Xã Hẹ Muông xây dựng công trình đảm bảo “3 sạch”

08:25 - Thứ Hai, 24/09/2018 Lượt xem: 12806 In bài viết
ĐBP - Hẹ Muông là một trong những xã vùng sâu, vùng xa của huyện Ðiện Biên, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Hiện nay, việc xây dựng các công trình vệ sinh như: nhà tắm, nhà vệ sinh, kho chứa sản phẩm, công cụ sản xuất của các hộ dân chưa được chú trọng. Ða số người dân chưa nhận thức được tác hại của ô nhiễm môi trường nên tình trạng nước thải sinh hoạt, chăn nuôi gây mất vệ sinh, làm ô nhiễm môi trường; cống rãnh không được khơi thông, để nước thải ứ đọng… đã ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Từ thực trạng trên, cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể xã Hẹ Muông tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng công trình vệ sinh đảm bảo “3 sạch”.

 

Người dân bản Nậm He 2, xã Hẹ Muông xây dựng mô hình vệ sinh đảm bảo “3 sạch”.

Ông Lò Văn Thanh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Hẹ Muông, cho biết: Nhìn chung các hộ gia đình trong xã đều xây chuồng trại nuôi nhốt gia súc xa nhà ở, nhưng cũng còn một số hộ vẫn nhốt trâu, bò dưới gầm sàn; một số hộ chỉ làm nhà vệ sinh và nhà tắm bằng vải bạt quây xung quanh. Ðể người dân hiểu tầm quan trọng của vệ sinh môi trường, xã Hẹ Muông xác định giải pháp trọng tâm là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thường xuyên phát dọn, khơi thông cống rãnh, nạo vét kênh mương, đường nội bản, liên bản đảm bảo môi trường xanh - sạch - đẹp. Từ năm 2016, xã triển khai mô hình “Xây dựng mô hình hộ gia đình có nhà bếp + nhà tắm + nhà vệ sinh + kho hợp vệ sinh đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới”. Sau 2 năm triển khai, đến nay phong trào đang được người dân đồng tình hưởng ứng, đã có 75 hộ xây dựng mô hình và đảm bảo “3 sạch” (sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ), tăng 29 hộ so với năm 2016. Ðồng thời, vận động, hướng dẫn mỗi hộ gia đình đào một hố thu gom rác thải hàng ngày, nhờ đó toàn xã có trên 80% hộ gia đình đào hố thu gom rác.

Anh Cà Văn Thìn, bản Nậm Hẹ 2 là một trong những người xây dựng mô hình đảm bảo “3 sạch” ngay sau khi UBND xã triển khai. Anh Thìn cho biết: Nhà tôi nuôi 12 con trâu, 8 con bò; ngoài ra còn trồng hơn 1ha ngô để phục vụ chăn nuôi. Xem ti vi tôi thấy xã hội ngày càng phát triển, điều kiện sinh hoạt hàng ngày cần phải tốt hơn. Từ suy nghĩ đó, cùng với sự vận động của chính quyền xã, tôi đầu tư 130 triệu đồng để xây dựng nhà bếp + nhà tắm + nhà vệ sinh + kho hợp vệ sinh.

Tiêu chí môi trường là một trong những tiêu chí khó thực hiện trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nhất là các xã vùng cao, vùng sâu bởi: Tiêu chí môi trường gồm 5 nội dung nhỏ liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp; các nội dung về tiêu chí cần đầu tư về cơ sở vật chất, hạ tầng; tập quán sinh sống của dân tộc thiểu số, vùng cao đã tồn tại từ lâu đời khó thay đổi, một bộ phận người dân nhận thức bảo vệ môi trường chưa cao... Vì vậy thời gian tới, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể xã Hẹ Muông cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường. Trong điều kiện kinh phí của xã hạn hẹp, sự hỗ trợ của cấp trên còn hạn chế thì việc vận động, phát huy nội lực của nhân dân là rất cần thiết. Xã cần nhân rộng mô hình đảm bảo “3 sạch” và sáng tạo thêm các mô hình mới, thiết thực về bảo vệ môi trường, góp phần hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top