Của cho không bằng cách cho

08:37 - Thứ Năm, 11/10/2018 Lượt xem: 15462 In bài viết

ĐBP - “Ði từ thiện” - hoạt động ngày càng quen thuộc đối với nhiều thành phần, tầng lớp xã hội tại tất cả các địa phương trong cả nước. Ðối với tỉnh ta, những địa bàn vùng sâu, biên giới còn nhiều khó khăn, thường xuyên là địa chỉ hướng đến của các đoàn từ thiện. Không thể phủ nhận tính tích cực của hoạt động này, nhưng cổ nhân có câu: “của cho không bằng cách cho”.

 

Sự đóng góp về nhân lực, vật lực, khắc phục hậu quả trận lũ quét tại xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ) tháng 9 vừa qua là một trong những cách “cho” kịp thời, hiệu quả của cộng đồng.

Trước hết, phải khẳng định trong xã hội chúng ta hiện nay có rất nhiều người tốt, luôn sẵn sàng san sẻ, “cho” đi bằng cả cái tâm, với mong muốn tốt đẹp đến với người “nhận”. Nhiều người không hẳn dư dả về của cải vật chất nhưng với cái tâm sáng của mình, họ vẫn hàng ngày góp nhặt, kết nối, để giúp người nghèo, người gặp khó khăn, tai họa. Thậm chí, có những người không cho, tặng món đồ hay tiền bạc nào, mà âm thầm dõi theo người nghèo, âm thầm đóng góp bằng truyền thông, vận dụng chính sách. Trong giai đoạn đẩy mạnh xã hội hóa, tất cả những cá nhân, tổ chức sẻ chia, đóng góp cho các địa phương nghèo khó, thiên tai địch họa, người nghèo, gia đình chính sách… đều đáng quý. Bởi đó là phẩm chất, truyền thống đoàn kết, yêu thương, đùm bọc tốt đẹp của dân tộc ta với tinh thần “lá lành đùm lá rách” hay “lá rách ít đùm lá rách nhiều”.

“Của cho” là vậy. Còn “cách cho”? Có thể thấy hiện nay, trong hoạt động từ thiện cộng đồng, cơ bản những người mang quà đến với người nghèo, người gặp hoàn cảnh khó khăn đều ý thức được sự thể hiện sao cho đúng phép, phù hợp. Vì vậy, “cách cho” hiện nay cũng cần được tính toán, sao cho đúng chỗ, đúng thời điểm. Bởi hoạt động từ thiện, nhân đạo từ trước đến nay chưa bao giờ là phương thức thay thế chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước. Ðặc biệt ở Ðiện Biên, chúng ta phải khẳng định với nhau rằng: Không thể lấy từ thiện để xóa đói, giảm nghèo được! Thậm chí nếu từ thiện không đúng, không có sự tìm hiểu bản chất, mang tính cào bằng, hình thức. Ðơn cử như: tặng quà cho gia đình có “truyền thống nghèo bền vững” hoặc nghiện ma túy, còn có thể mang đến hậu quả cho cá nhân, cộng đồng nhận quà như: Tính trông chờ, ỷ lại; xa rời tư liệu, phương thức sản xuất - yếu tố quyết định trong phát triển kinh tế - xã hội. Việc từ thiện cần thiết nhất khi cộng đồng hoặc cá nhân gặp rủi ro trong cuộc sống, sự giúp đỡ khi đó giống như “cái phao” khi họ cần chỗ bấu víu chứ không thể trở thành “cái giường” nâng giấc hàng đêm. Ðiển hình là trong đợt thiên tai, mưa lũ như ở xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ) vừa qua, địa phương và người dân bị thiệt hại cần những tấm lòng thiện nguyện, cái tâm của những người chung tay vì cộng đồng. Và thực tế đã diễn ra như vậy, bằng sự vào cuộc kịp thời của nhiều lực lượng, nhiều cá nhân, tổ chức, giống như một cuộc vận động, “rốn lũ” Chà Nưa đã nhanh chóng khắc phục hậu quả, nhà cửa của người dân vùng thiên tai được khôi phục, trẻ em sớm được đến trường.

Nói đến đây, không thể không nhắc đến vai trò định hướng quan trọng của cấp ủy, chính quyền trong từng hoạt động cụ thể. Bởi trong xã hội hiện nay, hoạt động từ thiện mang tính tự phát, tự vận động, tổ chức cấp phát, chưa được quản lý chặt chẽ nên bị không ít cá nhân, tổ chức lợi dụng, làm biến tướng. Thậm chí, có tổ chức, cá nhân đã lợi dụng hoạt động từ thiện để lừa đảo. Hoặc nhiều hình thức từ thiện nhưng thực chất là bán hàng đa cấp; tặng quà là các sản phẩm hết hạn gây tác hại cho người sử dụng; lợi dụng từ thiện để “đánh bóng” cá nhân, tổ chức… Ðiều này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, tinh thần của những người tự nguyện góp tiền của mà còn làm mất lòng tin của nhân dân đối với những giá trị nhân văn tốt đẹp. Vì những lẽ trên, việc tăng cường quản lý, điều hành của cơ quan chức năng đối với tình trạng mạo danh, trá hình làm từ thiện... là rất cần thiết. Ðặc biệt là sự vào cuộc, phát hiện và xử lý nghiêm của ngành chức năng.

Phạm Dương
Bình luận
Back To Top