Hoàn lương chưa bao giờ là quá muộn

09:22 - Thứ Năm, 25/10/2018 Lượt xem: 12322 In bài viết

ĐBP - Nhận quyết định mãn hạn tù, “Rời khỏi Trại giam Yên Hạ (Sơn La), tôi như kẻ đứng giữa ngã ba đường không biết đi về hướng nào. Mặc cảm, có lỗi với gia đình, tự ti với xã hội” - Ðó là trải lòng của anh Nguyễn Mạnh Hà, thôn C9C, xã Thanh Xương (huyện Ðiện Biên) về những ngày tháng đen tối nhất của cuộc đời cách đây gần 15 năm. 

 

Anh Nguyễn Mạnh Hà thu thóc giúp người dân trong xóm.

Chúng tôi gặp anh Hà khi anh dẫn đội bóng chuyền nữ của thôn C9C đi thi đấu nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10) với vai trò là trưởng thôn. Không ồn ào như những cổ động viên khác, “thủ lĩnh” của thôn C9C lặng lẽ ngồi bên ghế đá của sân trụ sở UBND xã Thanh Xương cổ vũ cho đội nhà.

Cứ ngỡ với cương vị trưởng thôn như hiện tại của anh Hà, tôi sẽ rất khó khăn khi đặt vấn đề viết về anh, nhất là về những lỗi lầm ở thì quá khứ và con đường hoàn lương, để được người dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn như hiện tại. Trái ngược với suy nghĩ của tôi, anh Hà rất cởi mở, mời chúng tôi đến chơi nhà khi đội bóng chuyền thôn C9C của anh vừa kết thúc trận đấu.

Không giấu giếm quá khứ lầm lỗi, người trưởng thôn 57 tuổi Nguyễn Mạnh Hà điềm đạm nhấp chén nước chè, nhớ lại: Những năm 80 của thế kỷ trước, khi người dân cả khu vực lòng chảo Ðiện Biên chủ yếu đi xe đạp Thống Nhất, người nào oách lắm thì đi xe Mi Pha, trong khi đó anh đã có xe máy Simson, rồi xe Minsk chạy khắp phố huyện. Ngày ấy anh làm nghề kinh doanh thu mua nông sản, đại gia súc và tất cả các mặt hàng nhu yếu phẩm. Buôn bán thuận lợi nên anh cũng có tiền, thích gì mua nấy, sắm sanh đủ thứ trong nhà: Từ đèn đồng Măng sông đến máy phát điện - những thứ mà thời điểm đó nhiều người ở huyện còn chưa dám mơ tới…

Ðến năm 2000, anh Hà đã tậu được chiếc ô tô bán tải phục vụ cho việc kinh doanh. Có xe, anh đến tận các xã, bản xa nhất của huyện để thu mua hàng hóa. Người dân cũng thích bán nông sản cho anh, vì họ không phải gùi thóc, gạo đi bộ cả ngày đường xuống chợ Pom Lót, chợ Bản Phủ hay Phố Cũ đổi mì chính, xà phòng 72…

Công việc làm ăn phất, anh dự tính sẽ mua nhà trên phố huyện để tiện việc con cái đi học, còn chỗ ở hiện tại sửa sang làm xưởng tập kết, trao đổi nông sản; mở một trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và vừa là điểm cung cấp thịt thương phẩm cho toàn khu vực. Trớ trêu thay, cùng với thành công nhờ nhạy bén trong kinh doanh, người thanh niên trẻ Nguyễn Mạnh Hà cũng không biết mình đã sa đà nghiện chất ma túy từ khi nào.

Một ngày năm 2002, công an ập vào nhà bắt quả tang khi anh đang sử dụng ma túy, trước sự ngỡ ngàng của vợ con, hàng xóm và cả những người làm thuê cho anh. Mọi dự định coi như chấm hết, anh Hà lĩnh án 2 năm tù giam về tội sử dụng trái phép chất ma túy.

Giọng người Trưởng thôn C9C chùng xuống khi nhớ lại những ngày mới ra tù (năm 2004): “Tôi như kẻ vô dụng, không làm được gì để đỡ đần vợ con và tiêu cho hết thì giờ. Bạn bè cũ nghe nói mình về đều rất vồn vã, sẵn sàng lôi đi ăn uống đủ kiểu, nhưng cứ hễ đề cập đến công việc hoặc vay tiền là họ lại lảng đi. Hết ngày này qua ngày khác tôi ngồi nhà nuối tiếc cuộc sống sung túc trong quá khứ; tự ti, mặc cảm với hiện tại, trong khi những người tôi đã từng xem nhẹ, coi họ không cùng “đẳng cấp” và cả những người từng làm thuê cho tôi giờ đã có cuộc sống đủ đầy. Tất cả những đổi thay đó như muốn nhấn chìm tôi xuống bùn đen. Anh Hà bảo: “Sau những ngày day dứt, tự vấn lương tâm tôi nghiệm ra, muốn người khác tin tưởng thì trước hết bản thân mình phải xứng đáng với điều đó; và nếu không đoạn tuyệt với ma túy, cứ ngồi nhà để nuối tiếc những gì đã mất, trốn tránh, xa lánh mọi người, không tự mình đứng lên thì con đường đến với trại giam chỉ là một sớm một chiều; lúc ấy vợ con khổ, phụ công ơn đấng sinh thành…”.

Nghĩ như thế, anh Hà bắt đầu làm lại cuộc đời từ những việc đơn giản nhất: Sống hòa đồng với mọi người, ai có công có việc gì thì làm hộ; hàng xóm phơi thóc gặp trời mưa chạy sang thu giúp; ruộng nhà ai nhiều cỏ không làm kịp anh chủ động ngỏ ý làm đổi công… Từ những hành động nhỏ nhặt chân thành, dần dần anh được bà con chòm xóm quý mến, tin tưởng và bầu làm Trưởng ban Công tác mặt trận của thôn, đến năm 2017, anh Hà được tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn C9C. 

Ngoài thực hiện tốt công tác đoàn thể tại địa phương, anh Hà còn là một nông dân gương mẫu, chăm chỉ lao động. Năm 2017 anh được Công an tỉnh tạo điều kiện cho vay 10 triệu đồng từ “Quỹ hoàn lương” để mở rộng sản xuất, chăn nuôi. Với số tiền đó, cộng thêm vốn tích cóp anh Hà đã mở rộng diện tích chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp. Hiện gia đình anh nuôi trên 70 con lợn thương phẩm, cấy gần 8.000m2 lúa, trồng gần 3.000m2 hoa màu…

Còn nhớ cuối năm 2017, tỉnh tổ chức Hội nghị Sơ kết thực hiện Nghị định 80/2011/NÐ-CP của Chính phủ quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Tại hội nghị, anh Nguyễn Mạnh Hà vinh dự được Giám đốc Công an tỉnh tặng Giấy khen vì đã thực hiện tốt chủ trương trên. Nhìn anh nghẹn ngào phát biểu tại hội nghị, tôi hiểu đó không phải là giọt nước mắt muộn màng, mà là giọt nước mắt của hạnh phúc và lòng biết ơn.

Tú Anh
Bình luận
Back To Top