BÀI DỰ THI GIẢI BÁO CHÍ TOÀN QUỐC VỀ XÂY DỰNG ĐẢNG

Giải quyết tranh chấp đất đai giữa người dân 2 tỉnh Điện Biên – Sơn La: Khi lòng dân đã thuận (bài 1)

14:44 - Thứ Hai, 29/10/2018 Lượt xem: 23175 In bài viết

ĐBP - Địa bàn vùng cao cả nước nói chung, tỉnh Điện Biên nói riêng, việc tranh chấp đất đai giữa các bản, xã, huyện, tỉnh giáp ranh là điều khó tránh khỏi, nhất là do tập quán canh tác luân canh của bà con dân tộc thiểu số. Vụ việc tranh chấp đất đai giữa dân bản Na Su, Chua Ta A, B, xã Tìa Dình (huyện Điện Biên Đông) với người dân bản Huổi My, xã Sam Kha (huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) là một điển hình. Vụ việc kéo dài gần 30 năm, kể từ khi phân vạch địa giới hành chính theo Chỉ thị 364-CT, ngày 6/11/1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về giải quyết những tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính tỉnh, huyện, xã. Sau rất nhiều công sức, mồ hôi và nước mắt, cả máu cũng đã đổ… tranh chấp chỉ được giải quyết khi người dân đồng thuận!

 

Lãnh đạo và người dân xã Sam Kha, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La trao đổi với phóng viên về nguồn gốc việc tranh chấp đất đai.

Bài 1: Tranh chấp đất đai xuyên thế kỷ

Trong vòng gần 30 năm, kể từ khi xảy ra tranh chấp đất đai (năm 1991) giữa người dân bản Na Su, Chua Ta A, B (xã Tìa Dình) với người dân bản Huổi My (xã Sam Kha), chính quyền các cấp 2 tỉnh Điện Biên – Sơn La đã hàng chục lần “ngồi lại” với nhau để tìm cách tháo gỡ. Thế nhưng, không những không giải quyết được mà tình hình ngày càng trở nên căng thẳng, phức tạp hơn, đỉnh điểm là những vụ ẩu đã, xô xát, đốt lán nương; thậm chí nổ súng, nổ mìn của người dân 2 bên…

Trở lại thời gian từ năm 1991 trở về trước, người dân bản Na Su, Chua Ta A, B (xã Tìa Dình) với người dân bản Huổi My (xã Sam Kha) có mối quan hệ hòa đồng, gắn kết. Giữa họ không chỉ là mối quan hệ hàng xóm láng giềng, dựa vào nhau để phát triển sản xuất, mà còn là anh em kết nghĩa từ nhiều thế hệ cha ông. Thậm chí người Lào ở bản Na Su với người Mông ở bản Huổi My còn kết nghĩa anh em với nhau, cho dù phong tục tập quán mỗi dân tộc khác nhau. Vì vậy, mọi vui buồn sướng khổ của bản bên này đều có sự chia sẻ của người dân bản bên kia. Xem nhau như anh em trong nhà, nên ngay đến cả ruộng nương, họ cũng canh tác đan xen, cùng nhau trồng, chăm sóc và thu hoạch.

Thế nhưng theo thời gian, dân số gia tăng, nhu cầu sử dụng đất, nhất là đất sản xuất trở nên khẩn thiết. Những mâu thuẫn nhỏ giữa người dân bản Na Su, Chua Ta A, B với bản Huổi My cũng dần phát sinh. Đặc biệt, do những bất cập khi thực thi Chỉ thị số 364-CT, ngày 6/11/1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về giải quyết những tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính thì mâu thuẫn càng gia tăng. Thực hiện phân vạch địa giới hành chính theo bản đồ 364, thì toàn bộ diện tích đất canh tác trước đây của bản Huổi My, xã Sam Kha đều thuộc về các bản Na Su, Chua Ta A, B, xã Tìa Dình. Vì vậy, người dân bản Huổi My, chính quyền xã Sam Kha không nhất trí, dẫn đến tranh chấp kéo dài. Ông Giàng Khua Sếnh, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Sam Kha (huyện Sốp Cộp, Sơn La), cho rằng: Trước khi có bản đồ 364 thì 2 huyện, tỉnh đã thống nhất phân chia ranh giới cho nhân dân 2 bên sản xuất. Thời điểm đó, khu đất tranh chấp giữa bản Huổi My với bản Na Su và Chua Ta A, B (khoảng 500ha) là thuộc đất của bản Huổi My. Trước đây, người dân Huổi My sinh sống, canh tác, hiện nay vẫn còn một số ngôi mộ của dòng họ được chôn cất trên diện tích này. Thế nhưng, năm 1992 khi điều chỉnh lại địa giới hành chính đã cắt toàn bộ diện tích đất canh tác, sản xuất của bản Huổi My sang xã Tìa Dình, vì vậy người dân không đồng ý.

 

Trưởng bản Chua Ta A - Giàng Sái Hạ chỉ cho phóng viên vị trí đất điều chỉnh theo bản đồ 364 dẫn đến tranh chấp.

Cho rằng gốc tích đất đai từ thời cha ông khai hoang để lại, vì vậy người dân Huổi My vẫn canh tác, sản xuất trên diện tích này mặc dù theo bản đồ 364 vạch định phần đất này đã thuộc về xã Tìa Dình. Cứ thế những mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột giữa người dân hai bên ngày một lên cao. Trước tình trạng trên, để ổn định đời sống cho nhân dân các bản giáp ranh, duy trì an ninh trật tự, hạn chế thấp nhất những mâu thuẫn có thể xảy ra, ngày 6/12/1997, UBND 2 tỉnh Lai Châu (cũ) và Sơn La thực hiện giải quyết tranh chấp đất đai, xâm canh, xâm cư có liên quan đến địa giới hành chính giữa 2 tỉnh. Đến ngày 21/1/1998,  UBND 2 tỉnh Lai Châu (cũ) – Sơn La ra thông báo số 16/TB-UB về giải quyết tranh chấp đất đai, xâm canh, xâm cư có liên quan đến địa giới hành chính giữa 2 tỉnh. Theo đó, thống nhất: Bản Na Su và Huổi My nhất trí với đường địa giới hành chính giữa 2 xã Tìa Dình và Sam Kha. Hai bên tôn trọng đường địa giới hành chính 364. Đồng thời, theo đề xuất của nhân dân bản Huổi My, mượn 80ha đất nương và 2ha đất ruộng lúa nước 2 vụ của nhân dân bản Na Su, Chua Ta A, B để sản xuất trong 10 năm (kể từ năm 1998) và đã được người dân bản Na Su, Chua Ta A, B và chính quyền 2 tỉnh Lai Châu (cũ) – Sơn La đồng ý.

10 năm sau đó, tuy có một vài tranh chấp nhỏ nhưng cơ bản tình hình khu vực ổn định, nhân dân 2 bên chấp hành tốt chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và sự chỉ đạo của chính quyền các cấp. Đến năm 2008, thời gian cho mượn đất đã hết, nhưng người dân bản Huổi My không trả lại đất đã mượn của dân bản Na Su và Chua ta A, B (gồm 80ha nương và 2ha ruộng nước), vẫn tiếp tục canh tác. Trước tình hình trên, ngày 13/3/2009, chính quyền hai huyện Điện Biên Đông và Sốp Cộp đã họp và thống nhất: Thời hạn 10 năm mượn đất đã hết. Song để ổn định tình hình, huyện Điện Biên Đông tạm thời đồng ý cho người dân bản Huổi My tiếp tục mượn đất theo hiện trạng đang sử dụng; yêu cầu không được mở rộng diện tích, phát rừng đầu nguồn, giữ vững an ninh trật tự.

Ông Tráng A Dia, Chủ tịch UBND xã Tìa Dình, cho biết: “Theo biên bản làm việc ngày 13/3/2009 của 2 huyện Điện Biên Đông và Sốp Cộp, nêu rõ: Bản Huổi My giữ nguyên hiện trạng canh tác. Thế nhưng một số hộ dân bản Huổi My đã làm trái quy định, tự ý mở rộng diện tích đất canh tác, đào ao nuôi cá. Khi tổ công tác xã Tìa Dình phát hiện thì dân bản Huổi My mới dừng khai hoang, phát cây. Tuy nhiên khi tổ công tác không có mặt thì tình trạng này tiếp tục diễn ra. Vì vậy người dân bản Na Su, Chua Ta A, B xã Tìa Dình hoàn toàn không đồng ý”. Trong khi đó, dân số tăng nhanh, nhu cầu sử dụng đất tăng cao, người dân bên xã Tìa Dình đòi lại đất để canh tác nhưng người dân bên xã Sam Kha không trả, dẫn đến tranh chấp, xung đột kéo dài. Thậm chí người dân hai bên đã khiêu khích, chăn thả gia súc, đốt lán nương của nhau, xảy ra xô xát với sự manh động của một số cá nhân.

“Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến tranh chấp đất đai là khi thực hiện việc phân vạch địa giới hành chính theo Chỉ thị 364-CT đã chuyển khoảng 500ha diện tích vốn là đất canh tác từ lâu đời của bản Huổi My, xã Sam Kha về địa phận xã Tìa Dình. Vì vậy người dân bản Huổi My không đồng ý”. - Ông Giàng Khua Sếnh, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Sam Kha, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La, người trực tiếp tham gia việc giải quyết, điều chỉnh địa giới hành chính theo Chỉ thị 364.

Bài 2: Súng nổ trên đỉnh Đề Tinh

Phạm Dương – Văn Tâm
Bình luận
Back To Top