Hướng phát triển đô thị xanh, bền vững

08:44 - Thứ Năm, 25/10/2018 Lượt xem: 12909 In bài viết

ĐBP - Phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh theo hướng tăng trưởng xanh luôn là vấn đề được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm thực hiện thông qua các mục tiêu tăng trưởng và phát triển kinh tế, hoạt động đô thị, giải quyết các vấn đề môi trường. Qua đó nhằm giảm những tác động bất lợi đối với môi trường và nguồn tài nguyên thiên nhiên, không để ảnh hưởng đến hình ảnh đô thị, điều kiện và môi trường sống của người dân cũng như yêu cầu phát triển bền vững.

 

Một góc TP. Ðiện Biên Phủ hôm nay. Ảnh: C.T.V

Ông Nguyễn Thành Phong, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Vấn đề được quan tâm hàng đầu trong phát triển đô thị đó là việc tuân thủ theo quy hoạch, kế hoạch và có cách tiếp cận theo hướng bền vững, đáp ứng tiêu chí đô thị xanh, đô thị sinh thái. Các quy hoạch không gian đô thị phải đảm bảo hài hòa kinh tế - sinh thái, thân thiện môi trường, thuận lợi cho phát triển giao thông công cộng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 7 đô thị (5 đô thị cấp huyện và 1 thị xã, 1 thành phố). Kiến trúc đô thị ngày càng được chú trọng, bộ mặt đô thị thay đổi, khang trang hơn. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội tiếp tục được cải tạo, nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới theo hướng bảo đảm dài hạn, đồng bộ và bền vững. Trung tâm các huyện mới chia tách được chú trọng đầu tư vào kết cấu hạ tầng, mạng lưới trường học, các công trình văn hóa được nâng cấp, xây dựng mới... bước đầu hình thành dáng dấp khu trung tâm đô thị. Công tác quy hoạch đô thị được tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung các đô thị, nhất là từ năm 2010 trở lại đây, như: thị trấn huyện lỵ Ðiện Biên Ðông, Mường Chà, Tuần Giáo, Tủa Chùa; lập quy hoạch chung của đô thị mới huyện Nậm Pồ; đồng thời xác định TP. Ðiện Biên Phủ là đô thị đặc biệt quan trọng của tỉnh và được phê duyệt quy hoạch chung vào năm 2011; phê duyệt 5 quy hoạch thuộc khu đô thị phía Ðông và khu trung tâm hiện hữu làm cơ sở cho việc triển khai di chuyển trung tâm tỉnh lỵ vào khu vực phía Ðông và thu hút các nguồn vốn đầu tư. Trong đó, quy hoạch chung xây dựng đô thị của địa phương được lồng ghép các mục tiêu tăng trưởng xanh.

TP. Ðiện Biên Phủ hiện là đô thị cấp III đã và đang được xây dựng theo hướng tăng cường bản sắc, hình ảnh riêng về thành phố bảo tàng bằng giải pháp thiết lập hệ thống không gian gồm: mặt nước, cây xanh và văn hóa gắn kết với các khu di tích lịch sử, cảnh quan thắng cảnh, tối thiểu 60% diện tích thành phố và vùng phụ cận được dành cho không gian mở. Với tầm nhìn dài hạn cung cấp một khu vực “vành đai xanh” xung quanh thành phố cũng như một số khu vực xanh nhỏ hơn ở các khu đô thị mới, khu chức năng mới độc lập ở vùng phụ cận. Vành đai xanh này sẽ là nơi giao thoa 3 hình ảnh về Ðiện Biên Phủ là thành phố bảo tàng di tích, thành phố du lịch sinh thái và thành phố văn hóa truyền thống Tây Bắc. Từ đó, thúc đẩy sự hình thành các trung tâm đô thị mới và tạo thuận tiện cho giao thông công cộng giữa trung tâm đô thị mới (Noong Bua) với khu nội đô hiện hữu và các khu đô thị mới.

Theo Ðề án Phát triển hệ thống đô thị giai đoạn 2016 - 2020 của UBND tỉnh, đến năm 2020, TP. Ðiện Biên Phủ đạt đô thị loại II, TX. Mường Lay đạt đô thị loại IV; 6 đô thị loại V. Ðến nay, các đô thị thị trấn Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Ảng, Mường Chà, Ðiện Biên Ðông và trung tâm huyện lỵ Mường Nhé cơ bản đảm bảo các tiêu chí của đô thị loại V. Thực hiện mục tiêu phát triển đô thị tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, cuối tháng 7 vừa qua, HÐND tỉnh đã ban hành nghị quyết thông qua Ðồ án Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Ðiện Biên đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Ðây là bước ngoặt quan trọng góp phần xây dựng các đô thị trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định, bền vững, gắn phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh. Ðến năm 2020, thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP. Ðiện Biên Phủ và các đô thị trên địa bàn, lồng ghép mục tiêu phát triển đô thị tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu. Giai đoạn từ năm 2020 - 2030 sẽ hoàn thành việc lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về phát triển đô thị tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu trong điều chỉnh quy hoạch chung đô thị được duyệt trước năm 2015 và các quy hoạch chung đô thị được duyệt mới…

Cùng với việc đánh giá thực trạng phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, tỉnh tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông đô thị, chương trình phát triển đô thị, lồng ghép mục tiêu phát triển đô thị tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu. Huy động nguồn lực, ứng dụng khoa học công nghệ và đầu tư xây dựng phát triển đô thị tăng trưởng xanh với 5 nội dung ưu tiên, như: đầu tư phát triển hệ thống đô thị theo các chương trình mục tiêu, nâng cao hiệu quả kết nối đô thị - nông thôn; đầu tư hạ tầng kỹ thuật giao thông xanh, xử lý rác thải, nước thải đô thị; đầu tư xây dựng, cải tạo các khu dân cư thu nhập thấp; xây dựng kế hoạch và đầu tư xây dựng không gian công cộng đô thị, xanh hóa cảnh quan đô thị… Xây dựng không gian xanh công cộng đô thị gắn với mặt nước tự nhiên, hồ, sông; cải tạo tái thiết các không gian công cộng lịch sử trong đô thị; xây dựng không gian công cộng đô thị, xanh hóa cảnh quan đô thị, tăng cường năng lực thoát nước cho đô thị… Tỉnh ưu tiên triển khai một số dự án, như: Chương trình đô thị miền núi phía Bắc - TP. Ðiện Biên Phủ; hạ tầng khung khu đa chức năng dọc trục đường 60m; cải tạo, nâng cấp hạ tầng đường Võ Nguyên Giáp; các hạng mục công trình khu trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh tại phường Noong Bua; nhà máy xử lý rác thải Ðiện Biên; các dự án khu đô thị mới, khu nhà ở trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ, huyện Ðiện Biên; khu đô thị mới Nam Thanh Trường; cải tạo nâng cấp, đầu tư mới hệ thống kè, công viên, cảnh quan hai bờ sông Nậm Rốm; các công trình hạ tầng kỹ thuật tại các đô thị trên địa bàn; chợ thị trấn Tuần Giáo (huyện Tuần Giáo)… Tạo dựng nền tảng vững chắc phát triển các đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, đảm bảo phát triển kinh tế khu vực đô thị nhanh, bền vững, góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, cũng như năng lực chống chịu, ứng phó biến đổi khí hậu của hệ thống đô thị.
Minh Thùy
Bình luận
Back To Top