Ðẩy lùi bạo lực gia đình, xây dựng xã hội bình đẳng

09:38 - Thứ Sáu, 19/10/2018 Lượt xem: 12914 In bài viết

ĐBP - Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tình trạng bạo lực gia đình (BLGÐ) trên địa bàn tỉnh thời gian qua có những chuyển biến tích cực. Thông qua công tác tuyên truyền của các cấp, ngành, các địa phương, nhận thức của người dân từng bước được nâng lên, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc và tiến bộ.

 

Phụ nữ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham gia hội thi nấu ăn hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam và Tháng Hành động quốc gia về Phòng, chống BLGÐ năm 2018.

Bà Ðỗ Thị Nhung, Phó trưởng Phòng Xây dựng nếp sống và Gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cho biết: BLGÐ có nhiều nguyên nhân, song đầu tiên phải kể đến đó là liên quan đến tệ nạn xã hội, kinh tế khó khăn, mâu thuẫn gia đình… Nạn nhân của BLGÐ không chỉ dừng lại ở phụ nữ mà xảy ra cả ở trẻ em và người già. Ðể ngăn chặn tình trạng trên, những năm qua, các cấp, ngành, đặc biệt là ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác gia đình, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa; triển khai, tổ chức các hội thi, cuộc thi về công tác gia đình; tuyên truyền, phổ biến Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới; các quy định, nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng, chống BLGÐ...

Nhằm đánh giá cụ thể hơn những kết quả đạt được trong công tác phòng chống BLGÐ, vừa qua các sở, ngành liên quan đã tổ chức đánh giá quá trình 10 năm triển khai thực hiện Luật Phòng, chống BLGÐ. Kết quả cho thấy, các sở, ngành, đơn vị, địa phương thường xuyên thực hiện tốt việc lồng ghép các hoạt động về phòng, chống BLGÐ vào các chương trình, kế hoạch của ngành, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhằm quán triệt, phổ biến chính sách pháp luật về phòng, chống BLGÐ, bình đẳng giới; quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ và kỹ năng ứng xử của các thành viên trong gia đình; hậu quả của BLGÐ và các biện pháp, kinh nghiệm trong phòng, chống BLGÐ. Hàng năm, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống BLGÐ đã được các sở, ban, ngành thực hiện, nhất là việc tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động và nhân dân bằng nhiều hình thức phong phú, như: Tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, treo pa nô, băng rôn, khẩu hiệu, tổ chức tọa đàm, hội thảo, hội thi... Bằng nhiều hình thức, mỗi năm, toàn tỉnh có hàng chục nghìn lượt người được tuyên truyền các nội dung về công tác gia đình cũng như các nội dung liên quan.

Với nỗ lực của các cấp, ngành, số vụ BLGÐ trên địa bàn toàn tỉnh đã giảm đáng kể. Nếu như năm 2009, trên địa bàn tỉnh xảy ra 798 vụ (trong đó, 135 vụ bạo lực đối với người già; 379 vụ bạo lực đối với phụ nữ, 284 vụ bạo lực đối với trẻ em); thì đến năm 2018 số vụ BLGÐ giảm còn 54 vụ (trong đó, 3 vụ bạo lực đối với người già; 44 vụ bạo lực phụ nữ; 6 vụ bạo lực nam giới và 1 vụ bạo lực trẻ em). Có được kết quả trên là nhờ các cấp, ngành, đoàn thể đã chú trọng việc thành lập các câu lạc bộ, nhóm phòng, chống BLGÐ, gia đình phát triển bền vững. Ðến nay, mô hình phòng, chống BLGÐ đã được triển khai đến 10/10 huyện, thị, thành phố; 45/130 xã, phường, thị trấn có ban chỉ đạo của mô hình. Toàn tỉnh có hơn 900 địa chỉ tin cậy, trong đó trên 300 địa chỉ tin cậy do các cơ sở Hội thành lập tại 130 xã, phường, thị trấn; hơn 1.800 tổ hòa giải cơ sở với 9.502 hòa giải viên... Các địa chỉ tin cậy cơ bản hoạt động hiệu quả, nhanh chóng can thiệp giải quyết kịp thời các vụ việc BLGÐ xảy ra.

Từ khi Luật Phòng, chống BLGÐ được triển khai thực hiện, nhất là sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, nhận thức về phòng, chống BLGÐ của toàn xã hội được nâng lên; tình trạng BLGÐ hàng năm giảm đáng kể; các mô hình, câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững được duy trì có chất lượng... đã góp phần ổn định xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chất lượng cuộc sống của các cá nhân và gia đình được cải thiện” -  bà Ðỗ Thị Nhung nhận định.

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận
Back To Top