Bất cập tình trạng tự sinh con tại nhà ở Pa Pốm

09:03 - Thứ Hai, 29/10/2018 Lượt xem: 11487 In bài viết

ĐBP - Chỉ cách Trung tâm Y tế TP. Ðiện Biên Phủ khoảng 6km, đã có đường bê tông và mất chưa đầy 20 phút đi xe máy từ bản đến trạm y tế xã, vậy nhưng, nhiều năm nay, nhiều phụ nữ ở bản Pa Pốm, xã Thanh Minh (TP. Ðiện Biên Phủ) vẫn chọn cách tự sinh con ở nhà thay vì đến các cơ sở y tế. 

 

Chị Thào Thị Vang với đứa con được sinh nở tại nhà.

Cả 4 lần sinh con là cả 4 lần đều tự tay đỡ đẻ cho chính mình, đó là trường hợp của Thào Thị Vang (25 tuổi). Bế trên tay đứa con nhỏ mới hơn 1 tháng tuổi, Vang chia sẻ: Cách đây 8 năm, khi tôi sinh con đầu lòng, lúc có dấu hiệu sắp sinh chồng tôi đi vắng, nên một mình tôi tự sinh tại nhà. Sau đó mới báo cho người nhà và y sĩ ở trạm y tế xã biết. Bản thân tôi từ trước tới giờ đều quen với việc đi nương nặng nhọc, kể cả khi đang mang thai, vận động nhiều nên việc sinh đẻ rất dễ dàng. Bởi vậy, 3 đứa con sau tôi đều đẻ ở nhà và tự tay đỡ. Khi được chúng tôi hỏi tại sao không đến cơ sở y tế để sinh mà lại chọn ở nhà, chị Vang chia sẻ rằng do cảm thấy e ngại, xấu hổ việc cho người khác nhìn thấy cơ thể mình nên không muốn đi.

Cách đấy không xa là gia đình Giàng Thị Bia, cũng vừa mới sinh đứa con thứ 3 tại nhà. Qua tâm sự của Bia, chúng tôi được biết, 2 lần sinh trước vì có dấu hiệu chuyển dạ lâu, đau nhiều mà không đẻ được nên gia đình mới đưa đến Bệnh viện Ða khoa tỉnh để mổ. Còn khi sinh đứa con thứ 3, có dấu hiệu nhanh, không thấy đau bụng mấy nên Bia đã đẻ luôn ở nhà. Vì y tế bản là nam nên Bia cũng không gọi đến hỗ trợ mà việc đỡ đẻ đều do mẹ chồng và em dâu, những người chưa từng được tập huấn hay học qua một trường lớp nào về sinh đẻ thực hiện.

Không chỉ riêng trường hợp của Bia hay Vang, được biết, rất nhiều phụ nữ ở bản Pa Pốm đều coi việc tự sinh con tại nhà là chuyện bình thường. Thống kê những năm gần đây cho thấy, năm 2016, cả bản có 8 thai phụ thì có 4 trường hợp sinh con tại nhà, năm 2017 có 11 người sinh thì có 6 trường hợp chọn sinh ở nhà. Tính từ đầu năm đến nay, trong tổng số 4 người sinh thì cả 4 người đều sinh con tại nhà. Theo Y sĩ sản nhi Vũ Thị Hường, Trạm Y tế xã Thanh Minh, thì việc tự sinh con tại nhà thực sự là vấn đề đáng lo ngại. Bởi nếu không có cán bộ y tế hỗ trợ trong quá trình chuyển dạ sinh con và theo dõi, chăm sóc sau sinh rất có thể dẫn đến những nguy cơ tai biến như: băng huyết, vỡ tử cung, nhiễm trùng, mất tim thai, uốn ván sơ sinh… Thậm chí là tử vong cả mẹ và con. Vì vậy, thai phụ nên đến các cơ sở y tế để sinh con tránh những trường hợp nguy hiểm có thể xảy ra. Ở bản Pa Pốm, tuy nhiều trường hợp sinh con tại nhà, nhưng may mắn là nhiều năm nay chưa có trường hợp nào gặp tai biến hay uốn ván ở trẻ sơ sinh. Cũng bởi vậy, nên người dân càng chủ quan, không lường trước những nguy hiểm có thể xảy ra đối với cả mẹ và con.

Tìm hiểu được biết, ngoài nguyên nhân điều kiện kinh tế khó khăn thì một phần là do tâm lý của phụ nữ Mông ngại và xấu hổ. Ðặc biệt là những vấn đề liên quan đến “thân thể người phụ nữ” nên đa số chọn cách sinh con tại nhà. Bên cạnh đó, nhiều gia đình còn quan niệm việc sinh nở không nên có sự tham gia của người ngoài, kể cả cán bộ y tế, thế nên mặc dù có nhân viên y tế bản đã được đào tạo về đỡ đẻ nhưng chưa bao giờ được các gia đình nhờ đỡ đẻ, mà hầu hết đều do những người thân trong gia đình đỡ, như mẹ đẻ, mẹ chồng, chồng, cá biệt có trường hợp còn tự đỡ đẻ cho mình. Ngoại trừ một số trường hợp hay đau ốm, cảm thấy ca đẻ khó khăn, hoặc có sự can thiệp, động viên kịp thời của cán bộ y tế họ bắt buộc phải đến cơ sở y tế để can thiệp.

Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó trưởng Trạm Y tế xã Thanh Minh cho biết: Bản Pa Pốm 100% là đồng bào dân tộc Mông, nhận thức còn nhiều hạn chế. Nhiều năm nay, trung bình mỗi tháng cán bộ của trạm phải đến bản vài lần rà soát, tuyên truyền, vận động chị em đang mang thai đến trạm y tế đăng ký quản lý thai, khám định kỳ, khuyến cáo về những mối nguy hiểm có thể gặp phải khi sinh con tại nhà, vận động các gia đình đưa sản phụ đến cơ sở y tế sinh con. Tuy nhiên, do những thói quen “cố hữu”, nên thời điểm quan trọng nhất là “vượt cạn” thì nhiều trường hợp vẫn “âm thầm” thực hiện tại nhà. Cán bộ y tế chỉ được biết sau khi chị em đã đẻ xong, bởi vậy cũng chỉ thực hiện được công tác thăm khám sau đẻ. Ðã có trường hợp, khi thấy thai phụ đến ngày sinh nở, cán bộ y tế vận động được sản phụ xuống Trung tâm Y tế nằm chờ đẻ, đồng thời xin hỗ trợ viện phí cho gia đình từ quỹ hỗ trợ người nghèo của Trung tâm Y tế thành phố. Tuy nhiên, nằm được 1, 2 hôm chưa thấy có dấu hiệu đẻ, gia đình  nằng nặc xin về rồi không quay lại cơ sở y tế nữa mà cho tự đẻ ở nhà. Thậm chí có trường hợp sản phụ sinh xong còn sót nhau thai, rất may cán bộ y tế đã có mặt can thiệp kịp thời, đưa đến trung tâm y tế điều trị, nếu không rất có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Người xưa có câu “cửa sinh cửa tử” để nói về mức độ nguy hiểm của việc sinh đẻ, thiết nghĩ để giảm tình trạng tự sinh con tại nhà như nhiều phụ nữ ở bản Pa Pốm, các cơ quan chức năng cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa. Trong đó, quan trọng nhất là phải thay đổi nhận thức của người dân, từ đó tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận
Back To Top