Nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chế biến dong riềng

09:14 - Thứ Năm, 11/10/2018 Lượt xem: 13752 In bài viết

ĐBP - Từ nhiều năm nay, dong riềng đã trở thành cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân các xã: Nà Tấu, Nà Nhạn và Mường Phăng (huyện Ðiện Biên). Tuy nhiên, mỗi khi vụ thu hoạch dong riềng đến, các nhà máy tập trung chế biến, nước thải, bã dong riềng thải ra môi trường, đã gây ô nhiễm nặng nề. Vì vậy, hàng năm, cứ đầu vụ thu hoạch dong riềng, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng lại yêu cầu các cơ sở chế biến dong riềng triển khai nhiều biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế những ảnh hưởng xấu đến cuộc sống nhân dân trên địa bàn.

 

Chủ các cơ sở chế biến, sơ chế dong riềng ký cam kết bảo vệ môi trường tại UBND xã Nà Tấu.

Khoảng chục ngày nữa, dong riềng tại các xã vùng ngoài huyện Ðiện Biên sẽ bước vào thu hoạch rộ; trong đó, xã Nà Tấu là địa bàn có nhiều cơ sở chế biến, sơ chế dong riềng nhất huyện. Ðể “mục sở thị” công tác chuẩn bị bể, ao chứa chất thải, nước thải tại đây, chúng tôi cùng cán bộ xã Nà Tấu đến kiểm tra tại một số cơ sở chế dong riềng trên địa bàn. Năm nay là năm đầu tiên gia đình ông Lò Văn Tâm, bản Phiêng Ban (xã Nà Tấu), tiến hành thu mua và chế biến dong riềng, nên ông chuẩn bị kỹ lưỡng về máy móc, bể chứa, nhất là ao chứa chất thải, nước thải. Ông Tâm, cho biết: Chuẩn bị bước vào thời điểm chế biến dong riềng, chính quyền xã, cơ quan chức năng đã tuyên truyền, phổ biến các quy định và yêu cầu ký cam kết về bảo vệ môi trường. Trong đó, địa phương yêu cầu mỗi cơ sở chế biến phải xây dựng 5 bể (ao, hồ) để lắng đọng và xử lý vi sinh đối với nước thải và thực hiện các biện pháp giảm thiểu tối đa để tránh tác động tới môi trường; đồng thời cam kết xử lý đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành về môi trường. Vì vậy, gia đình tôi đã xây 8 bể lọc chứa bột với diện tích 7m3; đồng thời lát nền, đánh bóng để vệ sinh bể thuận tiện hơn. Ðể chứa chất thải, nước thải, tôi đã thuê máy xúc đào 3 ao với tổng diện tích gần 2.000m2, sẵn sàng phục vụ cho việc sơ chế từ 10 - 15 tấn củ dong riềng/ngày. Với diện tích ao chứa nước thải lớn như vậy, vụ này, tôi không lo thiếu chỗ chứa chất thải, nước thải.

Cũng giống như cơ sở chế biến của ông Lò Văn Tâm, đến thời điểm này, cơ sở chế biến dong riềng của gia đình ông Lò Văn Tươi ở bản Tà Cáng 1 (xã Nà Tấu) cũng đã chuẩn bị hệ thống ao, hồ để chứa chất thải rất chu đáo. 3 năm nay, năm nào, cơ sở của gia đình ông Tươi cũng chế biến, sơ chế từ 300 - 400 tấn củ/năm nên ông nhận thức được tầm quan trọng của việc chuẩn bị ao, hồ chứa chất thải là rất cần thiết. Ông Tươi chia sẻ: Hàng năm, cơ sở của gia đình chế biến khối lượng dong rất lớn, nên thải ra rất nhiều chất thải, nước thải. Biết rằng không thể xử lý triệt để nhưng để giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, gia đình tôi đào 5 ao chứa chất thải với tổng diện tích 3.000m2. Với 5 ao trên, tôi để chất thải, nước thải chảy từ ao này sang ao kia để cặn bã lắng đọng lại cho đến khi nước trong mới cho ra ao riêng. Còn lượng bã đọng lại ở ao, tôi tiến hành thu gom và ủ cho hoai mục để làm phân bón cho cây trồng. Bởi vì chính quyền xã đã yêu cầu phải thu gom, tận dụng triệt để bã thải dong riềng, không để ô nhiễm và thải ra môi trường; nếu cơ sở nào vi phạm thì sẽ bị xử lý nên gia đình tôi phải nghiêm túc chấp hành.

Về phía cơ quan chức năng, ông Lò Văn Hạnh, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ðiện Biên, cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện Ðiện Biên có 15 cơ sở sơ chế dong riềng; trong đó xã Nà Tấu có 10 cơ sở, Nà Nhạn 3 cơ sở và Mường Phăng có 2 cơ sở. Ðể hạn chế tác động tiêu cực do hoạt động chế biến dong riềng đến môi trường, trước mỗi vụ dong riềng, UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã thực hiện ký cam kết đối với các cơ sở; kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định đối với các cơ sở về bảo vệ môi trường. Ðồng thời, ban hành các văn bản chỉ đạo, thành lập các tổ công tác để kiểm tra, nhắc nhở và xử lý đối với các trường hợp vi phạm. 

Năm nay, sau khi nhận được hướng dẫn quy trình xử lý chất thải, nước thải trong chế biến dong riềng của Sở Tài nguyên và Môi trường, ngày 18/1/2018, UBND huyện đã ban hành Văn bản số 74/UBND-TNMT để hướng dẫn quy trình xử lý chất thải, nước thải trong chế biến dong riềng và khuyến khích các chủ cơ sở thực hiện xử lý theo hướng dẫn, áp dụng các quy trình tiên tiến trong xử lý chất thải, nước thải, bã thải khi chế biến dong riềng. Ðồng thời, chỉ đạo UBND các xã kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định đối với các cơ sở chế biến dong riềng vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường. Vừa qua, UBND huyện đã giao Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND 2 xã: Nà Tấu, Nà Nhạn phối hợp với Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh) kiểm tra, yêu cầu các cơ sở ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường khi chế biến dong riềng trên địa bàn. Cùng với đó là nhắc nhở và xử lý các trường hợp chế biến, sơ chế dong riềng nhưng chưa tu sửa, mở rộng và áp dụng các quy trình tiên tiến trong xử lý chất thải, nước thải, bã thải khu xử lý chất thải phù hợp.

Dù UBND huyện, các cơ quan chức năng huyện và chính quyền các xã đã triển khai nhiều giải pháp để hạn chế ô nhiễm môi trường do chế biến dong riềng nhưng để xử lý triệt để vẫn còn rất nhiều khó khăn. Vì vậy, để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do sản xuất dong riềng gây ra, thiết nghĩ, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của ngành chức năng và chính quyền địa phương, chủ các cơ sở sản xuất, sơ chế dong riềng cần nâng cao ý thức chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, đừng vì muốn nâng cao thu nhập mà hủy hoại môi trường xung quanh.

Phạm Quang
Bình luận
Back To Top