Mường Phăng hôm nay

08:51 - Thứ Năm, 18/10/2018 Lượt xem: 11763 In bài viết

ĐBP - Cuối thu. Quốc lộ 279B Nà Tấu - Mường Phăng (huyện Ðiện Biên) như vừa được cọ rửa sạch sẽ vào sớm hôm nay. Dưới tán rừng trùng điệp, con đường ngoằn ngoèo lượn giữa những đồi cây xanh ngắt, giữa các bản làng râm ran tiếng trẻ học bài. Trong trẻo và nguyên khiết, thơ mộng và trữ tình, đường lẫn trong cây, cây lẫn trong mây còn mây thì lãng đãng bay trên bầu trời nơi cha anh ta từng sống những ngày “máu trộn bùn non” để làm nên một chiến thắng vĩ đại Ðiện Biên Phủ...

 

Nỗ lực chấn hưng nghề rèn đúc tại bản Che Căn, xã Mường Phăng.

Nhờ có sự liên hệ “tiền trạm” chu đáo của lãnh đạo Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Ðiện Biên Phủ, đoàn văn nghệ sỹ chúng tôi được đón tiếp thân mật tại trụ sở Ðảng ủy - HÐND - UBND xã Mường Phăng. Mở đầu buổi làm việc, Bí thư Ðảng ủy xã Mường Phăng - ông Chào Anh Nguyên, cho biết: Ðược sự quan tâm lãnh đạo của các cấp, các ngành, Mường Phăng đang từng bước đi lên trên con đường dựng xây và phát triển. Mấy chục năm trước, hầu hết các tiềm năng rừng, đất rừng và đất ruộng của xã chưa được phát huy một cách hiệu quả nhất. Từ chân đồi Phăng, cánh đồng bậc thang rộng hơn 100ha chạy tới các bản Xôm, bản Kéo... bà con chỉ mới canh tác mỗi năm một vụ lúa. Ðó là nguyên nhân cơ bản khiến không ít gia đình rơi vào cảnh khó khăn. Phải làm gì và làm thế nào để nâng cao mức sống cho nhân dân? Câu hỏi ấy trở thành nỗi thôi thúc trong tâm trí các đảng viên trong toàn Ðảng bộ, trở thành sự thách thức đối với chính quyền và lãnh đạo các ban trong xã. May mắn làm sao, cơ hội làm giàu đã đến với Mường Phăng, giúp Mường Phăng có thể đi lên bằng chính nội lực của mình.

Kể từ cuối năm 1997 và đầu năm 1998, Mường Phăng được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng. Ðiện, đường, trường, trạm gần như cùng lúc được xây dựng; trong đó, đặc biệt phải kể đến đoạn đường từ dốc Nà Nhạn vào trong xã đã được rải nhựa. Ngày Chiến dịch Ðiện Biên Phủ diễn ra, khoảng 1/3 chiều dài tuyến đường này là con đường “voi” ta vào trận. Vẫn còn đó những địa danh mộc mạc mà bất tử, đó là “Dốc bảy tời”, “Ðồi chuối”... nơi Anh hùng quân đội Tô Vĩnh Diện hy sinh thân mình để cứu một khẩu pháo khỏi bị rơi xuống vực. Phát huy tinh thần Ðiện Biên Phủ, ngày nay bà con các dân tộc Mường Phăng đã và đang tiến quân mạnh mẽ vào khoa học kỹ thuật, loại bỏ dần các hủ tục, từng bước xóa đói giảm nghèo đưa bản làng tới chỗ phồn vinh. Tại các bản Che Căn, Ðông Mệt, Cang, Yên, Phăng... đồng ruộng được gieo bằng giống mới hoàn toàn. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên đã cử về đây những kỹ sư giỏi nhất và tâm huyết nhất, hướng dẫn bà con phương pháp gieo sạ, phun thuốc diệt cỏ và sử dụng phân hữu cơ. Nhờ vậy, năng suất lúa của các bản này đạt 59 tạ/ha vụ chiêm xuân và 48 tạ/ha vụ mùa; đó là con số “nằm mơ” trước đây. Tiếng lành đồn xa, bà con người Khơ Mú, người Mông, người Thái ở các bản Vang, Kéo, Khôm, Xôm rủ nhau về học tập. Tranh thủ thời cơ, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện chủ động tổ chức các hội thảo đầu bờ, Ðảng bộ xã ban hành các nghị quyết về nông nghiệp, nhằm đưa năng suất lúa của xã lên một tầm cao mới.

Theo lời bà Thẳm Thị Hiên, Phó Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch UBND xã: với diện tích hơn 300ha ruộng 2 vụ, tổng sản lượng lương thực năm 2018 của Mường Phăng đạt xấp xỉ 2.600 tấn, bình quân lương thực đầu người đạt 530 kg/năm và là mức lương thực cao nhất của xã từ trước tới nay. Tính đến đầu tháng 10/2018, toàn xã còn 183 hộ nghèo (chiếm 14,61%), vượt chỉ tiêu Nghị quyết của Ðảng ủy, HÐND xã và kế hoạch giảm nghèo của UBND huyện giao. Ngoài canh tác ruộng nước, chủ trương của xã là khuyến khích các hộ phát triển kinh tế lâm nghiệp. Việc giao khoán đất rừng được tiến hành nhanh chóng, chính vì vậy mà gần 6.500ha rừng trồng và rừng tái sinh (trong đó có 200ha rừng nguyên sinh khu di tích lịch sử), được bảo vệ khá chu đáo. Hiện tại trong xã có hơn 50 hộ nông dân lập mô hình trang trại gia đình, kết hợp trồng rừng, chăn nuôi đại gia súc và trồng cây ăn quả. Theo thống kê, có tới 1/3 số bản trong xã thực hiện việc gieo trồng xen canh, giữa cây lương thực với các loại cây màu khác trong đó có một số loài hoa như: Ðào (giống DCF1), lan, tuy líp, hồ điệp... có gia đình thu nhập tới gần 150 triệu đồng/năm.

Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, vấn đề bản tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc cũng được quan tâm chỉ đạo và thực hiện; điển hình là Dự án Bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Thái, tại bản Che Căn. Theo đó, Dự án được hỗ trợ nguồn tài chính của Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa với mức đầu tư 9 tỷ đồng (Trung ương đầu tư 5 tỷ đồng, UBND tỉnh đầu tư 4 tỷ đồng), để tôn tạo 10 ngôi nhà sàn với những vật liệu truyền thống mang đặc trưng dân tộc Thái đen. Tiếp theo, phục hồi một số lễ hội dân gian: Xên bản, lễ cầu mưa... bảo tồn không gian cư trú sao cho hài hòa với thiên nhiên, gắn với phong tục, tập quán dân tộc; đồng thời, hỗ trợ bảo tồn nhạc cụ cổ truyền; phục hồi dưới hình thức trao truyền nghề dệt thổ cẩm, nghề rèn, nghề đan mây tre, nghề nấu rượu... của dân tộc Thái đen. Bằng những nỗ lực nhiều mặt của ngành chức năng (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch), của cấp ủy, chính quyền Mường Phăng và nhất là của nhân dân Che Căn (chủ thể của Dự án), lần lượt các Dự án thành phần được nghiệm thu đưa vào khai thác, ứng dụng.

Ðể có thêm thông tin về vốn văn hóa truyền thống dân tộc Thái, chúng tôi tranh thủ trao đổi với một người mà ngay cái họ đã mang đậm bản sắc Thái: Ðó là ông Cầm Văn Thịnh - dân tộc Thái (ngành Thái đen), hiện là Phó Bí thư Thường trực Ðảng ủy xã Mường Phăng. Ông Cầm Văn Thịnh cho biết: Khách quan mà nói, một khi đề cập đến văn hóa các dân tộc thiểu số Tây Bắc, đương nhiên phải kể đến văn hóa dân tộc Thái, trong đó có văn hóa ẩm thực với những món ăn đặc trưng, thơm ngon và hấp dẫn, được tạo nên bởi những kinh nghiệm và bí quyết riêng của đồng bào. Các món ăn của người Thái mang hương vị rất riêng, gia vị tạo nên cái riêng ấy là quả và lá cây trên rừng. Bữa cơm của người Thái thường là xôi đồ, rau rừng, cá hoặc thịt. Rau đồ chín chấm với chẩm chéo hoặc làm nộm, măng ngâm chua nấu cá hoặc phơi khô, một món rau rất riêng nữa là món rau chế biến từ rong rêu. Sở thích của người Thái là ăn cá nướng hoặc sấy khô để trên gác bếp ăn dần. Ðồng bào Thái ăn thịt thường chế biến thành món “lạp” hoặc sấy khô. Ðặc biệt, món thịt trâu, thịt bò luộc chấm với nậm pịa là món rất đặc trưng và đậm đà bản sắc Thái. Ðồ uống của đồng bào Thái là rượu cần hoặc rượu trắng, nguyên liệu chính là gạo và sắn, ủ men lá rừng uống say mà tinh thần vẫn sảng khoái, say mà không đau đầu, không mệt mỏi.

Thấm thoát đã gần 65 năm kể từ chiều 7/5/1954, cái ngày mà Ðờ-cát cùng Bộ chỉ huy của y kéo cờ trắng xin hàng. Hơn 6 thập kỷ trôi qua, địa danh Mường Phăng đã đi vào thơ ca nhạc hoạ, trở thành niềm tự hào không chỉ với người Việt Nam mà với cả nhân loại tiến bộ yêu chuộng tự do độc lập. Hàng ngày, nhất là dịp kỷ niệm chiến thắng, các đoàn khách trong nước và bạn bè quốc tế tấp nập tới Ðiện Biên trong đó nhiều đoàn vào thăm khu di tích Sở Chỉ huy Mường Phăng. Ngoài mục đích thăm lại khu di tích, du khách còn muốn tận mắt chứng kiến sự đổi thay kỳ diệu trên mảnh đất từng là “chiến khu” xưa. Vẫn biết đường lên phía trước còn dài, khó khăn thách thức đang chờ đợi trên từng chặng ta qua. Tuy nhiên, thành quả mà Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Mường Phăng đã đạt được thật đáng để chúng ta vui mừng, tin tưởng. Ðược sự lãnh đạo của Ðảng và Nhà nước, sự giúp đỡ của các ngành, các cấp, công cuộc xây dựng nông thôn mới của cán bộ và nhân dân Mường Phăng nhất định sẽ có thêm điều kiện bứt phá, vượt lên phía trước và vượt lên chính mình với tinh thần Ðiện Biên Phủ năm xưa. Trong lòng nhân dân Việt Nam nói riêng và nhân dân thế giới nói chung, cùng với cái tên vàng Ðiện Biên Phủ thì Mường Phăng vĩnh viễn là một địa danh sáng chói - một địa danh không chỉ là niềm tự hào, là biểu tượng chiến thắng mà còn là sự cổ vũ, khích lệ mỗi chúng ta...

Trương Hữu Thiêm
Bình luận
Back To Top