Gia tăng tình trạng tảo hôn ở Điện Biên Đông

09:33 - Thứ Năm, 11/10/2018 Lượt xem: 14089 In bài viết

ĐBP - Các biện pháp từ tuyên truyền, vận động đến xử phạt đều đã được áp dụng, nhưng tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông vẫn không giảm, thậm chí còn gia tăng, nhất là ở vùng dân tộc Mông. Hệ lụy của tảo hôn đã tác động trực tiếp đến sức khỏe, tâm sinh lý cả mẹ và con; làm giảm chất lượng dân số.

 

Cán bộ Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Ðiện Biên Ðông tuyên truyền, tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân cho học sinh Trường PTDTBT THCS Phì Nhừ.

Phì Nhừ là một trong những xã có tỷ lệ tảo hôn cao nhất huyện Ðiện Biên Ðông. Theo thống kê từ năm 2015 đến nay, toàn xã có 216 cặp kết hôn thì có gần 140 cặp tảo hôn. Riêng 6 tháng đầu năm 2018 có 37 cặp tảo hôn trong tổng số 53 cặp kết hôn. Ðộ tuổi tảo hôn trung bình từ 14 - 16 tuổi, thậm chí nhiều em mới chỉ 11 - 12 tuổi, đã phải làm vợ, làm mẹ. Ly Thị Mý sinh năm (SN) 2003, ở bản Pó Sinh A, xã Phì Nhừ) là trường hợp điển hình. Ðầu năm 2018, khi mới 15 tuổi, cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới thế nhưng Mý đã bỏ học đi lấy chồng. Còn quá trẻ nên mọi việc trong gia đình nhà chồng Mý chưa biết thu xếp, tất cả đều dựa vào bố mẹ chồng. Chồng Mý năm nay cũng mới 17 tuổi. Cuộc sống của hai vợ chồng trẻ gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Trò chuyện với chúng tôi, Ly Thị Mý cho biết: “Mình thích nhau thì lấy thôi, không ai ép buộc cả. Lấy nhau về, cả 2 vợ chồng đều không có việc làm, sắp tới sinh con lại càng khó khăn hơn”.

Cũng lập gia đình sớm như Mý là câu chuyện của vợ chồng Thào Thị Sua (SN 2004) và Giàng A Thanh (SN 2002), ở bản Huổi Hoa I, xã Keo Lôm. Năm 2017, Sua và Thanh tổ chức đám cưới mà không có đăng ký kết hôn vì chưa đủ tuổi. Cuộc sống vốn đã khó khăn, vất vả nay lại càng vất vả hơn khi Sua sinh con. Mới hơn 14 tuổi mà nhìn cả hai đã như ngoài 30 tuổi. Vợ chồng Thào Thị Sua và Giàng A Thanh là 1 trong 41 cặp tảo hôn trên địa bàn xã Keo Lôm tính từ năm 2017 đến nay. Ông Lò Văn Hoa, Phó Bí thư Ðảng ủy xã Keo Lôm, cho biết: Trên địa bàn xã vẫn còn tình trạng tảo hôn. Các em đi học, thích nhau rồi tự dẫn nhau về. Bố mẹ không cho cưới sợ các con nghĩ quẩn nên đành chấp nhận. Nhiều phụ huynh biết tác thành cho các cháu là vi phạm pháp luật nhưng vẫn phải làm. Chúng tôi đã tăng cường tuyên truyền, vận động, thậm chí áp dụng cả hình thức xử phạt nhưng chưa hiệu quả”.

Ông Vàng A Lồng, Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Ðiện Biên Ðông, cho biết: Trong những năm qua, mặc dù cấp ủy, chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác tuyên truyền về chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, Luật Hôn nhân và Gia đình. Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn trên địa bàn vẫn còn phổ biến, để lại những hậu quả nặng nề. 6 tháng đầu năm 2018, toàn huyện có 305 cặp kết hôn thì có đến 130 người chưa đến tuổi kết hôn (chiếm gần 43%). Trong số đó, chủ yếu là dân tộc Mông (126 người), Thái (2 người) và Xinh Mun (2 người). Một số xã có tỷ lệ tảo hôn ở mức cao đột biến, như: Tìa Dình 69%; Phình Giàng 64%; Phì Nhừ 57%; Xa Dung, Pú Hồng 44%... Nguyên nhân tảo hôn trước hết là do cách suy nghĩ, thói quen, hủ tục, trình độ dân trí chưa cao, điều này đồng nghĩa với sự hiểu biết về pháp luật đang còn rất nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, hiện nay hầu hết các địa phương chưa có biện pháp xử lý về mặt pháp luật, mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động. Một số cán bộ, đảng viên còn chưa thật sự gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật về luật hôn nhân gia đình nên một số con em cán bộ, đảng viên vẫn còn tảo hôn… Vì vậy, mặc dù công tác tuyên truyền đã được các cấp, ngành triển khai lồng ghép vào các hoạt động thường xuyên của địa phương, song chưa đạt hiệu quả cao.

Tình trạng tảo hôn làm ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản. Về lâu dài, sẽ dẫn đến tình trạng thoái hóa giống nòi, trẻ sơ sinh dễ mắc bệnh, suy dinh dưỡng, nguy cơ tử vong… ảnh hưởng đến chất lượng dân số. Tảo hôn còn gây hệ lụy cho các cặp vợ chồng về kinh tế. Nhiều cặp vợ chồng lấy nhau về không có việc làm, không ổn định kinh tế dẫn đến những mâu thuẫn, xô xát. Trường hợp của vợ chồng Vừ A Cho, bản Tìa Ló B, xã Noong U là minh chứng. Chỉ vì xích mích mà người vợ đã tìm đến cái chết bằng lá ngón, để lại Cho và 2 con nhỏ. Hay trường hợp của đôi vợ chồng trẻ Lầu Thị Dếnh và Giàng A Chơ (SN 1999) bản Chóp Ly, xã Keo Lôm. Hệ lụy của lấy chồng sớm (16 tuổi) và phải bươn chải lo toan cho cuộc sống gia đình đã làm cho Dếnh già hơn so với tuổi của mình. Không những vậy, do sinh con khi cơ quan sinh sản chưa phát triển hoàn thiện đã làm cho Dếnh thường xuyên đau ốm. Các con của Dếnh gầy ốm, chậm phát triển thường xuyên quấy khóc, trong khi kinh tế gia đình khó khăn đã khiến vợ chồng Dếnh liên tục xảy ra mâu thuẫn, xô xát. Nhiều lần Dếnh bị chồng đánh đập, chửi bới. Vì không chịu được cách đối xử của chồng, Dếnh đã bỏ chồng, bế con về nhà bố mẹ đẻ.

Ðể hạn chế tình trạng tảo hôn, những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, tập trung vào những đối tượng vị thành niên, đặc biệt là học sinh trong các nhà trường. Ðây là những đối tượng có nguy cơ cao về tảo hôn nếu không được giáo dục kịp thời. Có thể thấy, nguyên nhân tảo hôn đã được nhận diện, các giải pháp đã triển khai, nhưng kết quả chưa được như mong muốn. Câu chuyện tảo hôn ở vùng cao Ðiện Biên Ðông chưa có hồi kết.

Văn Tâm
Bình luận
Back To Top