Bát gạo nghĩa tình biên giới

08:56 - Thứ Năm, 20/09/2018 Lượt xem: 10838 In bài viết
ĐBP - Mỗi bữa ăn, bớt 1 bát gạo. Mỗi ngày 3 bữa, đều đặn 3 bát gạo được bớt lại. Cứ thế, “Hũ gạo chiến sĩ” của Ðồn Biên phòng Mường Nhé ngày một đầy thêm. Những bát gạo được các anh san sẻ mỗi ngày từ khẩu phần ăn của mình đã và đang giúp nhiều gia đình nghèo khó nơi biên giới thêm những bữa cơm no...

Ðã nhiều năm nay, đều đặn vào ngày 25 hàng tháng, hành trang mang theo xuống cơ sở của cán bộ, chiến sĩ Ðội Vận động quần chúng (Ðồn Biên phòng Mường Nhé) là bao gạo 30kg. Ðây là thành quả tiết kiệm được từ khẩu phần ăn của anh em trong đơn vị trong suốt 1 tháng. Lần này, đến lượt gia đình bà Cháng Thị Bựa nhận gạo.

 

Cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Mường Nhé chắt gạo từ “Hũ gạo chiến sĩ” mang tặng hộ nghèo.

Hoàn cảnh của bà Bựa, cả bản Nậm Pố 2, xã Mường Nhé chẳng ai là không biết. Ai cũng cám cảnh thay, nhưng vì đều nghèo khó nên không giúp đỡ được gì nhiều. Bà Bựa sống đơn thân trong túp lều cheo leo, cách Ðồn Biên phòng Mường Nhé chừng 4km. Một mình thân già, sớm hôm lọ mọ, lại thường xuyên đau yếu nên việc tự lao động nuôi thân là thách thức lớn. Bà sống chủ yếu dựa vào sự giúp đỡ, đùm bọc của mọi người xung quanh. Với bà, ơn nghĩa của cán bộ, chiến sĩ Biên phòng Mường Nhé suốt đời này chẳng thể nào quên.

Vì là lịch “đến hẹn lại lên” nên từ sáng sớm bà Bựa đã chờ sẵn ở nhà. Vừa thấp thoáng thấy bóng dáng màu xanh áo lính từ xa, bà Bựa đã phấn khởi chạy vội ra cổng vẫy tay cười rạng ngời, như một cách thay cho lời chào. Tay bắt mặt mừng, bà mừng như lâu ngày gặp lại con cháu. Trong căn lán nhỏ liêu xiêu chắp vá bằng tấm tôn hoen gỉ và vải bạt, bà vui mừng nắm chặt tay thiếu úy Vũ Ðức Toàn, Ðội trưởng Ðội Vận động quần chúng (Ðồn Biên phòng Mường Nhé). Vì bị câm điếc bẩm sinh nên đó là hành động để bà thể hiện tình cảm và nỗi lòng với những người con biên phòng mà bà trân quý. Nhìn hình ảnh gần gũi, ân cần đáp lại của những người lính, chúng tôi hiểu không đâu xa, ngay chính nơi đây câu nói “quân với dân như cá với nước” không còn là khẩu hiệu.

Cùng đi với cán bộ biên phòng ngày hôm đó còn có ông Hạng A Nếnh, Trưởng bản Nậm Pố 2. Ðã 5 lần chứng kiến bà Bựa nhận gạo cán bộ biên phòng tặng, lần nào ông Nếnh cũng xúc động trước những tình cảm thân thiết ấy. “Bà Bựa là một trong số những hộ nghèo của bản, hoàn cảnh cực kỳ éo le. Vì già yếu chẳng làm được gì nên phải sống dựa vào sự giúp đỡ của những người xung quanh. Số gạo cán bộ biên phòng tặng tuy không lớn, nhưng lại giúp những người già như bà sống qua những tháng ngày đầy cơ cực. Từ ngày được nhận gạo, nồi cơm mỗi ngày của bà Bựa đã không còn phải độn ngô, độn sắn” - ông Nếnh tâm sự.

Một căn nhà khác và một hoàn cảnh éo le khác tuy chưa tới lịch nhận gạo đợt này, song cũng được cán bộ, chiến sĩ Biên phòng Mường Nhé tới thăm hỏi, đó là bà Mào Thị Én, bản Phiêng Kham, xã Mường Nhé. Ðã hàng chục năm nay bà Én ở một mình, vì tuổi cao, sức yếu lại bị dị tật ở chân nên không thể lao động sản xuất. Mỗi khi trái gió, trở trời, toàn thân đau nhức, không thể đi lại. Trong căn nhà không có thứ gì giá trị, bên nồi cơm trắng nấu dở bằng gạo cán bộ, chiến sĩ biên phòng tặng tháng trước, bà Én tâm sự: “Tôi chẳng còn sống được là bao, sức khỏe không còn, không làm lụng được để nuôi thân nên nghĩ cũng tủi lắm. Nếu không được mọi người xung quanh giúp đỡ, nhất là các cháu biên phòng thì chẳng biết sống sao”.

Bà Bựa, bà Én chỉ là 2 trong số 8 trường hợp được nhận gạo từ “Hũ gạo chiến sĩ” của Ðồn Biên phòng Mường Nhé. Chẳng riêng 2 bà, cả 8 trường hợp đều có hoàn cảnh khó khăn và éo le như nhau. Có lẽ, cũng chính vì vậy nên họ càng hiểu và trân trọng những hạt gạo được trao tặng. Vì là xã biên giới của huyện biên giới khó khăn, nên ở Mường Nhé hiện nay còn trên 900 hộ nghèo; trong đó hơn 300 hộ đói (phải cứu trợ lúc giáp hạt). Bà con ở đây cả năm lao động cũng chỉ trông vào hạt thóc, con gà. Năm nào chẳng may mất mùa, dịch bệnh thì dù khỏe mạnh cũng thiếu đói, nói gì đến người già, khuyết tật. Cũng xuất phát từ thực tế trên mà “Hũ gạo chiến sĩ” của những người lính biên phòng ở đây ra đời và hiện đang là mô hình duy nhất đang phát huy hiệu quả.

“Hũ gạo chiến sĩ” của Ðồn Biên phòng Mường Nhé được khởi động từ tháng 11/2016, với sự đồng thuận, hưởng ứng của 100% anh em trong đơn vị. Từ đó, mỗi ngày chiến sĩ nuôi quân của đơn vị trước khi nấu cơm mỗi bữa (sáng, trưa, tối) đều bớt lại 1 bát gạo bỏ vào hũ. Một ngày được 1kg, và mỗi tháng đều đặn được 30kg. Ngày 25 hàng tháng là ngày vui nhất của anh em trong đơn vị, bởi những hạt gạo tích góp được mang trao đến tận tay bà con.

Chia sẻ về cách làm và hoạt động đầy ý nghĩa này, Trung tá Hoàng Xuân Thọ, Phó Ðồn trưởng Ðồn Biên phòng Mường Nhé, cho biết: Ðể thực hiện tốt phong trào tiết kiệm, điều quan trọng đầu tiên là phải có cách làm phù hợp. Với tình hình thực tế ở địa phương, chúng tôi quyết định xây dựng “Hũ gạo chiến sĩ”. Trên cơ sở định mức suất ăn và số lượng tiêu thụ gạo bình quân của đơn vị, bếp ăn sẽ chủ động cân đối số lượng gạo vừa bảo đảm tiết kiệm phù hợp, vừa không làm ảnh hưởng đến khẩu phần và chất lượng bữa ăn của bộ đội. Thường ngày nấu cơm thì cũng có dư một chút, nên việc bớt lại chút đó để tiết kiệm giúp đỡ cho bà con nghèo. Ðể tránh trường hợp gạo bị cũ do lâu ngày, bộ phận nuôi quân của đơn vị có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, thay đổi gạo mới, làm sao cuối tháng gạo đến tay bà con phải được đảm bảo.

Ðến nay, sau gần 2 năm thực hiện, đơn vị đã quyên góp được hơn 20 chuyến, với gần 700kg gạo đến với các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Cảm giác cho đi và nhận lại thì chỉ người trong cuộc mới có thể cảm nhận và hiểu hết. Song điều trước mắt mà bất cứ ai cũng có thể nhìn thấy đó là trong một vài gia đình nghèo khó đã không còn cảnh đứt bữa mùa giáp hạt, hoặc đơn giản là họ được ăn no hơn mỗi ngày... Dẫu phía trước còn lắm khó khăn và cuộc sống còn nhiều thứ phải lo, song hiện lên trên gương mặt của những người dân nghèo biên giới giờ đây là nụ cười, biết ơn với những người chiến sĩ áo xanh, cũng như niềm tin vào cuộc sống. Và những bát gạo nghĩa tình dẫu chưa phải thứ gì to lớn, song cũng thật giá trị khi được đặt đúng chỗ!

Bài, ảnh: Hà Linh
Bình luận
Back To Top