Quyết liệt xử lý việc xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp

08:35 - Thứ Năm, 27/09/2018 Lượt xem: 13087 In bài viết

ĐBP - Một thực trạng đang diễn ra tại nhiều xã trên địa bàn huyện Ðiện Biên là đất nông nghiệp bị lấn chiếm hoặc sử dụng không đúng mục đích, đặc biệt là xây nhà trái phép, nhưng chưa được chính quyền cơ sở kịp thời phát hiện, ngăn chặn hoặc xử lý dứt điểm. Vấn đề này không chỉ gây bức xúc trong dư luận mà còn làm ảnh hưởng đến kế hoạch, quy hoạch và mục đích sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện.

 

Nhiều ngôi nhà được xây dựng trên đất nông nghiệp tại khu vực C9, xã Thanh Xương (huyện Ðiện Biên). Ảnh: Văn Tâm

Ðể nâng cao hiệu quả sử dụng đất, ngăn chặn và xử lý tình trạng vi phạm pháp luật đất đai, lấn chiếm đất công, đất nông nghiệp trên địa bàn, ngày 13/9/2012, Ban Thường vụ Huyện ủy Ðiện Biên ban hành Chỉ thị số 15-CT/HU về tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm thực hiện vẫn còn nhiều hạn chế, công tác quản lý Nhà nước về đất đai còn nhiều thiếu sót, chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng nhiều hộ dân ngang nhiên làm nhà trái phép trên đất nông nghiệp. Theo thống kê, hiện nay toàn huyện còn 16 điểm tranh chấp, vi phạm hành chính về đất đai, chủ yếu là vi phạm về việc xây nhà trên đất nông nghiệp từ những năm 1990 đến nay. Các điểm vi phạm diễn ra trên địa bàn các xã: Thanh Xương, Thanh Hưng, Thanh An, Pom Lót, Nà Nhạn, Phu Luông, Thanh Yên, Pá Khoang, Noong Hẹt; trong đó nhiều nhất tại 2 xã Thanh Xương và Thanh Hưng với hàng trăm hộ xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp.

Xã Thanh Hưng là địa bàn “nóng” nhất về tình trạng người dân xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp. Khu bãi màu (trung tâm xã) có nguồn gốc là đất nông nghiệp (đất 5%) do xã Thanh Hưng quản lý. Năm 1997, UBND xã Thanh Hưng đã thực hiện giao khoán diện tích đất này cho 91 hộ gia đình đấu thầu, thông qua bản hợp đồng có thời hạn 20 năm và cho phép làm nhà cấp IV để trông coi bảo vệ, với tổng diện tích là hơn 236.000m2. Trong quá trình thực hiện, lợi dụng sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, các hộ dân đã tự ý chuyển nhượng, chia tách hợp đồng thầu khoán, dựng nhà kiên cố trên quỹ đất thuê, khoán. Theo thống kê của UBND xã Thanh Hưng, hiện nay có 230 hộ dân sinh sống trên khu đất này, trong đó đa số đã xây dựng nhà, công trình kiên cố. Thậm chí, có những hộ còn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong khi Luật Ðất đai năm 2003, quy định: Ðất 5% là đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn, giao cho các hộ dân được tự chủ phát triển kinh tế (trồng rau, hoa màu), không được phép xây dựng nhà trên diện tích đó.

Ông Nguyễn Ngọc Ngấn, Chủ tịch UBND xã Thanh Hưng, cho biết: Tháng 2/2017, vừa tròn 20 năm hết hạn giao khoán; nhưng việc thu lại đất đã giao khoán để tái đấu thầu là rất khó. Bởi hiện nay người dân đã định cư, sinh sống thành thôn, xóm, xây nhà san sát nhau. Xảy ra việc như vậy, trách nhiệm một phần thuộc về chính quyền xã khi chưa siết chặt công tác quản lý và sử dụng đất đai. Trước thực trạng trên, người dân khu bãi màu và xã đã kiến nghị lên các cấp, ngành có thẩm quyền xem xét, giải quyết chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất màu sang đất ở, nhằm tạo điều kiện ổn định cho người dân yên tâm phát triển kinh tế - xã hội.

Dọc quốc lộ 279, khu vực C9, xã Thanh Xương, cũng xảy ra tình trạng người dân xây dựng nhà cửa, công trình trên đất nông nghiệp. Theo phản ánh của người dân, từ nhiều năm nay tình trạng xây nhà trên khu vực này diễn ra công khai. Ban đầu chỉ có vài hộ, sau đó những hộ khác đua nhau làm theo. Ngoài ra, cũng có không ít hộ kinh doanh ban đầu sử dụng khu đất của mình để xây nhà xưởng sản xuất, rồi sau đó xây nhà kiên cố để sinh sống. Ông Ngô Minh Cương, Chủ tịch UBND xã Thanh Xương, cho biết: Dọc quốc lộ 279, đoạn qua khu vực C9 là đất hành lang an toàn giao thông và đất nông nghiệp. Trước đây là khu đất trũng do thi công lấy đất làm nền đường quốc lộ 279. Từ năm 1988, một số hộ dân đã cải tạo, phục hóa đất để trồng hoa màu và lúa, đến nay đã có khoảng 130 hộ đang sử dụng đất tại khu vực này. Trong đó, có hơn 50 trường hợp đã dựng nhà kiên cố và nhà tạm, còn lại đa số là đổ đất san nền. Tổng diện tích đất được các hộ gia đình sử dụng khoảng 3ha. Trước tình trạng trên, chính quyền xã đã nhiều lần gặp gỡ, tuyên truyền người dân không tự ý mua bán đất, xây nhà, kinh doanh trên diện tích đất này nhưng hầu hết họ không hợp tác giải quyết, thậm chí không ký biên bản vi phạm hoặc ngang nhiên tiếp tục xây cất lấn chiếm. Nhiều hộ còn xây nhà 2 tầng kiến cố trị giá hàng trăm triệu đồng dù không có bất kỳ một giấy tờ nào chứng minh quyền sử dụng đất ở. Cũng theo ông Cương thì trước đây, khu dân cư C9 thuộc đất nông trường Ðiện Biên; năm 1994 mới chuyển về xã Thanh Xương quản lý, lúc đó các hộ dân đã xây dựng nhà trên diện tích này nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn.

Trao đổi về thực trạng trên, ông Bùi Hải Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Ðiện Biên, cho biết: Trên thực tế, cả khu bãi màu xã Thanh Hưng và khu vực dọc quốc lộ 279 qua C9 xã Thanh Xương, trong Ðồ án Quy hoạch nông thôn mới được quy hoạch đất ở tại nông thôn. Mặt khác đã được UBND tỉnh phê duyệt theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất, nằm trong kế hoạch sử dụng đất năm 2016 của huyện tại Quyết định số 730/QÐ-UBND, ngày 30/5/2016 của UBND huyện Ðiện Biên. Từ thực tế trên, nếu đưa diện tích khu bãi màu ở xã Thanh Hưng và khu C9 xã Thanh Xương vào đấu giá quyền sử dụng đất hoặc giao đất có thu tiền sử dụng đất sẽ không khả thi, bởi 2 khu đất trên không có mặt bằng sạch. Ðể giải quyết, vừa qua huyện đã giao Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND 2 xã Thanh Hưng và Thanh Xương kiểm tra, rà soát thống kê hiện trạng sử dụng đất của các hộ dân tại các khu vực vi phạm. Ðề nghị tỉnh xem xét, cho chủ trương xử lý theo Nghị định 43/2014/NÐ-CP, ngày 15/5/2014 của Chính phủ. Ðối với những trường hợp vi phạm khác, từ nay đến năm 2020 huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý dứt điểm, không để kéo dài, phát sinh nhiều hệ lụy khó lường; đồng thời kiên quyết thu hồi đối với những quỹ đất sử dụng không đúng mục đích, bảo vệ nghiêm ngặt đất chuyên trồng lúa theo quy định.

Văn Tâm
Bình luận
Back To Top