Nan giải bài toán giảm tỷ lệ sinh con thứ 3

09:48 - Thứ Năm, 18/10/2018 Lượt xem: 12385 In bài viết

ĐBP - Trong số 948 trẻ sinh ra trên địa bàn huyện Mường Nhé 9 tháng qua thì có tới 211 trẻ là con thứ 3 trở lên (chiếm 22,3%) khi tỷ lệ toàn tỉnh chỉ là 19,58%; đứng “tốp” đầu trong các huyện, thị của tỉnh. Những năm qua, dù cấp ủy, chính quyền các cấp đã có sự vào cuộc quyết liệt, nhưng vấn đề sinh con thứ 3 ở Mường Nhé vẫn đang là bài toán nan giải, khiến cuộc sống người dân cứ trong vòng luẩn quẩn đói nghèo.

 

Do sinh nhiều con nên cuộc sống gia đình chị Vàng Thị Cá gặp nhiều khó khăn.

Chúng tôi đến bản Nậm Pố 3 (xã Mường Nhé) khi mưa phùn rả rích. Con đường độc đạo dẫn vào trung tâm bản chưa đầy 1km ấy vậy mà chúng tôi phải quốc bộ hơn nửa giờ đồng hồ để vượt qua con đường trơn trượt, nhớp nháp bùn lầy với nhiều ổ trâu, ổ gà mới đến được nhà Trưởng bản Thào A Chù. Chưa kịp nghỉ ngơi, xỏ vội đôi ủng, Trưởng bản Thào A Chù, bảo: “Phải đi ngay để còn kịp gặp bà con, chứ mặt trời lên là người dân đi làm nương hết, không gặp được ai”. Ngôi nhà đầu tiên, Trưởng bản Thào A Chù dẫn chúng tôi đến là hộ chị Vàng Thị Cá. Nói là nhà chứ không khác gì túp lều chưa đầy 40m2 mái lợp tạm bợ bằng bạt; thưng là những tấm ván cong queo, mảnh bao tải dán chằng chịt chắn gió lùa. Ðây là nơi ở của vợ chồng chị Cá và 11 người con (chưa kể dâu, rể). Ái ngại hơn, mặc dù mới ngoài 40 tuổi, nhưng nhìn chị như ngoài 60 tuổi do gương mặt đen sạm, khắc khổ, già nua vì lo toan cuộc sống mưu sinh. Vớt vội nồi măng, chuẩn bị cho bữa cơm trưa, chị Cá giãi bày: “Trước đây, cũng biết đẻ nhiều thì khổ đấy, nhưng quan niệm, tập quán mọi người đều thế! Phải đẻ nhiều mới có người để cày cấy, chăm lo cho mình lúc tuổi già”. Cuộc sống vốn dĩ khó khăn, vất vả lại đông con nên gia đình tôi luôn “thiếu trước hụt sau”; đất sản xuất, canh tác đã ít lại không có trâu, bò cày cấy nên cuộc sống cứ trong vòng luẩn quẩn đói nghèo. Vào thời điểm giáp hát, có năm thiếu đói 3 - 4 tháng. Nói đến chuyện học hành của các con, đôi mắt chị Cá ướt nhòe, nghẹn ngào cho biết: Các con tôi, đa phần đều bỏ học để phụ giúp bố mẹ. Bây giờ chỉ còn 3 đứa đi học nhưng nếu Nhà nước không hỗ trợ thì gia đình tôi cũng không thể lo cho các con tới trường.

Theo Trưởng bản Thào A Chù, không riêng gì gia đình chị Vàng Thị Cá mà trong bản có rất nhiều hộ sinh con thứ 3 trở lên (160/213 hộ sinh con thứ 3 trở lên). Mặc dù, trong các buổi họp bản, chúng tôi thường xuyên lồng ghép, phân tích cho bà con hiểu hệ lụy của việc sinh con thứ 3 trở lên, là nguyên nhân dẫn đến đói nghèo lạc hậu, thể trạng còi cọc... Nhưng một số cặp vợ chồng vẫn cố tình không sử dụng các biện pháp tránh thai. Khi mang thai họ không đến cơ sở y tế khám định kỳ và thường sinh con tại nhà rất nguy hiểm. Khi cán bộ bản, xã đến nhắc nhở, họ lại nói rằng “vỡ kế hoạch”.

Lý giải về nguyên nhân có nhiều cặp vợ chồng sinh con thứ 3 trở lên tại đây, theo ông Hảng A Tồng, Phó Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Mường Nhé: Phần lớn là do tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”. Biết cuộc sống kham khổ, nghèo đói nhưng vẫn giữ quan niệm sinh con trai để nối dõi tông đường. Khi chưa có con trai thì vẫn phải đẻ cố... Phụ nữ vẫn mang nặng tư tưởng, lối sống “cam chịu” nên việc tiếp cận các biện pháp tránh thai hiện đại gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí, nhiều chị em còn bị chồng ruồng bỏ, đánh đập khi thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại. Ðặc biệt, đối với huyện Mường Nhé, tỷ lệ người dân theo đạo cao; khó quản lý, kiểm soát các đối tượng di dịch cư tự do vào địa bàn. Mặt khác, một số cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng và tính chất phức tạp, khó khăn lâu dài của công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình nên còn chủ quan, buông lỏng sự lãnh đạo, chỉ đạo; công tác kiểm tra, giám sát chưa được thực hiện thường xuyên. Tỷ lệ sinh con thứ 3 tăng làm giảm chất lượng cuộc sống của người dân, tạo áp lực lớn đối với công tác an sinh xã hội. Thực tế cho thấy, chế tài xử phạt đối với người dân không có, ngay cả chế tài xử phạt áp dụng với cán bộ Nhà nước vi phạm cũng chưa đủ sức răn đe. Hiện nay, toàn huyện có 117 cộng tác viên dân số nhưng kinh phí hỗ trợ chỉ được 100.000 đồng/tháng; đối với các thôn, bản việc chi trả tiền thù lao đối với y tá thôn, bản phụ trách công tác dân số cũng rất thấp (50.000 đồng/tháng) nên chưa huy động được sức mạnh tổng hợp trong việc tiếp cận các đối tượng đã và đang có ý định sinh con thứ 3 trở lên.

Ðể giải quyết bài toán đói nghèo do gia tăng dân số, nhiều giải pháp đã được huyện Mường Nhé đưa ra bàn thảo. Ông Hảng A Tồng cũng thẳng thắn thừa nhận, đây không phải là việc làm đơn giản mà cần có chiến lược lâu dài, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Trước mắt, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức cho người dân trong thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình; thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo gắn với giảm các chỉ tiêu về dân số cho các đối tượng là hộ nghèo. Vận dụng phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” nhằm giúp người dân thông suốt về tư tưởng, giải tỏa về tâm lý, thực hiện tốt khẩu hiệu “Dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt”. Ðặc biệt, cần nêu cao vai trò gương mẫu, tự giác chấp hành chính sách của cán bộ, đảng viên trong thực hiện các chính sách về dân số. Ðồng thời, cần “mạnh tay” trong những chính sách, chế tài xử lý đối với các trường hợp vi phạm.

Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top