Chính quy hóa lực lượng công an cấp xã

Tất yếu nhưng cần theo lộ trình

09:50 - Thứ Năm, 04/10/2018 Lượt xem: 10922 In bài viết

ĐBP - Trong việc đảm bảo an ninh trật tự, lực lượng công an xã lâu nay vẫn được xem là “cánh tay đắc lực” của chính quyền địa phương và công an cấp trên trong phát hiện, giải quyết các vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở. Tuy nhiên, thời gian qua, do hạn chế về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cũng như lý luận chính trị, nên việc thực hiện các yêu cầu nhiệm vụ của lực lượng này ở một số nơi còn hạn chế. Việc chính quy hóa lực lượng công an ở cấp xã là đòi hỏi tất yếu trong tình hình hiện nay, song cũng cần sự tính toán và lộ trình rõ ràng.

 

Công an xã Háng Lìa (huyện Ðiện Biên Ðông) tăng cường xuống cơ sở nắm bắt tình hình.

Trước năm 2015, xã Thanh Luông (huyện Ðiện Biên) luôn được xem là điểm “nóng” về các loại tội phạm, đặc biệt là ma túy. Bình quân người nghiện trong xã luôn trên 100 đối tượng, cùng với đó là hàng chục điểm buôn bán ma túy nhỏ lẻ gây nhức nhối cho người dân và các cấp chính quyền địa phương. Mặc dù đến năm 2017, Thanh Luông đã đạt chuẩn tiêu chí về ANTT, góp phần đưa xã cán đích nông thôn mới. Tuy nhiên, do là yêu cầu cấp bách nên vấn đề mới chỉ được giải quyết phần ngọn. Qua đánh giá thực tế, vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định ANTT; nhất là những thách thức đặt ra về các loại tội phạm trong tình hình mới, khiến việc giữ vững tiêu chí này trở nên khó khăn hơn, đòi hỏi đối với lực lượng công an lại càng lớn hơn. Ðể làm được việc khó này, một kế hoạch mang tính đột phá đã được triển khai, đó là chuyển hóa địa bàn phức tạp về ANTT. Trong đó giải pháp tiên quyết là đưa công an chính quy về làm trưởng công an xã.

Nhận nhiệm vụ Trưởng Công an xã Thanh Luông đầu năm 2018, đồng chí Nguyễn Ðình Quảng đem theo rất nhiều dự định, đồng thời cũng được đảng ủy, chính quyền địa phương gửi gắm không ít kỳ vọng. Ngày đầu trên cương vị mới tại cơ sở anh Quảng đã củng cố lại đội ngũ công an viên. Từ trước đến nay, dù luôn được chăm lo, củng cố, song trên thực tế kỹ năng, nghiệp vụ của công an viên vẫn còn nhiều thiếu hụt. Anh lên kế hoạch công tác, hoàn thiện các hạng mục thực hiện theo yêu cầu mà bất cứ một đồn, trạm công an chính quy nào cũng phải có. Thậm chí anh cũng phải tự lập ra một hệ thống bản đồ về dân cư, tình hình kinh tế - xã hội cũng như tâm lý của các hộ dân đối với những vấn đề nổi cộm tại địa bàn. Những nguy cơ tiềm ẩn về ANTT trong đời sống nhân dân được ưu tiên đặt lên hàng đầu.

Cùng với Thanh Luông, đứng trước tình hình thực tế ở một số địa phương, thời gian qua Công an tỉnh đã triển khai đưa công an chính quy về làm trưởng công an tại 10 xã, gồm: Nà Sáy, Mường Khong (Tuần Giáo); Chung Chải, Leng Su Sìn, Sín Thầu, Pá Mỳ (Mường Nhé); Nậm Nhừ (Nậm Pồ); Xa Dung, Phình Giàng (Ðiện Biên Ðông). Ðây đều là các xã phức tạp về ANTT và đã nhận được sự thống nhất, đồng thuận từ phía chính quyền các địa phương. Thiếu tướng Sùng A Hồng, Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Việc đưa công an chính quy về làm trưởng công an tại các xã trọng điểm về ANTT tại địa phương đã cho thấy những kết quả rất tích cực. Chính vì vậy, về phía Công an tỉnh, cũng như chính quyền địa phương rất ủng hộ khi mà triển khai thực hiện Ðề án của Bộ Công an về công tác tổ chức, sắp xếp lại bộ máy lực lượng công an theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở” theo tinh thần Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị; bởi nó giải quyết được nhiều vấn đề đang tồn tại hiện nay. Lực lượng công an chính quy đều là những người có chuyên môn, nghiệp vụ, nên sẽ nắm chắc tình hình, công tác tham mưu và đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương các biện pháp và giải pháp để đảm bảo ANTT tại địa bàn sẽ tốt hơn. Cũng vì đảm bảo về nghiệp vụ và việc thông tin về công an huyện kịp thời nên các vụ việc phức tạp sẽ được giải quyết ngay từ cơ sở; việc triển khai các biện pháp, giải pháp nghiệp vụ của ngành Công an tốt hơn, sâu hơn. Ngoài ra, các hồ sơ thiết lập đối với người vi phạm cũng chuẩn hơn, đảm bảo yếu tố pháp luật và nghiệp vụ.

Tuy nhiên, bởi liên quan đến công tác bố trí, sắp xếp cán bộ và kế hoạch thực hiện tinh giản biên chế tại địa phương nên việc triển khai thực hiện cần phải cẩn trọng, tính toán kỹ lưỡng. Thống kê hiện nay, toàn tỉnh có 97 xã trọng điểm, phức tạp về ANTT; 116 xã cần bố trí trưởng công an xã, trong đó ngoại trừ 10 xã đã bố trí, 10 xã còn khuyết có thể xem xét trong thời gian tới, thì còn 96 xã hiện đang gặp khó khăn do đã bố trí công chức ở vị trí trưởng công an xã từ trước đó. Ðiều này đặt ra việc bố trí, sắp xếp số này ra sao?

 “Chúng tôi mới nhận được chỉ đạo của Tỉnh ủy, tới đây Công an tỉnh sẽ chủ trì, phối hợp cùng với Sở Nội vụ, các địa phương xây dựng một đề án tổng thể, bài bản về vấn đề này trước khi triển khai thực hiện. Quan điểm là sẽ không làm ồ ạt, mà chuyển dần theo lộ trình. Song song với quá trình triển khai các lộ trình sẽ phải làm tốt công tác tư tưởng để tránh gây xáo trộn tâm lý; đảm bảo chế độ, chính sách cho lực lượng công an xã phải nghỉ để thay thế, nhằm tạo sự đồng thuận cao nhất từ các bên để phát huy tối đa hiệu quả chủ trương” - Thiếu tướng Sùng A Hồng, khẳng định.

Dựa trên những quan điểm này, theo dự kiến thì lộ trình sẽ được thực hiện theo cách giải quyết từ dễ đến khó. Phương án mà Công an tỉnh đưa ra trước mắt là sẽ bố trí thay thế công an chính quy vào những xã hiện đang còn khuyết các vị trí trưởng, phó công an xã, hoặc thuộc đối tượng đến tuổi nghỉ hưu thì tiến hành giải quyết chế độ cho nghỉ, rồi mới thay thế. Sau đó, trên cơ sở rà soát, sẽ xem xét những trường hợp không đảm bảo các điều kiện, như: Sức khỏe, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ… sẽ cho nghỉ, vừa đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ, lại vừa tạo sự đồng thuận của chính quyền, nhân dân các địa phương. Tuy nhiên, không vì thế mà kéo dài thực hiện hoặc thiếu kiên quyết, bởi yêu cầu đổi mới công tác để đảm bảo ANTT trong tình hình mới là nhiệm vụ cấp bách.

Hà Linh
Bình luận
Back To Top