Thúc đẩy an sinh, kéo gần khoảng cách

09:52 - Thứ Hai, 08/10/2018 Lượt xem: 10715 In bài viết

ĐBP - Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, sự quan tâm của Nhà nước, của tỉnh thông qua các chính sách, chương trình, dự án và sự đồng thuận, nỗ lực của các tầng lớp nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn đã đạt được những bước chuyển tích cực trên các lĩnh vực. Ðời sống nhân dân các dân tộc trong tỉnh từng bước được cải thiện và nâng cao. Tuy nhiên, thu nhập và mức sống của người dân còn có sự chênh lệch, đặc biệt là khoảng cách giữa khu vực nông thôn và thành thị đang dần bị đẩy xa hơn.

 

Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Hà Nội trao tặng nhà “Mái ấm tình thương” cho phụ nữ nghèo xã Leng Su Sìn (huyện Mường Nhé). Ảnh: Minh Thùy

Ðến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn hơn 41%. Nếu như năm 2014 thu nhập bình quân của tỉnh đạt 20,75 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2017 đạt 24,75 triệu đồng/người/năm; dự kiến kết thúc năm 2018 ước đạt 26,37 triệu đồng/người/năm. Ðời sống nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng lên rõ rệt, song mức thu nhập của người dân ở khu vực thành thị và nông thôn vẫn còn khoảng cách khá xa. Kết quả tăng trưởng kinh tế chưa thật sự bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh, đời sống của một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hộ nghèo chiếm tỷ lệ khá cao. Năm 2016, thu nhập bình quân toàn tỉnh đạt 1,23 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, thu nhập bình quân của người dân ở khu vực nông thôn chỉ đạt hơn 863.000 đồng/người/tháng; khu vực thành thị đạt gần 3,3 triệu đồng/người/tháng (cao hơn khu vực nông thôn khoảng 2,4 triệu đồng/người/tháng). Năm 2017, thu nhập bình quân toàn tỉnh tiếp tục được nâng lên khi đạt hơn 1,46 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, khảo sát của cơ quan chức năng cho thấy, mức thu nhập bình quân đầu người ở khu vực thành thị và nông thôn có khoảng cách ngày càng xa hơn khi khu vực nông thôn dù có tăng nhưng cũng mới đạt hơn 1,026 triệu đồng/người/tháng; khu vực thành thị đạt gần 4,13 triệu đồng/người/tháng (cao hơn khu vực nông thôn khoảng 3,1 triệu đồng/người/tháng).

Mức độ phân hóa giàu, nghèo chia theo nhóm thu nhập cũng là vấn đề cần quan tâm khi khoảng cách giữa nhóm 5 (nhóm có thu nhập cao nhất, giàu nhất) so với nhóm 1 (nhóm có thu nhập thấp nhất, nghèo nhất) là rất lớn (gấp khoảng 8 lần). Mức thu nhập tăng, quỹ chi tiêu của các hộ gia đình thường sẽ tăng lên, người dân có điều kiện đầu tư nhiều hơn cho giáo dục, chăm sóc sức khỏe… cho các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, mức chi tiêu cho đời sống năm 2016 của nhóm hộ giàu nhất cao gấp khoảng 4 lần so với nhóm hộ nghèo nhất; người dân sống ở khu vực thành thị chi tiêu đời sống hơn 2,2 triệu đồng/người/tháng, gấp hơn 2,3 lần so với khu vực nông thôn (897.000 đồng/người/tháng).

Theo nhận định của cơ quan chức năng, xu hướng khoảng cách này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Ðây cũng là vấn đề cần phải quan tâm đầu tư, phát triển từng bước nâng cao thu nhập, đời sống cho nhóm 1 (nhóm thu nhập thấp nhất, nghèo nhất) nhiều hơn để hạn chế khoảng cách chênh lệch giàu - nghèo.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong số rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự phân hóa giàu - nghèo, mức thu nhập của người dân khu vực thành thị với nông thôn trên địa bàn tỉnh thì, tỷ lệ hộ nghèo tập trung chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, đặc biệt khó khăn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bất lợi, như: điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, kết cấu hạ tầng kém, trình độ dân trí thấp, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi còn hạn chế; thiếu tư liệu sản xuất… Chính vì vậy, thời gian qua đã có nhiều chính sách ưu việt của Trung ương, của tỉnh trực tiếp hỗ trợ cho người nghèo. Chỉ tính riêng trong năm 2017, tổng kinh phí đầu tư và huy động lồng ghép các nguồn lực để thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo trên địa bàn tỉnh hơn 326 tỷ đồng đã tạo nguồn lực giúp nông dân, nhất là các hộ nghèo vốn đầu tư sản xuất, tự tạo việc làm, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp… tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Cùng với các chính sách an sinh xã hội được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, như: 100% người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; con em hộ nghèo được hỗ trợ miễn giảm học phí và các khoản đóng góp theo quy định. Các chính sách dạy nghề, xuất khẩu lao động, nhân rộng các mô hình giảm nghèo… góp phần đắc lực giúp người nghèo tạo việc làm, tăng thu nhập, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Trong nỗ lực rút ngắn chênh lệch, khoảng cách giàu - nghèo, mức thu nhập của người dân thành thị với nông thôn; cùng với việc khuyến khích người dân làm giàu chính đáng, thì cần quan tâm nhiều hơn nữa các giải pháp đồng bộ giúp người nghèo tăng thu nhập. Các chính sách với người nghèo, chính sách phát triển nông thôn cần tiếp tục được điều chỉnh cho phù hợp, thiết thực hơn theo hướng chú trọng tới các địa bàn kém phát triển, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Quan tâm hơn nữa tới các vấn đề an sinh xã hội, nhất là chính sách liên quan đến những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn để có thể phát triển khu vực nông thôn nói riêng và thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển - ông Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh.

Minh Thùy
Bình luận
Back To Top