Chủ động phòng, chống dịch bệnh cho gia súc vụ thu đông

09:48 - Thứ Hai, 08/10/2018 Lượt xem: 10712 In bài viết

ĐBP - Hiện nay, thời tiết đang chuyển mùa, nóng lạnh thất thường dễ làm giảm sức đề kháng của gia súc, gia cầm, là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh sinh sôi, phát tán. Vì vậy ngành Thú y tỉnh tăng cường các giải pháp phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi; đặc biệt là ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xâm nhiễm vào địa bàn. Trong đó, chú trọng triển khai phòng ngừa tại các điểm có nguy cơ lây lan dịch bệnh cao như: khu vực chăn nuôi giáp biên giới, hộ gia đình, chợ buôn bán động vật sống, khu nhốt giữ động vật.

 

Cán bộ thú y huyện Mường Nhé tiêm vắc xin phòng bệnh cho lợn.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi vụ thu đông và chủ động ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của vi rút DTLCP vào địa bàn tỉnh, Chi cục Thú y tỉnh thường xuyên cập nhật thông tin, diễn biến dịch bệnh qua các kênh thông tin đại chúng. Ðồng thời, chỉ đạo trạm thú y các huyện, thị, thành phố phối hợp các đơn vị chuyên môn, lực lượng chức năng có liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát tại cơ sở chăn nuôi tập trung; khu tập kết, trung chuyển lợn; khu vực chăn nuôi giáp biên giới, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn từ ngoài vào địa bàn... Chi cục cũng tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành kế hoạch hành động ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp đối với khả năng bệnh DTLCP xâm nhiễm vào địa bàn. Ðối với các huyện, nhất là huyện biên giới cần tăng cường kiểm soát vận chuyển gia súc qua biên giới, chủ động triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi vụ thu đông 2018; chuẩn bị thực hiện tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường đợt 2; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu được tính chất nguy hiểm của dịch bệnh DTLCP.

Ông Ðỗ Thế Mỹ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát tốt, một số bệnh nhỏ lẻ xảy ra trên gia súc, gia cầm đều được phát hiện và xử lý kịp thời, không để lây lan ra diện rộng. Mặc dù được kiểm soát tương đối tốt, nhưng nguy cơ phát sinh trong thời gian tới là rất cao, do thời tiết diễn biến phức tạp làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi, nhiều mầm bệnh nguy hiểm còn tồn tại trên đàn vật nuôi. Ðặc biệt, DTLCP là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra có khả năng lây lan nhanh, với tỷ lệ vật nuôi chết rất cao. Nguy hiểm hơn là vi rút này có sức đề kháng cao, tồn tại lâu trong xác động vật, kể cả các sản phẩm từ thịt đã qua chế biến và hiện chưa có vắc xin hay thuốc điều trị. Vì vậy, giải pháp chính là phòng bệnh, phát hiện kịp thời và xử lý triệt để ổ dịch ở phạm vi nhỏ. Trong đó, các hộ chăn nuôi là nhân tố quyết định sự an toàn trong chăn nuôi, kiểm soát dịch bệnh.

Mường Nhé là huyện biên giới, có lối mở thông thương với Trung Quốc, người dân 2 bên biên giới trao đổi, mua bán hàng hóa, lương thực thực phẩm trong đó có thịt lợn và sản phẩm chế biến từ thịt lợn... Ông Lành Văn Thủy, Trạm phó Trạm Thú y huyện Mường Nhé cho biết: Ðể phòng ngừa nguy cơ xâm nhiễm bệnh DTLCP vào nội địa, đơn vị phối hợp với các lực lượng chức năng như: kiểm dịch, biên phòng, hải quan và UBND các xã biên giới đẩy mạnh tuyên truyền đến người chăn nuôi, đặc biệt người dân khu vực giáp biên không tham gia các hoạt động buôn bán, vận chuyển, nhập lậu lợn và sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc vào địa bàn. Bên cạnh đó, tăng cường dự trữ thức ăn cho đàn vật nuôi trong mùa rét. Trạm đang triển khai tiêm phòng các loại vắc xin cho gia súc thuộc Chương trình 30a đợt 2, năm 2018. Tổng số liều vắc xin đã cấp cho các xã gồm: 7.125 liều vắc xin lở mồm long móng trâu, bò; 6.500 liều vắc xin tụ huyết trùng trâu, bò; 6.590 liều vắc xin dịch tả lợn. Ðến nay, đã tiêm được 60% tổng số liều vắc xin đã cấp. Ðồng thời, đăng ký dự trù số lượng hóa chất triển khai “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đợt 2/2018” để phun phòng tại các bản trước đây đã từng xảy ra dịch, các bản dọc quốc lộ và các địa bàn có nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top