặc cảm, muốn trở lại cuộc sống lương thiện không phải là điều dễ dàng. Thấu hiểu tình cảnh éo le của những người mới mãn hạn tù, Công an tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Quỹ Hoàn lương, từ nguồn kinh phí của UBND tỉnh, Công an tỉnh và nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân đóng góp. Nhờ quỹ này, nhiều người từng một thời lầm lỡ được vay vốn ưu đãi để làm ăn, thoát nghèo, có cuộc sống ổn định và vươn lên làm giàu trên chính quê hương mình.

 

Công an huyện Ðiện Biên Ðông thăm, động viên gia đình ông Giàng A Khứ.

Ông Giàng A Khứ (sinh năm 1969), bản Tìa Mùng A, xã Noong U (huyện Ðiện Biên Ðông) bồi hồi nhớ lại: Trước đây do không chí thú làm ăn, mong muốn giàu có nhanh chóng, bị một số bạn bè xấu lôi kéo, rủ rê, ông đã theo họ buôn ma túy. Năm 2001, ông bị Công an huyện Ðiện Biên Ðông bắt giữ và bị Tòa án Nhân dân tỉnh xét xử, tuyên phạt 20 năm tù giam. Nhận thức được lỗi lầm, quyết tâm sửa chữa, trong thời gian cải tạo ông luôn cố gắng cải tạo thật tốt để sớm được trở về với gia đình, xã hội. Bằng sự nỗ lực, cố gắng của mình, ông được Ðảng, Nhà nước khoan hồng xét giảm án tha tù trước thời hạn 6 năm 3 tháng. Trở về nhà với hai bàn tay trắng, không nghề nghiệp, không tài sản, ông chịu khó làm ăn nhưng cũng chỉ bữa no, bữa đói. Thế rồi, tin vui đến với gia đình ông Khứ, ông được Công an huyện xét cho vay vốn từ Quỹ Hoàn lương 20 triệu đồng để đầu tư sản xuất. Ðược vay vốn, ông mua 1 con bò giống và đào ao thả cá, khai hoang ruộng trồng lúa nước, phát nương trồng sắn, làm kinh tế theo mô hình VAC. Ðến nay trang trại của ông đã có 3 con bò, 1.000m2 ao cá, 1.000m2 ruộng nước, thu nhập trên 50 triệu đồng/năm. Gia đình ông đã thoát nghèo, con cái được học hành tử tế.

Hay như chị Quàng Thị Xôm (sinh năm 1984), bản Huổi Tao C, xã Pú Nhi (huyện Ðiện Biên Ðông) cũng vướng vào vòng lao lý vì buôn bán ma túy. Năm 2011, chị Quàng Thị Xôm bị tuyên phạt 7 năm tù giam. Khi đang chấp hành cải tạo tại Trại giam Thanh Xuân (Hà Nội) được 1 năm thì nhận được tin chồng chết vì nghiện ma túy, đau đớn hơn là căn nhà xây khang trang bề thế cùng toàn bộ tài sản gia đình đã bị chồng chị bán và bay theo làn khói trắng, đứa con gái duy nhất của chị phải tá túc những người hàng xóm, người thân chờ mẹ về. Năm 2017, chị Xôm được ra tù. Cuộc sống vô cùng khó khăn vì nhà không còn, việc làm không có. Biết hoàn cảnh khó khăn của chị, chính quyền địa phương đã cho chị mượn đất để canh tác hoa màu, Công an huyện xét duyệt cho chị vay 20 triệu đồng từ Quỹ Hoàn lương. Từ số tiền đó chị cất 1 căn nhà nhỏ để đón con gái về chăm sóc, số tiền còn lại chị đầu tư mua 1 con trâu, vài con dê và gia cầm về làm giống. Giờ đây, đàn gia súc, gia cầm phát triển tốt, cuộc sống của chị bớt khó khăn hơn.

Ðiện Biên Ðông là một trong những địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT của tỉnh, nhất là tội phạm về ma túy. Theo thống kê, hiện nay toàn huyện có 456 người mãn hạn tù, người từ các trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục và các trung tâm cai nghiện trở về địa phương và hàng năm tiếp nhận khoảng gần 50 người, trong số này, tỷ lệ tái phạm tội khá cao, một phần là do không có việc làm, nên dễ mặc cảm dẫn tới “ngựa quen đường cũ”. Thế nhưng, từ khi Quỹ Hoàn lương của tỉnh ra đời, nhiều người mãn hạn tù đã được vay vốn, tái hòa nhập cộng đồng và vươn lên làm giàu. Từ năm 2016 đến nay, Công an huyện Ðiện Biên Ðông đã xét duyệt cho 7 đối tượng vay, mỗi người 20 triệu đồng từ Quỹ Hoàn lương. Qua theo dõi việc sử dụng vốn, những người được vay vốn đã sử dụng đúng mục đích, làm ăn hiệu quả, ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng, hoàn vốn theo đúng hợp đồng. Nhiều người sau đó còn tự nguyện và là nhân tố tích cực tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Ðể việc cho vay vốn được đúng đối tượng, bảo đảm tính khách quan, minh bạch và phát huy hiệu quả của đồng vốn, lực lượng công an phối hợp chặt chẽ với chính quyền trong việc rà soát, xem xét năng lực và nhu cầu thực sự của các trường hợp vay vốn.

Quỹ Hoàn lương là một hoạt động nhân đạo nhằm hỗ trợ, giúp người hoàn lương có điều kiện phát triển sản xuất, tránh mặc cảm, tạo điều kiện cho người lầm lỡ sớm tái hòa nhập cộng đồng. Với ý nghĩa nhân văn đó và để duy trì nguồn quỹ giúp thêm nhiều trường hợp nữa, Ban Quản lý Quỹ cần tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đóng góp nhằm tăng thêm nguồn quỹ để nhiều người hoàn lương được tiếp cận và được hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế, vươn lên.

Bài, ảnh: Trường Long (Công an tỉnh)
Bình luận
Back To Top