Nâng cao chất lượng PCCC tại chỗ

09:07 - Thứ Tư, 03/10/2018 Lượt xem: 10987 In bài viết

ĐBP - Mỗi khi xảy ra cháy nổ, dù lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp, ứng phó nhanh nhạy thì thiệt hại về tài sản là khó tránh khỏi. Ðơn cử như vụ cháy tại Văn phòng luật sư Nguyễn Thanh Huyền và cộng sự vào sáng 6/7/2017 (số nhà 15a, phường Mường Thanh, TP. Ðiện Biên Phủ). Nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) đã điều 4 xe chữa cháy chuyên dụng và nhiều lượt xe cung cấp nước của các đơn vị liên quan tham gia chữa cháy. Sau 15 phút, ngọn lửa đã được khống chế và dập tắt hoàn toàn song lửa đã thiêu rụi nhiều đồ đạc, tài sản có giá trị trong căn nhà.

Gần đây nhất, ngày 12/8/2018, tại bản Co Sáng, xã Quài Nưa (huyện Tuần Giáo) cũng xảy ra một vụ cháy nhà của gia đình anh Quàng Văn Vụ. Nguyên nhân được xác định là do chập điện, ngọn lửa bắt nguồn từ lớp xốp dưới mái tôn để chống nóng, chống ồn. Lớp xốp bắt lửa bùng phát rất nhanh và lan rộng. Mặc dù các cơ quan chức năng cùng người dân trong bản đã nỗ lực chữa cháy nhưng căn nhà sàn chủ yếu làm bằng gỗ nên đã bị thiêu rụi hoàn toàn cùng nhiều vật dụng có giá trị khác. Thiệt hại ước tính khoảng 800 triệu đồng.

 

Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) tập huấn kỹ năng PCCC cho đội viên các đội PCCC cơ sở, dân phòng huyện Tủa Chùa.

Thượng tá Thiều Xuân Vương, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) cho biết: Trên địa bàn tỉnh có nhiều vụ cháy xảy ra mà lực lượng chức năng gặp phải một số khó khăn, nhất là ở địa bàn nông thôn chưa có lực lượng PCCC chuyên nghiệp thường trực, giao thông khó khăn. Cá biệt, có trường hợp xe chuyên dụng không kịp tiếp cận hiện trường khi có cháy xảy ra vì vướng 2 trụ bê tông ở đầu đường vào thôn, bản. Ðược biết, đây là 2 trụ bê tông được xây để ngăn xe tải trọng lớn; sau khi phá được trụ bê tông, lực lượng chữa cháy vào đến nơi thì lửa đã gây thiệt hại nặng. Trong khi đó, thống kê cho thấy, trong số 92 vụ cháy xảy ra trên địa bàn tỉnh từ ngày 1/1/2015 - 30/6/2018, thì có 62 vụ xảy ra trên địa bàn nông thôn. Vì vậy, để phòng chống cháy nổ hiệu quả, ngoài trách nhiệm của lực lượng chức năng thì yếu tố quan trọng hàng đầu chính là tăng cường sự chủ động, ứng cứu kịp thời của lực lượng tại chỗ.

Khi xảy ra cháy, lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp không thể có mặt ngay lập tức. Lúc này, lực lượng chữa cháy tại chỗ đóng vai trò quan trọng, bởi đây là lực lượng đầu tiên tiếp cận hiện trường và có thể giải quyết đám cháy phát sinh theo phương châm “4 tại chỗ”. Hiện nay, toàn tỉnh đã thành lập được trên 1.000 đội PCCC cơ sở với hơn 13.100 đội viên; trên 1.900 đội dân phòng tham gia PCCC với hơn 21.000 đội viên. Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về PCCC, hàng năm Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ phối hợp với các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về PCCC và cứu nạn cứu hộ cho cán bộ, công nhân viên và người dân tham gia các đội dân phòng, đội PCCC cơ sở. Từ đó, chất lượng hoạt động của các lực lượng tại chỗ từng bước được nâng cao, chủ động xử lý sự cố cháy, nổ; giảm thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do cháy gây ra. Qua thống kê, phân tích, trong số 92 vụ cháy trong hơn 3 năm qua, có 67,4% số vụ là do lực lượng PCCC dân phòng, cơ sở chủ động, kịp thời dập tắt lửa, giảm thiệt hại do cháy gây ra.

Qua phân tích nguyên nhân các vụ cháy thời gian qua: Trên 39% là do sự cố hệ thống thiết bị điện; gần 24% do sơ suất, bất cẩn trong sử dụng lửa; hơn 14% do đốt lửa; còn lại là do trẻ em nghịch lửa và chưa rõ nguyên nhân. Ðể hạn chế các vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra, ngay từ khi xây dựng, thiết kế công trình phải được thẩm định đảm bảo an toàn cháy, nổ, có lối thoát hiểm; hệ thống điện phải kiểm tra thường xuyên, thiết bị điện phải thay mới định kỳ; không để lửa cháy âm ỉ qua đêm như: đốt nhang, nến, không tự câu kéo điện vào nhà... Ðồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCCC, đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền phù hợp với tình hình đặc điểm của địa phương nhằm nâng cao ý thức, kỹ năng PCCC toàn dân. Trách nhiệm phòng, chống cháy nổ không phải của riêng cá nhân, tổ chức nào mà của toàn xã hội, chỉ khi toàn dân thực sự có ý thức thì công tác PCCC mới hiệu quả.

Bài, ảnh: Ðức Huy
Bình luận
Back To Top