Thay đổi nhận thức về thực phẩm an toàn

09:14 - Thứ Năm, 27/09/2018 Lượt xem: 11555 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, tỉnh ta đã có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân, doanh nghiệp sản xuất thực phẩm an toàn, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, nhiều mô hình sản xuất an toàn được triển khai, nhiều chuỗi liên kết sản xuất được hình thành góp phần thay đổi nhận thức của người dân về sản xuất, chế biến và tiêu thụ thực phẩm an toàn.

 

Bà Hoàng Thị Hiên, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green lựa chọn, đóng gói thực phẩm cho khách hàng.

Ông Chu Văn Bách, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên cho biết: 5 năm trở lại đây, tư duy canh tác của người dân trên địa bàn huyện Ðiện Biên đã có chuyển biến tích cực. Nông dân chuyển từ sản xuất truyền thống sang sản xuất thực phẩm an toàn, nhất là đối với sản phẩm rau màu và lúa gạo. Từ năm 2012 đến nay, có rất nhiều mô hình trồng rau an toàn theo hướng VietGap được triển khai tại địa bàn các xã khu vực lòng chảo Ðiện Biên với hàng trăm hộ dân tham gia. 2 năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn các xã: Thanh An, Thanh Hưng, Thanh Xương… tham gia chuỗi liên kết với doanh nghiệp để sản xuất lúa gạo an toàn, từng bước gây dựng lại thương hiệu gạo tám Ðiện Biên. Hầu hết hộ dân tham gia mô hình, liên kết chuỗi đều nhân rộng diện tích sản xuất. Ðó là kết quả của các chính sách khuyến khích, hỗ trợ sản xuất rau, lúa gạo an toàn trên địa bàn huyện, của việc chuyển giao kỹ thuật, công nghệ. Hiện nay, huyện Ðiện Biên có 8 hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, cung cấp rau, thực phẩm an toàn và có 4 chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo an toàn.

Noong Luống là xã tiên phong triển khai các mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGap của huyện Ðiện Biên. Hiện nay, xã có 27ha rau các loại. Trong đó, 10ha rau an toàn theo hướng VietGap. Ban đầu chỉ có hơn 10 hộ tham gia với diện tích khoảng 1 - 2ha; sau vài năm, diện tích rau an toàn của xã được mở rộng và số hộ tham gia cũng tăng lên. Mặc dù vẫn phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm nhưng điều quan trọng nhất là người trồng rau ở Noong Luống đều nắm chắc kỹ thuật trồng, chăm sóc; nhớ các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học và thời điểm bón; phân biệt được đâu là rau an toàn, đâu là rau truyền thống mà không cần test thử.

Anh Nguyễn Ðức Trường, đội 18, xã Noong Luống - một trong những người đầu tiên tham gia mô hình sản xuất rau an toàn cho biết: Trồng rau theo hướng VietGap cơ bản tiết kiệm chi phí sản xuất, thuốc bảo vệ thực vật và phân bón từ 20 - 30% so với sản xuất rau truyền thống, thu lợi nhuận cao hơn từ 15 - 20%. Tuy nhiên, phương pháp này tốn nhiều công hơn. Ví dụ trước đây chỉ cần 20 - 30 phút phun thuốc trừ cỏ cho 1.000m2 là xong, nhưng theo VietGap phải mất 1,5 ngày công làm cỏ theo phương pháp thủ công.

Còn ông Nguyễn Văn Quân, thành viên Hợp tác xã Rau an toàn xã Pom Lót cho biết: Năm 2016, tôi tham gia Hợp tác xã Rau an toàn xã Pom Lót. Thời gian đầu, chỉ thành viên hợp tác xã mới sản xuất rau an toàn, lâu dần người dân bảo nhau, chia sẻ kinh nghiệm nên hiện nay nhiều hộ ngoài hợp tác xã cũng chuyển từ sản xuất thông thường sang sản xuất theo hướng an toàn VietGap.

Sau nhiều năm nỗ lực của chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn, người dân và doanh nghiệp trong việc quảng bá, gây dựng thương hiệu, đến nay người tiêu dùng đã có cách nhìn tích cực hơn về thực phẩm an toàn sản xuất tại địa bàn tỉnh.

Bà Hoàng Thị Hiên, Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm Safe Green cho biết: Sau gần 5 năm, sản phẩm của Công ty đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường, chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. 3 năm trước, những sản phẩm an toàn: Rau quả các loại, thịt gà, lợn, cá, trứng lần đầu tiên ra thị trường rất khó bán, doanh thu chỉ đạt 300.000 - 500.000 đồng/ngày, không đủ chi phí thuê mặt bằng và nhân công. Ðến nay, ngày càng nhiều người lựa chọn đến cửa hàng thực phẩm an toàn để mua rau, thịt, cá thay vì ra chợ. Do đó, lượng người mua tăng đều từ 10 - 15%/tháng, kéo theo doanh số bán hàng đạt 3 - 5 triệu đồng/ngày. Ngoài các sản phẩm tự sản xuất, Công ty cũng liên kết với nhiều hợp tác xã, mô hình sản xuất thực phẩm an toàn trong và ngoài tỉnh để phong phú các mặt hàng, có thêm nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng. Các sản phẩm liên kết trước khi tung ra thị trường đều được test thử tại Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Chị Nguyễn Thị Huyên, tổ dân phố 2, phường Mường Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ) cho biết: Hơn 2 năm nay, tôi gần như không mua thực phẩm ở chợ mà chủ yếu lựa chọn các loại thực phẩm tại Siêu thị Hoa Ba, Siêu thị Tâm Ðỏ hoặc cửa hàng của Công ty Safe Green.

Hiện nay, không chỉ các hộ gia đình mà các bếp ăn tập thể, các công sở, trường học cũng ngày càng quan tâm đến thực phẩm an toàn. Năm học 2018 - 2019, thay vì đặt riêng lẻ thực phẩm với các hộ dân trên địa bàn hoặc mua thực phẩm ở chợ, Trường Mầm non Thanh Yên, xã Thanh Yên (huyện Ðiện Biên) đã ký hợp đồng với Công ty TNHH thực phẩm Safe Green để cung cấp thực phẩm phục vụ bữa ăn cho học sinh.

Phạm Trung
Bình luận
Back To Top