Kiểm soát, xử lý xe quá tải trọng

“Một tay không thể vỗ nên kêu”

09:25 - Thứ Hai, 29/10/2018 Lượt xem: 10804 In bài viết

ĐBP - Từ cuối năm 2017, Sở Giao thông - Vận tải đã tham mưu cho UBND tỉnh ra Quyết định 1289/QÐ-UBND, ngày 26/12/2017 về việc ban hành Kế hoạch kiểm soát tải trọng xe năm 2018 trên địa bàn tỉnh. Song thời gian qua, tại các tuyến không đặt trạm cân trọng tải, tình hình phương tiện chở quá tải diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Tuy nhiên, việc xử lý đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nhất là khi Kế hoạch 12593/KHPH-BGTVT-BCA, ngày 21/11/2013 của liên Bộ: Giao thông - Vận tải và Công an về phối hợp thực hiện tuần tra, kiểm soát hành vi vi phạm chở hàng quá trọng tải của ô tô vận chuyển hàng hóa trên đường bộ đã kết thúc.

 

Lực lượng Thanh tra giao thông (Sở Giao thông - Vận tải) dừng xe kiểm tra tải trọng tại trạm cân. Ảnh: Phạm Dương

Kết thúc Kế hoạch 12593, lực lượng cảnh sát giao thông rút khỏi các trạm cân tải trọng thì việc dừng phương tiện, cân kiểm tra tải trọng giảm hiệu quả, tỷ lệ xe vượt trạm cân ngày càng phổ biến. Theo báo cáo của Sở Giao thông - Vận tải: Tính từ ngày 21/12/2017 đến ngày 24/9/2018, trong khi lực lượng chức năng của Sở thực hiện cân, kiểm tra được 979 lượt xe thì cũng có tới 963 lượt xe vượt trạm cân. Có nghĩa là số lượt xe được kiểm tra tải trọng và xe vượt trạm cũng xấp xỉ nhau.

Ông Bùi Vĩnh Phú, Phó chánh Thanh tra giao thông (Sở Giao thông - Vận tải) cho biết: Nhiều chủ xe, lái xe chưa chấp hành các quy định về kiểm tra, kiểm soát trọng tải với hành vi phổ biến là lén lút hoạt động vào ban đêm, đi đường vòng để tránh, né các điểm kiểm tra trọng tải xe. Nghiêm trọng hơn là một số lái xe coi thường pháp luật, liều lĩnh vượt trạm cân. Những xe vượt trạm cân đều che, bịt biển số, chạy với tốc độ cao, không chấp hành hiệu lệnh dừng phương tiện của lực lượng thanh tra làm việc tại trạm cân.

Thời gian qua, Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải cũng đã liên hệ với lực lượng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) trên tuyến phối hợp ngăn chặn, xử lý, song kết quả phối hợp chưa cao. Lý do là lực lượng cảnh sát giao thông thường xuyên tuần tra lưu động trên các tuyến quốc lộ, cách xa khu vực trạm cân; trong khi đó các phương tiện vượt trạm cân lại thường xảy ra vào ban đêm, tốc độ cao, việc ghi hình để làm căn cứ xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn.

Trao đổi về vấn đề này, Thượng tá Trần Văn Vang, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh chia sẻ: Việc kiểm tra, kiểm soát trọng tải xe cần phải có giải pháp đồng bộ, từ việc bố trí vị trí trạm cân, trang thiết bị, nhân lực. Ðối với việc phối hợp xử lý xe vượt trạm hiện nay cũng có bất cập. Một mặt lực lượng cảnh sát giao thông thường xuyên tuần tra lưu động, không phải lúc nào cũng gần khu vực trạm cân. Mặt khác, với trường hợp cụ thể, phải cân mới kết luận chính xác xe có vượt tải trọng hay không, nhưng không phải tổ, đội tuần tra nào cũng được trang bị cân xách tay. Nếu yêu cầu lái xe đưa xe quay lại trạm cân để cân, trong trường hợp xe không vi phạm thì những chi phí, vấn đề liên quan sẽ giải quyết thế nào, ai chịu trách nhiệm?

Một thực tế hiện nay là phương tiện liên lạc hiện đại đã được những chủ xe, lái xe thiếu ý thức tận dụng triệt để phục vụ cho hành vi trốn tránh các trạm kiểm tra, kiểm soát. Chỉ một, hai trường hợp đầu bị kiểm tra là thông tin đến toàn đội hình xe phía sau. Ví dụ điển hình là khi Trạm kiểm tra trọng tải xe đặt tại Km188+300 (xã Thanh Nưa, huyện Ðiện Biên), nhiều xe vận tải né trạm bằng cách đi vòng theo tuyến: quốc lộ 12 - Thanh Trường - đường phía tây lòng chảo - Nghĩa trang Tông Khao - quốc lộ 12. Lực lượng chức năng đã mật phục trên tuyến “đường tránh” này, công tác chuẩn bị rất bí mật nhưng kết quả là chỉ phát hiện, bắt được duy nhất xe đầu tiên, số còn lại đã được thông tin “lặn” mất.

Thời gian trước, với sự phối hợp giữa Sở Giao thông - Vận tải và các cơ quan chức năng khác, cơ bản các đơn vị kinh doanh vận tải, lái xe đã chấp hành quy định pháp luật về vận chuyển hàng hóa bằng ô tô. Song hiện nay, thiếu sự phối hợp hoặc phối hợp chưa hiệu quả giữa các ngành, đơn vị liên quan nên hoạt động chở quá tải trọng lại diễn biến phức tạp, gây mất trật tự an toàn giao thông, ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Từ năm 2017 đến nay, Sở Giao thông - Vận tải đã liên tục gửi văn bản đến các ngành liên quan và cấp trên đề nghị phối hợp, chỉ đạo công tác kiểm soát, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm xe chở quá tải. Gần đây nhất, ngày 24/7/2018, Sở Giao thông - Vận tải tiếp tục có Văn bản số 1351/SGTVT-TTr về việc đề nghị xử lý xe ô tô chở hàng vượt quá tải trọng cho phép, gửi Công an tỉnh, UBND, công an các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị quản lý đường bộ. Trong đó nêu rõ thực trạng vi phạm quy định về tải trọng phương tiện, khó khăn trong công tác kiểm soát, thiếu nhân lực... của ngành Giao thông - Vận tải. Do vậy rất cần sự phối hợp, vào cuộc của các ngành, chính quyền địa phương.

Trong tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, cảnh sát giao thông là lực lượng vũ trang nên uy lực trong thực thi pháp luật cao hơn. Trong khi đó, chức năng chính của thanh tra giao thông là kiểm tra các yếu tố liên quan đến mất an toàn giao thông về kết cấu hạ tầng và chuyên sâu thực hiện các quy định pháp luật về kinh doanh vận tải đối với doanh nghiệp, chủ xe hơn là trực tiếp tuần tra, kiểm soát trên đường. Trong khi đó, đối với các tuyến đường tỉnh, huyện, liên xã, các đầu mối hàng hóa thì cần tới vai trò quản lý của chính quyền địa phương. Nên chăng cần xây dựng quy chế phối hợp với nòng cốt là ngành Giao thông Vận tải, công an và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên cơ sở Kế hoạch phối hợp 12593 trước đây, có chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.

Tỉnh ta có 751km quốc lộ, trên 600km tỉnh lộ. Với lực lượng thanh tra giao thông mỏng như hiện nay rất khó để hoàn thành nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, xử lý xe quá tải. Thế nên, trong một cuộc họp của Tỉnh ủy, ông Nguyễn Ðình Giang, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải cho rằng: Trong kiểm soát, quản lý an toàn giao thông nói chung, trong đó có kiểm soát phương tiện quá tải, ngành giao thông rất “cô đơn”!

Hà Nguyễn
Bình luận
Back To Top