BÀI DỰ THI GIẢI BÁO CHÍ TOÀN QUỐC VỀ XÂY DỰNG ĐẢNG

Giải quyết tranh chấp đất đai giữa người dân 2 tỉnh Điện Biên – Sơn La: Khi lòng dân đã thuận (bài 2)

08:31 - Thứ Ba, 30/10/2018 Lượt xem: 13466 In bài viết

Bài 2: Súng nổ trên đỉnh Đề Tinh

ĐBP - “Trong vòng 2 năm, kể từ khi được bầu làm Chủ tịch xã, tôi đã trực tiếp 15 lần xuống thực địa (6 lầnchủ trì cấp xã và 9 lần đi cùng cấp huyện, tỉnh) để giải quyết vấn đề liên quan đến tranh chấp đất đai tại bản Huổi My. Sự việc có lúc còn bị đẩy lên căng thẳng đến mức: mìn đã nổ, súng đã vang!”. Đó là chia sẻ của ông Quàng Văn Hặc, Chủ tịch UBND xã Sam Kha, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La.

 

Người dân 2 tỉnh căng thẳng buộc lực lượng chức năng phải can ngăn, tách nhóm riêng tại cuộc hiệp thương thực địa ngày 9/5/2018.

Thấm thoắt thời hạn 10 năm mượn đất trôi qua, tình hình phân bố dân cư, sản xuất cũng đã đổi khác, số hộ, nhân khẩu của các bản Chua Ta A, B và Na Su đã tăng lên đáng kể. Đối với người dân vùng cao như tại xã Tìa Dình thì mảnh nương không chỉ là nơi canh tác, sản xuất mà còn mang ý nghĩa về danh dự, biểu tượng thiêng, liên quan đến những vấn đề phong tục, tín ngưỡng… nên mâu thuẫn, va chạm giữa người dân 2 bên về diện tích đất cho mượn năm nào cứ kéo dài liên miên. Từ khi triển khai thực hiện Quyết định số 513/QĐ-TTg, ngày 2/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc yêu cầu giải quyết dứt điểm các tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính các cấp do lịch sử để lại và những phát sinh mới từ những sai sót trong quá trình lập Bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính các cấp thực hiện theo Chỉ thị số 364-CT, ngày 6/11/1991 thì tình hình tranh chấp càng thêm “nóng”. Sự việc càng phức tạp hơn, khi UBND 2 tỉnh Sơn La và Điện Biên ra Thông báo kết luận số 46, ngày 6/10/2016 về dự kiến hiệu chỉnh khoảng 300ha đất tự nhiên thuộc các bản Na Su, Chua Ta A, B, xã Tìa Dình (bao gồm cả 80ha đất nương và 2ha ruộng nước cho mượn năm 1998) sang cho bản Huổi My, xã Sam Kha.

Ông Tráng A Dia, Chủ tịch UBND xã Tìa Dình là người sinh ra và lớn lên ở bản Chua Ta A, cho chúng tôi xem tập hồ sơ dày đến gần 500 trang, trong đó có 7 lá “Đơn đề nghị” viết tay của người dân các bản: Chua Ta A, B và Na Su với nội dung chỉ gói gọn trong vấn đề tranh chấp đất đai. Nhìn chồng văn bản, ông Dia tâm sự: Làm cán bộ cơ sở cũng áp lực lắm các đồng chí ạ! Được nhân dân quê hương tín nhiệm, điều hành bộ máy chính quyền xã, không giải quyết thỏa đáng được các kiến nghị là có lỗi với bà con. Không chỉ áp lực từ những lá đơn, mà hàng ngày từ trụ sở về đến đầu bản, tôi thường xuyên nhận được những lời nói, câu hỏi không mấy dễ nghe. Thậm chí có lần ngay trong bữa cơm nhân ngày làm “lý” của dòng họ, tôi đã bị một người bác cao niên trong họ chỉ thẳng mặt, quát: “Không giải quyết được đất cho dân bản thì mày đừng làm Chủ tịch nữa!”. Trăn trở lắm, nhưng trong việc này, nhiều nội dung vượt xa thẩm quyền của chúng tôi... Vì vậy, vấn đề quan trọng nhất là làm sao để dịu đi những cái đầu đang ngày một nóng.

Nói về quá trình giải quyết tranh chấp đất đai trên địa bàn, ông Tráng A Dia cho biết: Nếu thống kê về số lần tham gia họp bản, xuống thực địa khu vực tranh chấp thì thú thực tôi không nhớ nổi vì… nhiều quá. Còn về công tác phối hợp giải quyết giữa 2 tỉnh có sự tham gia của cá nhân tôi, từ tháng 12/2015 – 5/2018, lãnh đạo tỉnh Điện Biên và tỉnh Sơn La đã có 4 lần hiệp thương tại thực địa nhưng vẫn chưa thống nhất được phương án giải quyết. Nguyên nhân chính vẫn là sự không đồng thuận của nhân dân các bản có tranh chấp. Và điều đáng lo ngại là cứ sau mỗi lần hiệp thương không thành công, tình hình lại thêm phần căng thẳng.

 

Trưởng bản Chua Ta A - Giàng Sái Hạ chỉ vị trí mìn nổ ngày 24/10/2017.

Cách đây 1 năm, vào đêm 24/10/2017, một tiếng nổ lớn (được xác định là của mìn tự tạo) đã phát ra từ dãy núi Đề Tinh thuộc khu vực tranh chấp ở bản Chua Ta A, cùng với đó là những tiếng nổ nhỏ hơn của đạn súng kíp. Ngay trong đêm, chính quyền xã đã huy động lực lượng khẩn cấp có mặt tại hiện trường để ổn định tình hình, đồng thời báo cáo hỏa tốc lên cấp trên về sự việc. Rất may, vụ nổ không có thương vong về người nhưng động thái này cho thấy “vùng tam giác” Chua Ta A, B - Na Su – Huổi My đang thực sự trở thành điểm nóng về an ninh trật tự. Ngay sau đó, Công an 2 tỉnh đã phải bố trí 2 tổ công tác túc trực 24/24 giờ tại địa bàn.

Theo dõi diễn biến tình hình tranh chấp đất đai tại xã Tìa Dình, ngày 9/5/2018, nhóm phóng viên chúng tôi trực tiếp có mặt trong buổi hiệp thương của đoàn công tác 2 tỉnh Điện Biên – Sơn La tại thực địa khu vực tranh chấp. Tại buổi làm việc, với sự tham gia của đông đảo người dân, đã có nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau nhưng tựu trung lại: Người dân 2 bên vẫn chưa thống nhất với các phương án mà ngành chuyên môn xây dựng. Cũng tại buổi hiệp thương này, khi các bên vẫn đang bàn bạc căng thẳng trong lán nương thì một người dân Tìa Dình đã kéo phóng viên ra ngoài, chỉ về phía nương lúa mùa mới lên xanh, rồi thét lớn: “Anh xem, ngay lúc này mà “nó” còn mang trâu đến cho ăn lúa của bản tôi thì chịu làm sao được!” Mà đúng là có trâu của dân bản Huổi My đang ăn lúa của dân Tìa Dình thật. Như một phát pháo hiệu, tiếng thét đã thổi bùng sự tức giận của gần 50 người dân có mặt trên đỉnh núi, và gần như ngay lập tức, họ sẵn sàng lao vào nhau để ăn thua đủ. Dù đã lường trước được vấn đề, nhưng lực lượng công an đã phải rất vất vả can ngăn, nếu không xô xát lớn đã xảy ra. Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, 15h cùng ngày, khi đoàn công tác 2 tỉnh vừa ra về, dân bản hai bên đã đốt lán nương của nhau, trong đó có cả ngôi “lán đàm phán” mà đoàn công tác 2 tỉnh vừa ngồi thảo luận. Một người dân bản Na Su đã bị thương trong cuộc va chạm, xô xát này.

Lại một bản báo cáo hỏa tốc của UBND 2 huyện: Điện Biên Đông và Sốp Cộp được gửi lên tỉnh vẫn với nội dung về sự bế tắc trong phương án giải quyết tranh chấp đất đai và tình hình căng thẳng leo thang của người dân các bản: Huổi My (xã Sam Kha, huyện Sốp Cộp), Chua Ta A, B, Na Su (xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông). Tham dự cuộc hiệp thương ngày 9/5/2018, Trung tá Nhâm Văn Biên, cán bộ Phòng An ninh đối nội, Công an tỉnh Điện Biên – Tổ trưởng tổ công tác địa bàn xã Tìa Dình đã đề nghị khẩn thiết: Sau 7 tháng nằm lán chốt nương, tiếp xúc nhiều với bà con, chúng tôi thấy chính quyền, các ngành chức năng hai bên cần phải khẩn trương giải quyết vấn đề này, không thể chậm chễ hơn được nữa… Căng lắm rồi!

Từ tháng 12/1997 – hết tháng 5/2018, chính quyền các cấp và ngành chức năng 2 tỉnh Điện Biên và Sơn La đã ban hành tổng cộng 40 văn bản, gồm: Chỉ thị, Quyết định, Kế hoạch, Biên bản…; cùng với đó là 13 đơn đề nghị của nhân dân các bản gửi chính quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai giữa 2 xã: Tìa Dình (huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) và Sam Kha (huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La). Song kết quả không như mong muốn, không giải quyết được tranh chấp.

Bài 3: Đám cưới mong đợi

Phạm Dương – Văn Tâm
Bình luận
Back To Top